Thủ tướng Chính phủ: Nỗ lực thực hiện 7 giải pháp phát triển ngành logistics

Phát biểu tại Diễn đàn Logistics, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh 7 giải pháp phát triển ngành logistics, đồng thời là 7 đột phá để thực hiện 3 mục tiêu đã đề ra, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức 2 con số mỗi năm trong những năm tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính Phát biểu tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính Phát biểu tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2024

Ngày 2/12, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành tham dự Diễn đàn Logistics với chủ đề “Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics", do Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức.

Diễn đàn muốn gửi đi thông điệp về việc Việt Nam khuyến khích, thu hút phát triển các khu thương mại tự do, nhằm đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về logistics, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết thời gian qua, ngành logistics đã đạt những kết quả quan trọng, tạo diện mạo mới, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn quan trọng trong phát triển ngành dịch vụ logistics. Cụ thể, nhận thức đã có nhưng chưa tới, chi phí logistics còn cao khiến sức cạnh tranh hàng hóa thấp. Quy mô ngành logistics so với quy mô nền kinh tế quốc gia và quy mô của ngành logistics Việt Nam với quy mô thế giới còn thấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2024.

Theo Thủ tướng, thời gian tới, với xu thế hội nhập, thương mại quốc tế sẽ ngày càng phát triển; mặt khác thế giới phải đối mặt nhiều vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được.

Ở trong nước, kỷ nguyên phát triển mới và việc đẩy mạnh khai thác không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ, chuyển đổi số, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực cũng sẽ đặt ra những yêu cầu mới, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ ngành logistics, giảm thời gian, chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, dịch vụ logistics càng có vai trò quan trọng, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển của đất nước và hội nhập, tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển ngành logistics phải đi theo các xu thế mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; trên tinh thần "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp", "sáng tạo để bay cao, đổi mới để vươn xa, hội nhập để phát triển".

Qua đó, Thủ tướng nêu rõ 3 mục tiêu phát triển ngành logistics, góp phần phục vụ mục tiêu lớn phát triển đất nước: Giảm chi phí logistics so với GDP Việt Nam từ 18% xuống còn 15% trong năm 2025; nâng tỷ trọng ngành logistics Việt Nam trong quy mô GDP từ 10% lên 15% và phấn đấu đạt 20%; đồng thời, nâng tỷ trọng của ngành logistics Việt Nam so với quy mô ngành logistics toàn cầu từ 0,4% lên 0,5% và phấn đấu đạt 0,6%; nâng tốc độ tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam từ 14-15% mỗi năm hiện nay lên 20%.

Thủ tướng nhấn mạnh 7 giải pháp phát triển ngành logistics, đồng thời là 7 đột phá để thực hiện 3 mục tiêu đã đề ra, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức 2 con số mỗi năm trong những năm tới.

Thứ nhất, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành logistics và vị trí Việt Nam ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh trong chuỗi logistics thế giới.

Thứ hai, tạo đột phá thể chế theo hướng thông thoáng để phát triển ngành xứng tầm, với quan điểm "thể chế là nút thắt của nút thắt", là "đột phá của đột phá".

Thứ ba, xây dựng hạ tầng logistics hiện đại, thông suốt để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là phát triển ngành hàng không, hàng hải và đường sắt tốc độ cao.

Thứ tư, xây dựng quản trị thông minh và đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics.

Thứ năm, đẩy mạnh hội nhập, ngoại giao logistics và hiện đại hóa ngành logistics nội địa.

Thứ sáu, xây dựng và phát triển quốc gia thương mại tự do, đồng thời quản lý hiệu quả, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Thứ bảy, kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông (hàng không, hàng hải, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa) và kết nối với giao thông quốc tế, với các khu thương mại tự do của thế giới.

Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các cơ quan, địa phương tích cực, chủ động triển khai các giải pháp theo 7 giải pháp, đột phá nói trên. Trong đó, Bộ Công Thương chủ trì, cùng các bộ, ngành xây dựng chiến lược phát triển ngành logistics, đề án phát triển quốc gia thương mại tự do, phát triển các khu thương mại tự do ở biên giới.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, sau những bước đi ban đầu với những thành tựu, tiền đề rất quan trọng, với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, cùng với đà tăng tốc, bứt phá, tâm thế mới, tư duy mới trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, ngành logistics Việt Nam hiện đang độ tuổi "thanh niên" sẽ tự tin, phát triển mạnh mẽ.

Hơn nữa, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh nhiều trung tâm dịch vụ logistics chất lượng cao gắn với các khu thương mại tự do, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu phải đi đầu trong quá trình này, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Thành Nam

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thu-tuong-chinh-phu-no-luc-thuc-hien-7-giai-phap-phat-trien-nganh-logistics-10295724.html