Phận đời lam lũ của những người phụ nữ mưu sinh trên vỉa hè ngày cuối năm
Trong cái lạnh se sắt ngày cuối năm, những người phụ nữ đã ngoài tứ tuần vẫn chật vật mưu sinh bên vỉa hè Tp.Hà Tĩnh.
Quán nước chè của bà Dung (57 tuổi, trú phường Thạch Linh, Tp.Hà Tĩnh) nằm gọn gàng một góc bên vỉa hè trên trục đường Lê Ninh, Tp.Hà Tĩnh. Trong cái lạnh se sắt, bà Dung nhóm lửa, sưởi ấm không gian cho thực khách.
Cũng như nhiều quán trên trục đường này, quán của bà Dung có những món chủ yếu là: khoai nướng, ngô nướng, hoa quả dầm, nước chè xanh và nước nhân trần. Những món ăn vặt ấm bụng luôn được giới trẻ và nhiều khách hàng lựa chọn nhâm nhi trong khung cảnh đơn sơ, ấm áp với giá thành rẻ.
Vừa đưa tay quạt để than đượm lửa, bà Dung vừa kể, bà đã mưu sinh bên vỉa hè với nghề này hơn 20 năm để nuôi mấy người con ăn học. Vào mùa đông, khách hàng đến quán đông hơn mùa hè. Không gian đơn sơ, ấm áp với những món ăn hợp túi tiền nên được khách hàng từ giới trẻ đến người trung tuổi đều ưa thích.
"Mưu sinh giữa trời lạnh bên vỉa hè rất vất vả, nhưng vì để kiếm thêm đồng tiền nuôi con ăn học, tôi cũng phải cố gắng thôi. Tôi bán quán này từ khi xây dựng tượng đài Trần Phú cho đến bây giờ, tính ra đã hơn 20 năm", bà Dung nói.
Gắn bó với chiếc xe máy cọc cạch, chở theo cuốc xẻng, bà Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi, trú thôn Trung Châu, xã Hộ Độ, Tp.Hà Tĩnh) cùng nhiều người phụ nữ trong xã đã có hơn 10 năm mưu sinh bên vỉa hè trục đường Nguyễn Du (Tp.Hà Tĩnh).
Hằng ngày, bà đến đây từ rất sớm, đứng run bần bật trong cái giá lạnh của mùa đông để chờ người đến thuê. Công việc của bà là: xúc đất, phụ hồ, dọn dẹp...
"Trước đây, tôi làm muối, nhưng giá xuống thấp, người ở làng dần bỏ nghề hết. Từ đó, cứ mỗi sáng tôi đều chạy xe lên thành phố để kiếm việc làm thuê. Dịp Tết nhu cầu dọn dẹp, xây dựng cũng tăng nên tôi cũng có công việc thường xuyên hơn. Dù công việc nặng nhưng cho tôi thu nhập để lo cho gia đình", bà Hoa nói.
Theo những người phụ nữ làm nghề bốc vác ở "chợ người" trên trục đường Nguyễn Du, dù công việc lao động chân tay vất vả chỉ dành cho đàn ông nhưng họ vẫn phải chấp nhận làm. Nhờ nghề này, họ có tiền để nuôi con ăn học.
"Dịp Tết, nhiều người thuê làm hơn ngày thường, dù vất vả, lại lao động trong thời tiết giá buốt, nhưng tôi và các chị em cùng nghề đều cố gắng nhận làm, hi vọng sẽ kiếm được số tiền khá để về mua sắm trong nhà cho các con vui", bà Loan (trú xã Hộ Độ, Tp.Hà Tĩnh) - một lao động mưu sinh tại đây chia sẻ.