Phấn đấu tăng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên 2 lần
Trong giai đoạn 2021 – 2025, một trong những mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 'phấn đấu nâng mức thu thập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020'.
Chuyển dần từ chính sách hỗ trợ sang đầu tư phát triển
Bước vào năm 2022, Ủy ban Dân tộc và các địa phương đang tích cực triển khai Quyết định 1719/QĐ-TTg về phê duyệt đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Chương trình được xây dựng trên cơ sở tích hợp các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nhiều năm qua cùng với những chính sách mới nhưng được thay đổi cơ bản về cách tiếp cận trong phát triển kinh tế - xã hội dành cho địa bàn đặc thù này, đó là chuyển dần từ các chính sách mang tính chất hỗ trợ sang đầu tư phát triển.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh, đây chính là một chương trình có sự đầu tư lớn nhất, có vai trò quan trọng nhất và được đồng bào các dân tộc thiểu số mong chờ nhất.
Phấn đấu tăng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên 2 lần. Ảnh minh họa
Hiện nay, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố; bao gồm 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II, và 1.551 xã khu vực III. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Đây không chỉ là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, mà còn là nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng; có trên 14 triệu ha rừng, là đầu nguồn sinh thủy, gắn với các công trình thủy điện quốc gia vừa cung cấp điện, vừa cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du và khu vực đồng bằng.
Trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chủ yếu là núi cao, biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội kém nhất cả nước, xuất phát điểm rất thấp; biến đổi khí hậu, sự cố môi trường diễn ra nghiêm trọng và khó lường… Chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên rất khó khăn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tuy đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng còn nhiều đầu mối xây dựng, quản lý, theo dõi; nguồn lực phân tán, dàn trải; chưa phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành nên hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp; chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của vùng, phát huy nội lực của đồng bào để đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chương trình được đầu tư lớn nhất từ trước đến nay
Do đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ tập trung đầu tư cho các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng. Mục tiêu là thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi, giữa đồng bào dân tộc thiểu số và đa số.
Chương trình cũng sẽ dành nguồn lực đầu tư đáng kể cho các chính sách phát triển thông qua ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế, phát triển nguồn nhân lực kết hợp với các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Đây là một nguồn lực lớn nhất từ trước đến nay cho một chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, sẽ tập trung đầu tư cho các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng. Ảnh minh họa
Theo đó, chỉ tính riêng giai đoạn I của chương trình từ năm 2021 đến năm 2025, Quốc hội đã phê duyệt và giao cho Chính phủ cân đối, bố trí nguồn vốn tối thiểu cho chương trình này lên đến hơn 137 ngàn tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương là 104 ngàn tỷ đồng. Đây chính là giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu của Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, mà Quốc hội đã phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14.
Thực hiện chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội, tại Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu tổng quát của chương trình được xác định là cần phải: “Đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước”.
Để đạt được mục tiêu tổng quát trên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định 9 nhóm mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021 - 2025 của chương trình, một trong số đó chính là mục tiêu “Phấn đấu nâng mức thu thập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020”.
Ngoài vai trò là các mục tiêu cụ thể để góp phần đạt được mục tiêu tổng quát của chương trình như ở trên, nâng cao thu nhập của người dân tộc thiểu số chính còn là định hướng quan trọng, làm cơ sở để thiết kế và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung cụ thể của chương trình.
Trong thực tế, các dự án, tiểu dự án và nội dung thành phần của chương trình đều có tính liên kết, kết nối chặt chẽ với định hướng rõ ràng trong việc tạo sinh kế, tạo việc làm nâng cao thu nhập bền vững cho người dân sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Điều này được thể hiện khá rõ trong từng dự án, tiểu dự án của chương trình.
Các nội dung của chương trình được mong đợi sẽ hỗ trợ kịp thời để đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được các dịch vụ cơ bản, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển so với các vùng phát triển của cả nước./.