Phản hồi loạt bài Phát triển văn hóa - Khơi nguồn di sản trong thời đại số: Phát huy giá trị dân tộc cùng thời đại

Từ thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tại các địa phương mà Báo SGGP đã phản ánh trong loạt bài Phát triển văn hóa - Khơi nguồn di sản trong thời đại số vừa qua, có thể thấy di sản văn hóa không chỉ cần được gìn giữ, bảo tồn, phục dựng mà còn phải 'được sống', phát triển phù hợp với xu hướng thời đại.

Việc đó cần có sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, nhất là đối với ngành quản lý chức năng, các địa phương có di sản và sự ủng hộ của người dân, đặc biệt trong thời đại số hóa với những ngành công nghiệp văn hóa đang phát triển mạnh mẽ hiện nay. Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia xung quanh vấn đề này.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL: Xây dựng hành lang pháp lý

Việc xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm kiến tạo hành lang pháp lý để gìn giữ, phát huy các giá trị của di sản trở thành tài sản, coi đây là nguồn tài nguyên, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước. Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được xây dựng sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009. Bộ VH-TT-DL sẽ rà soát các luật có liên quan trực tiếp hoặc có quy định gián tiếp với Luật Di sản văn hóa để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật... Đồng thời, nội luật hóa các công ước quốc tế, chương trình có liên quan đến di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tương thích và thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa và di sản văn hóa.

Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ và Quốc hội thông qua tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng luật. Trong đó, hoàn thiện các quy định về chính sách của nhà nước về bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa, vấn đề về sở hữu và quyền sở hữu đối với di sản văn hóa, quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể gồm di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, bảo tàng, về trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương.

Ông BÙI QUANG HUY, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn: Tạo lập các thiết chế văn hóa phù hợp

Thế hệ trẻ là những người được thụ hưởng nhiều giá trị của văn hóa, đồng thời là những người có khả năng sáng tạo lớn nhất, đông đảo nhất có thể thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, phát huy bản sắc của dân tộc, đưa văn hóa trở thành động lực nội sinh của sự phát triển. Ngày càng có nhiều sản phẩm văn hóa “Made in Việt Nam” xuất hiện, nhất là trên các nền tảng công nghệ số, thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Nhiều bạn trẻ đã xây dựng và thành công với việc quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương trên không gian mạng, để sản phẩm có sự lan tỏa lớn không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

Trong thời gian tới, tổ chức Đoàn sẽ tăng cường nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, đồng hành với thanh niên trong chinh phục ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng cộng đồng kết nối giữa các doanh nghiệp và đoàn viên, thanh niên trong phát triển công nghiệp văn hóa. Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng cần xây dựng chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý để tạo lập các thiết chế văn hóa phù hợp; tạo đột phá trong phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa; có chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân, nhất là doanh nhân trẻ quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa truyền thống.

TS PHẠM CAO QUÝ, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL): Bảo vệ “di sản văn hóa sống”

“Di sản văn hóa sống” là người nắm giữ di sản rất quan trọng để xây dựng, phát triển đời sống văn hóa bền vững. Khi cộng đồng được tăng cường hiểu biết, đưa ra ý tưởng xây dựng và thực hiện các hoạt động để bảo tồn, phát huy giá trị di sản sẽ mang đến tương lai tốt đẹp cho di sản văn hóa. Quan trọng hơn, việc tham gia trực tiếp của cộng đồng cũng tạo ra những cơ hội mới, giúp chính họ được hưởng lợi, cải thiện sinh kế.

Di sản văn hóa phi vật thể tồn tại không tách rời con người. Nó luôn nằm trong con người và chỉ được nhận diện thông qua hoạt động trình diễn, biểu diễn, tạo tác của con người. Nó do các thế hệ kế thừa, lưu giữ, thực hành, sáng tạo và truyền lại cho nhau. Điều này đồng nghĩa di sản tồn tại khi cộng đồng ý thức về bản sắc và sự kế tục, kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là bảo vệ con người, tạo ra các điều kiện để con người (nghệ nhân, người thực hành, cộng đồng) có điều kiện tốt, phù hợp nhất để thực hành di sản đang nắm giữ. Đồng thời, các chính sách gắn với di sản được xây dựng và thực hiện đều phải dựa trên việc lấy con người làm trung tâm.

Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Giám đốc Sở VH-TT Ninh Bình: Xây dựng đô thị di sản hài hòa, bền vững

Tỉnh Ninh Bình có gần 3.000 di tích, trong đó 82 di tích quốc gia, 1 di sản văn hóa thiên nhiên thế giới, cùng nhiều di sản phi vật thể như: hát chèo, hát văn, hát xẩm, lễ hội... Thời gian qua, ngành văn hóa Ninh Bình đã tham mưu cho tỉnh nhiều đề án về bảo tồn tôn tạo, phát huy di sản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành cũng đã đi tham khảo cách quản lý, khai thác di sản văn hóa của các nước trong khu vực và thế giới, nhưng khó áp dụng, chủ yếu là do thiếu kinh phí và thiếu cơ chế. Nếu so với các nước thì việc quản lý, khai thác di sản cố đô của Việt Nam đang thua xa các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Nguyên nhân là di sản của họ vẫn còn nguyên vẹn, trong khi di sản cố đô Hoa Lư đã bị tàn phá, cần được khai quật, nghiên cứu, phục dựng... rất tốn kém.

Về tương lai, tỉnh Ninh Bình đang có hướng sáp nhập các đơn vị hành chính, đổi tên TP Ninh Bình thành TP Hoa Lư, xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, lấy du lịch làm mũi nhọn với kinh tế di sản, thành phố sáng tạo, công nghiệp văn hóa... Các đơn vị tư vấn đã gợi ý xây dựng thành phố thành một “quần cư di sản”, trong đó sẽ có các khu dịch vụ ăn uống, dịch vụ bán hàng phục vụ du khách chuyên nghiệp mà không làm ảnh hưởng đến di tích, để tạo điều kiện cho người dân tham gia vào khai thác, phát huy giá trị di sản một cách bền vững hơn.

TS TRANG THANH HIỀN, Đại học Mỹ thuật Việt Nam: Quan tâm tới di sản, muộn còn hơn không

Câu chuyện nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng lại di sản, tạo sức hút cho di sản và khai thác di sản nhằm tạo ra nguồn thu tái đầu tư cho di sản là xu hướng cần được khuyến khích. Hiện có hai quan điểm trong vấn đề khai thác giá trị của di sản là bảo tồn nguyên trạng rồi khai thác và bảo tồn theo kiểu phục hồi, phục dựng. Tại Việt Nam hiện tồn tại cả hai xu hướng này, tuy nhiên dù là bảo tồn nguyên vẹn hay phục dựng… di sản thì cũng đang muộn. Nhưng dù muộn còn hơn không, bởi đó là việc rất cần thiết, phải làm lúc này đối với kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Với di sản, khi đã mất đi hoặc biến dạng thì rất khó để phục hồi, gìn giữ hay phát huy đúng với những giá trị vốn có.

Trong thời gian dài, ở Việt Nam mới chỉ nặng về nghiên cứu di sản. Tuy nhiên tại thời điểm này, các kết quả nghiên cứu đã dần được công khai, lan tỏa nhiều hơn, qua đó cũng dần đẩy được sự quan tâm của người dân đối với di sản. Ví dụ dễ nhận thấy là tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, bên cạnh việc trưng bày những di vật, cổ vật hiện hữu thì đã tiến hành giới thiệu các nghiên cứu về di tích này một cách rộng rãi tới công chúng (phần trước đây chỉ dành cho các nhà nghiên cứu). Đó là một bước tiến lớn, trong việc tiếp cận mục tiêu phát huy giá trị của các di sản. Một số người không đồng tình với cách tiếp cận đại chúng hóa di sản, song với truyền thông cũng như với bối cảnh hiện nay thì đó cũng là cách để di sản sống.

TRẦN BÌNH - VĨNH XUÂN - MINH DUY - QUỐC LẬP thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phan-hoi-loat-bai-phat-trien-van-hoa-khoi-nguon-di-san-trong-thoi-dai-so-phat-huy-gia-tri-dan-toc-cung-thoi-dai-post742882.html