Phân khúc bất động sản nào dự báo chịu ảnh hưởng sau việc Mỹ áp thuế?

Ngày 2/4, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố danh sách áp thuế đối ứng với 60 nền kinh tế, trong đó mức thuế với Việt Nam là 46%. Sự kiện này dự báo sẽ gây ra tác động nhất định đến thị trường bất động sản.

Phân khúc bất động sản công nghiệp dự báo chịu tác động lớn

Theo chuyên gia, bất động sản công nghiệp là phân khúc sẽ chịu tác động rõ rệt nhất. Bởi lẽ, điều này sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI và tâm lý đầu tư, cả các kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.

Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn Đinh Minh Tuấn nhận định, nếu mức thuế này được thực thi thì dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể bị giảm, khiến bất động sản công nghiệp bị ảnh hưởng.

Chia sẻ trên Diendandoanhnghiep.vn, ông Tuấn cho rằng việc giảm dòng vốn FDI và bất động sản khu công nghiệp với dân sinh (FDI hàng năm chiếm gần 10% GDP). Các công ty đa quốc gia như Samsung, LG, Intel có thể giảm hoặc tạm hoãn kế hoạch mở rộng nhà máy tại Việt Nam do chi phí xuất khẩu sang Mỹ tăng cao.

Điều này làm giảm nhu cầu thuê đất, nhà xưởng và giá thuê khu công nghiệp có thể giảm, tồn kho tăng và các khu công nghiệp mới bị trì hoãn. Các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Long An, Bình Dương… có thể bị ảnh hưởng.

 BĐS công nghiệp dự báo chịu tác động lớn sau khi Mỹ áp thuế 46% đối với Việt Nam. Ảnh BĐT.

BĐS công nghiệp dự báo chịu tác động lớn sau khi Mỹ áp thuế 46% đối với Việt Nam. Ảnh BĐT.

Sau đó, giảm thanh khoản thị trường bất động sản ở phân khúc trung, bình dân. Các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng lượng lớn lực lượng lao động (30%), thuế cao có thể dẫn tới cắt giảm và thu nhập cũng ảnh hưởng. Điều này dẫn tới khả năng mua nhà đặc biệt là phân khúc trung cấp và bình dân có xu hướng giảm.

Bên cạnh đó, thuế suất trên cũng sẽ tác động đến nhu cầu mua nhà/thuê nhà của người nước ngoài. Người nước ngoài chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc thường mua bất động sản cao cấp hoặc đầu tư tại Việt Nam nhờ sự tăng trưởng của FDI và các khu công nghiệp. Khi FDI giảm, số lượng chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam giảm theo, kéo theo nhu cầu thuê/mua nhà cao cấp giảm...

Ông Tuấn cho rằng, tâm lý tiêu cực từ việc Mỹ áp thuế quan 46% với Việt Nam khiến thị trường bất động sản rơi vào trạng thái "nghe ngóng" và "đóng băng" tạm thời, mức độ nghiêm trọng sẽ phụ thuộc vào khả năng ứng phó của Việt Nam và diễn biến chính sách thương mại toàn cầu trong thời gian tới.

Tối 4/4 (theo giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Tham dự điện đàm có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc. Về quan hệ thương mại song phương, hai lãnh đạo cùng trao đổi các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy việc giao thương.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Tổng Bí thư cũng cho biết Việt Nam sẵn sàng tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Hoa Kỳ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Hoa Kỳ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ cùng trao đổi để sớm ký một thỏa thuận song phương nhằm cụ thể hóa những cam kết trên.

Trong cuộc họp thứ 2 của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành chiều 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ngay trong đêm, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ lên đường công tác tại Hoa Kỳ đề bàn phán về các vấn đề liên quan đến chính sách thuế đối ứng mà quốc gia này dự định áp lên Việt Nam.

Phân khúc bất động sản trung cấp, bất động sản công nghiệp, nhu cầu nhà dân sinh xung quanh khu công nghiệp, giá thuê khu công nghiệp và có thể cả nghỉ dưỡng khi thu nhập giảm sẽ bị ảnh hưởng mạnh và rõ nhất.

Còn bất động sản cao cấp có thể ít bị ảnh hưởng vì khách hàng là nhóm vốn ít chịu ảnh hưởng vào các biến động ngắn hạn và sau đó có thể là nhóm đất nền khi giá vẫn còn thấp và chủ yếu mua chờ tăng giá.

Không quá bi quan

Nhìn nhận việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố áp thuế đối ứng lên nhiều nền kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế nhìn nhận: "Rõ ràng việc Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam là chính sách rất đột ngột và có sự tác động rất mạnh tới thị trường tài chính. Chúng ta đã nhìn thấy ngay điều đó.

Với lĩnh vực bất động sản, thị trường này phụ thuộc rất lớn vào tâm lý người mua. Do đó, trong bối cảnh thông tin còn chưa thực sự rõ ràng như hiện nay, người mua có thể sẽ phải "phòng thủ". Dù là doanh nhân, chuyên viên, người làm kinh doanh,... thì số đông người tham gia thị trường vẫn bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế này.

Khi có tâm lý phòng thủ, họ sẽ giữ tiền lại. Vì vậy, thị trường bất động sản có thể sẽ bị ảnh hưởng nhất thời do tâm lý khách hàng bị tác động, kéo theo lượng mua bị suy giảm do người dân cần thời gian quan sát thêm".

Liên quan đến lo ngại về việc dòng vốn FDI có thể bị suy giảm do tác động từ việc Mỹ áp thuế 46%, dẫn đến bất động sản công nghiệp bị ảnh hưởng, ông Hiển cho rằng kịch bản chưa tới mức bi quan.

"Bất động sản công nghiệp là thị trường dài hạn, phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô và sự phát triển chung của Việt Nam. Hơn nữa, các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đa phần là có chiến lược kinh doanh trong dài hạn chứ không phải trong nhất thời như các công ty bất động sản dân cư.

Do đó, xét về tổng thể, Việt Nam có thể chỉ gặp khó khăn trong khoảng tối đa 6 tháng thì đàm phán song phương của Việt Nam với Mỹ sẽ từng bước được giảm dần các thuế. Tôi tin thương mại giữa Việt Nam và Mỹ còn tiếp tục phát triển. Dòng vốn FDI vẫn vào Việt Nam với những lợi thế nhất định của nước ta. Trong trung hạn, tôi cho rằng bất động sản công nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng", ông Hiển cho hay.

Ngoài ra theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh hiện nay thì lãi suất sẽ không tăng, lo ngại người dân khó vay mua bất động sản là chưa cần thiết. Có 2 lý do dẫn đến nhận định này.

Thứ nhất là Chính phủ rất cương quyết trong vấn đề giám sát các ngân hàng khi yếu thanh khoản, tăng huy động. Đơn cử như hồi tháng 1, khi một vài ngân hàng vừa tăng lãi suất, Thủ tướng lập tức can thiệp và sau đó lãi suất đã giảm lại ngay.

Thứ hai là Fed đã qua giai đoạn rút tiền, trong một vài tháng nữa, cơ quan này sẽ cung tiền trở lại để kích thích nền kinh tế Mỹ. Khi Mỹ cung tiền thì áp lực về tỷ giá sẽ không cao đối với Việt Nam.

Đông Bắc

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/phan-khuc-bat-dong-san-nao-du-bao-chiu-anh-huong-sau-viec-my-ap-thue.html