Phân giao mặt biển, tích hợp nuôi biển và du lịch - tìm giải pháp từ Quảng Ninh

Phát biểu tại cuộc họp báo về phát triển công nghiệp nuôi biển tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Trần Đình Luân cho rằng, không lo thị trường tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp đang thiếu rất nhiều nguyên liệu chế biến xuất khẩu, quan trọng là cách tổ chức sản xuất như thế nào…

 Cuộc họp báo tại Hà Nội về nuôi biển, chiều 25-3

Cuộc họp báo tại Hà Nội về nuôi biển, chiều 25-3

Chiều 25-3, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức cuộc họp báo về việc chuẩn bị tổ chức “Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - nhìn từ tỉnh Quảng Ninh”.

 Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam phát biểu

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam phát biểu

Đồng chủ trì cuộc họp báo, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, hội nghị này sẽ diễn ra tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) từ ngày 31-3 đến 1-4, do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan chức năng của các địa phương sẽ cùng các đại biểu trong và ngoài nước, các nhà đầu tư thảo luận, cùng tìm giải pháp để cụ thể hóa Quyết định 1664 ngày 4-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

 Ông Nguyễn Hữu Dũng phát biểu

Ông Nguyễn Hữu Dũng phát biểu

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, một trong những khó khăn là thời điểm này, chưa có địa phương nào giao được vùng biển cho doanh nghiệp và ngư dân quản lý. Đây là rào cản lớn, khiến doanh nghiệp khó có thể đầu tư vào lĩnh vực này do vấn đề liên quan đến giấy phép và pháp lý. “Nhiều doanh nghiệp đã phải đối mặt với khó khăn kéo dài nhiều năm”, ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết.

 Các nhà báo đặt câu hỏi

Các nhà báo đặt câu hỏi

Khẳng định là một địa phương có tiềm năng - lợi thế lớn để phát triển nuôi biển (với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, bờ biển dài 250km chạy dài từ Móng Cái đến Quảng Yên, 40.000ha bãi triều, trên 20.000ha eo, vịnh…), ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, khẳng định, địa phương này đã dành 1 năm để quy hoạch và phân định vùng nuôi biển để giao cho các doanh nghiệp quản lý.

Ông Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh, mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh là thu hút đầu tư và tạo ra sản phẩm mới cho du lịch biển từ phát triển công nghiệp nuôi biển bền vững, không để mâu thuẫn giữa phát triển du lịch và nuôi biển.

 Nuôi biển ở tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Nuôi biển ở tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Vị này cho biết, Sở NN-PTNT và Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch và giao vùng biển cho doanh nghiệp nuôi biển trong thời hạn 30 năm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp quản lý, Quảng Ninh đã tập trung lực lượng xử lý môi trường biển.

“Khu vực nuôi biển hiện nay sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường và chúng tôi đã xây dựng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho nuôi biển”, ông Nguyễn Minh Sơn cho biết.

 Ông Trần Đình Luân trả lời câu hỏi của báo chí

Ông Trần Đình Luân trả lời câu hỏi của báo chí

Còn theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, từ thực tế mô hình nuôi biển ở tỉnh Quảng Ninh, hội nghị này là một sự kiện lớn, quy tụ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ nuôi biển mới từ các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Từ đó, sẽ có những suy nghĩ, hướng tiếp cận mới để định hướng và chỉ đạo sản xuất.

Ông Trần Đình Luân cho rằng, không gian phát triển nuôi biển không chỉ bó hẹp ở góc độ nuôi trồng thủy sản mà cần tích hợp đa giá trị cùng với các ngành kinh tế khác, chẳng hạn như nhiều mô hình tại Quảng Ninh đã kết hợp nuôi cá biển và làm du lịch rất hiệu quả, thu hút rất nhiều du khách.

Theo ông Trần Đình Luân, có thể tích hợp đa giá trị ngay trong chính lĩnh vực nuôi biển, chẳng hạn kết hợp nuôi ngọc trai và trồng rong biển ở Phú Quốc, nuôi hàu và trồng rong biển tại Quảng Ninh, nuôi tôm hùm và trồng rong biển tại Khánh Hòa… sẽ nhân đôi giá trị.

“Không cần lo về kim ngạch xuất khẩu, mà quan trọng là cách tổ chức sản xuất như thế nào, vì có những doanh nghiệp hiện nay đang cần lượng nguyên liệu lớn, nhưng không đủ…”, lãnh đạo Cục Thủy sản chia sẻ.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phan-giao-mat-bien-tich-hop-nuoi-bien-va-du-lich-tim-giai-phap-tu-quang-ninh-post732307.html