Cần Thơ cần làm gì để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao?

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong thời gian tới thành phố Cần Thơ sẽ xác định rõ nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của địa phương để xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ phù hợp.

Đội ngũ nguồn nhân lực của Cần Thơ đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc thu hút các chuyên gia, nhà khoa học của Cần Thơ còn hạn chế. Cùng với đó là tình trạng “chảy máu chất xám” khi lao động được đào tạo ở nước ngoài không về nước đã ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực của thành phố.

Giải pháp đang được Cần Thơ đưa ra để là hỗ trợ tài chính, chính sách ưu đãi để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư, cán bộ quản lý để góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Cập nhật kiến thức mới và chuẩn hóa chương trình học gắn với việc thực hành

Cập nhật kiến thức mới và chuẩn hóa chương trình học gắn với việc thực hành

Khó khăn trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Trong giai đoạn 2021 – 2024, Cần Thơ đã cử đã cử hơn 34.60 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Trong đó, có 34.575 được đào tạo trong nước và 26 người được đào tạo ở nước ngoài.

Cùng với đó, Đề án “Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho cán bộ, công chức, viên chức và đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021” được triển khai, thực hiện là bước giải pháp đột phá, góp phần nâng cao trình độ, bản lĩnh, kỹ năng chuyên môn, sở trường trong công tác điều hành, quản lý kinh tế, xã hội và trong quá trình hội nhập và phát triển của thành phố.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc vẫn diễn ra do vấn đề tiền lương. Cùng với đó, người được đào tạo ở nước ngoài xin thôi việc sau khi hoàn thành chương trình đào tạo đã phản ánh về chế độ tiền lương, đãi ngộ, môi trường làm việc. Vì vậy, để thu hút các chuyên gia đến thành phố phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính.

Đội ngũ nguồn nhân lực của Cần Thơ đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương (ảnh minh họa)

Đội ngũ nguồn nhân lực của Cần Thơ đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương (ảnh minh họa)

Bà Hạnh cho biết, từ năm 2021 đến nay thành phố không có chính sách nào về thu hút cũng như hỗ trợ cán bộ sau đào tạo. Để đồng bộ với Nghị quyết 45 của Quốc hội về chính sách cho thành phố Cần Thơ, Sở Nội vụ Cần Thơ được trao dự thảo trình 2 nghị quyết, đó là Nghị quyết về thu hút chuyên gia đến công tác tại Cần Thơ và Nghị quyết về mức thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức công tác tại TP. Cần Thơ. Tuy nhiên, khi lãnh đạo thành phố thảo luận và cân nhắc trên nhiều lĩnh vực, do chưa tự cân đối được ngân sách nên việc thực hiện chính sách này chưa thực hiện được tại thời điểm hiện tại.

Nguồn nhân lực tại Cần Thơ được đánh giá tốt hơn các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Chính điều này đã giúp cho thành phố có số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp thuộc top 3 của vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2021-2024.

Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ĐBSCL cho biết, qua khảo sát cho thấy các doanh nghiệp trong khu vực đang quan tâm đến nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực công nghệ tự động hóa, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Cùng với đó, doanh nghiệp mong muốn có môi trường làm việc tốt, bao gồm trường học, bệnh viện, khu thương mại để thu hút lao động chất lượng cao. Đồng thời, doanh nghiệp cũng mong muốn được hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thúc đẩy kinh tế của vùng ĐBSCL.

"Hiện nay, yêu cầu về đổi mới khoa học, công nghệ để doanh nghiệp có thể cạnh tranh bền vững trong tương lai thì quan điểm của VCCI ĐBSCL sẽ tập trung đào tạo cho lực lượng chủ doanh nghiệp. Tại vì hiện nay chủ doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức, khi đó mới có thể thay đổi về cách thức quản trị, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng sự chuyển đổi về khoa học, công nghệ", bà Hương cho biết.

Theo đánh giá, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của TP Cần Thơ đạt trên 617.000 người, trong đó đang làm việc trong nền kinh tế của thành phố ước tính hơn 596.000 người, khu vực nhà nước chiếm tỉ lệ hơn 10%; khu vực ngoài nhà nước chiếm tỉ lệ hơn 86%.

Bà Lê Thị Thùy Dung, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Cần Thơ cho biết, khó khăn trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn Cần Thơ có nhiều nguyên nhân như nghị quyết về mức chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan do thành phố quản lý và nghị quyết về mức thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học, trí thức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao nhằm phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được ban hành.

