Phấn đấu không còn xã đặc biệt khó khăn!

Đó là mục tiêu quan trọng của cấp ủy, chính quyền Thanh Hóa đặt ra đến năm 2030. Tuy nhiên, dưới tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và biến động xấu của thị trường, mục tiêu giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số là câu chuyện không đơn giản...

Dạy nghề, tạo việc làm - giúp đồng bào tự chủ

Đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho đồng bào là một trong những cách làm của xứ Thanh trong công cuộc giảm nghèo. Nhờ cách làm này, thời gian qua Thanh Hóa đã đạt được nhiều bước tiến trong giảm nghèo bền vững.

Năm 2018, anh Hà Văn Dậu, dân tộc Thái ở xã Thành Sơn, huyện Bá Thước cho biết, đăng ký học lớp kỹ thuật chế biến món ăn do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện liên kết với Trường Trung cấp nghề Thương mại và Du lịch Thanh Hóa tổ chức. Sau khi tốt nghiệp, anh Dậu xin vào làm việc tại một công ty du lịch ở gần nhà vừa có thu nhập ổn định trên 7 triệu đồng/tháng, vừa có điều kiện chăm lo cho gia đình.

Tương tự, chị Bùi Thị Liên ở xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc, sau khi tốt nghiệp lớp may công nghiệp ở Trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa, được Nhà máy May Vietpan Pacific Thanh Hóa tuyển dụng vào làm việc. Hiện chị là một trong những lao động có tay nghề vững, với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Anh Dậu, chị Liên là 2 trong hàng chục nghìn lao động là người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi được đào tạo chương trình giáo dục nghề nghiệp. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở khu vực miền núi đã tuyển sinh và đào tạo được 12.194 lao động (trong đó trình độ trung cấp là 4.123 người; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 8.071 người), chủ yếu là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất.

Ngoài ra, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 6.502 lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số. Các ngành nghề đào tạo tương đối đa dạng, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động, trong đó chủ yếu là nhóm nghề: điện, cơ khí, chăn nuôi, thú y, trồng trọt và các nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, đan lát...). Lao động khu vực miền núi ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ về nghề nghiệp nói chung còn được hưởng các chính sách hỗ trợ đặc thù, như: hỗ trợ học bổng, các khoản kinh phí mua đồ dùng cá nhân, hỗ trợ đi lại đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp.

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng đối với lao động nông thôn, trong đó ưu tiên người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

Đào tạo nghề nấu ăn tại Thanh Hóa
Nguồn: Báo Thanh Hóa

Hơn 30 thôn, xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn

Những năm qua, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa có bước phát triển đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,8% (năm 2020 đạt 8,5%); quy mô kinh tế của các huyện miền núi năm 2020 (theo giá hiện hành) đạt 36.896 tỷ đồng, chiếm 15,6% GRDP toàn tỉnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh từ năm 2016 - 2021 đạt trên 58.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 12,3% tổng huy động vốn đầu tư toàn tỉnh trong cùng giai đoạn.

Từ nguồn vốn hỗ trợ, tỉnh Thanh Hóa đã và đang xây dựng, thực hiện trên 350 dự án phát triển sản xuất, trong đó có khoảng 300 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần giảm gần 50.000 hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, vượt mục tiêu giảm bình quân 2,5%/năm. Đến nay, 11 huyện miền núi còn 13.193 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,7%, có 1 huyện thoát nghèo theo Nghị quyết 30a, có trên 30 xã, thôn, bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn...

Tuy nhiên, để xóa đói, giảm nghèo bền vững tại các huyện miền núi thì cần tạo lập những tiền đề, điều kiện để phát triển kinh tế bền vững. Ngoài việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề giúp bà con tự lập, tự tổ chức sản xuất thì còn rất nhiều việc phải làm và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo đó, các cấp, các ngành cần có giải pháp kịp thời tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực để các địa phương miền núi phát triển, ổn định sinh kế lâu dài cho người dân. Trong đó, quan trọng nhất là để người dân có thể phát triển được kinh tế rừng, tạo thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sinh kế và giảm nghèo.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho biết, hiện nay, ngoài đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và hỗ trợ học bổng, các khoản kinh phí cho con em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì tỉnh luôn dành sự đầu tư đặc biệt đến các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng lực cho người dân; y tế, giáo dục; giải quyết các vấn đề xã hội; bảo vệ môi trường, phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu... Đây là những chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên, có nguồn viện trợ từ nước ngoài.

Cách làm này đã đáp ứng trực tiếp, kịp thời nhu cầu cơ bản của bà con, nhất là các đối tượng yếu thế, khó khăn trong xã hội mà các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chương trình mục tiêu, giảm nghèo chưa vươn tới được.

“Chúng tôi coi đây là một trong những nguồn lực quan trọng giúp Thanh Hóa thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm trở lên, phấn đấu đến năm 2030 sẽ không còn huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn” - Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thi nói.

Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/phan-dau-khong-con-xa-dac-biet-kho-khan-i311804/