Bên cạnh đó, theo bà Dung, công tác tuyển dụng thu hút nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao gặp không ít khó khăn. Việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi thành phố phải tự cân đối ngân sách và đảm bảo các điều kiện khác có liên quan. Do đó thành phố thống nhất chủ trương chưa thực hiện, triển khai; sẽ triển khai vào thời điểm thích hợp. Đối với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều nguyên nhân như tiền lương, tiền công, phúc lợi trong khu vực công còn thấp, sự phát triển của các cơ sở kinh tế tư nhân thu hút phần lớn đội ngũ nhân công có kinh nghiệm và tay nghề cao.

Việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực là một trong những khâu đột phá, then chốt cho sự phát triển của thành phố trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề thách thức hiện nay là thiếu chính sách cụ thể về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách đãi ngộ, thu hút và tạo môi trường làm việc tốt.

Cần Thơ có nhiều trường đại học trên địa bàn

Cần Thơ có nhiều trường đại học trên địa bàn

Ông Đào Chí Nghĩa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ cho biết, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Cần Thơ vẫn còn hạn chế. Trong đó công tác tuyên truyền, dự báo về nhu cầu thị trường lao động trung và dài hạn để định hướng đào tạo đang thiếu. Cùng với đó, chưa có sự kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa các trường đại học, cao đẳng với các sở, ngành và doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực.

Ông Đào Chí Nghĩa cho rằng, giải pháp hiện nay là xây dựng chính sách cụ thể về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách đãi ngộ, thu hút và tạo môi trường làm việc tốt. Đồng thời tăng cường sự kết nối, phối hợp giữa các trường đại học, cao đẳng với các sở, ngành và doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực; xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn.

"Câu hỏi lớn đặt ra trọng điểm nhất là từ 2026 - 2030 này phải có chính sách về đãi ngộ như thế nào, chính sách về thu hút như thế nào. Do đó, lãnh đạo thành phố phải quyết liệt có một vài chính sách rất cụ thể, điển hình cho phát triển nguồn nhân lực, cả khu vực công, khu vực tư và đôi khi những chính sách không phải là kinh phí, mà còn là môi trường làm việc, là nơi ăn chốn ở cho lực lượng này", ông Đào Chí Nghĩa cho biết.

Tập trung khâu đào tạo ở các bậc học

Nhìn chung, đội ngũ nguồn nhân lực của Cần Thơ ngày càng được nâng cao về chất lượng. Trong đó, Cần Thơ đã nỗ lực trong việc phát triển nguồn nhân lực bằng việc cử đi đào tạo, bồi dưỡng và ban hành các chính sách khuyến khích học tập để nâng cao trình độ. Đầu tư phát triển nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, trong thực tế việc phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhân lực chuyên sâu, chế độ thu hút, khuyến khích của Cần Thơ trong những năm qua còn một số hạn chế nhất định.

Tập trung về khâu đào tạo ở các bậc học, nhất là bậc đại học

Tập trung về khâu đào tạo ở các bậc học, nhất là bậc đại học

Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, thành phố đã có nhiều chính sách và đầu tư nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian qua, như chính sách đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Hiện nay, nguồn nhân lực của thành phố vẫn được duy trì và có xu hướng tăng. Thành phố cũng đã dành nguồn ngân sách để chi cho đầu tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong thời gian tới thành phố sẽ xác định rõ nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của địa phương để xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ phù hợp; chú trọng phát triển kỹ năng mềm cho cán bộ, công chức và đánh giá, xây dựng tiêu chí cụ thể về chất lượng nguồn nhân lực.

"Thành phố đã có những quan tâm và đầu tư cho nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tăng và cái tăng ở đây thì có tỉ lệ rất cụ thể. Bên cạnh đó, ngay cả chi đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực đạt 12.904 tỷ đồng, tỷ lệ chiếm 24,39% tổng chi ngân sách của thành phố", bà Điệp cho biết.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Cần Thơ đang tập trung về khâu đào tạo ở các bậc học, nhất là bậc đại học, cao đẳng và đào tạo nghề, cập nhật kiến thức mới và chuẩn hóa chương trình học gắn với việc thực hành, phát triển kỹ năng mềm.

Cùng với đó là chính sách đãi ngộ hấp dẫn để thu hút nhân lực chất lượng cao từ các địa phương và chuyên gia nước ngoài . Đồng thời là những chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, nghề nghiệp để phát triển của thành phố xứng tầm với trung tâm của vùng ĐBSCL như kỳ vọng của Trung ương.

Phạm Hải/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/can-tho-can-lam-gi-de-thu-hut-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-post1189853.vov