Phân khúc đa dạng giúp thị trường xe máy điện đa dạng chưa từng có

Thị trường xe máy điện tại Việt Nam đang tăng tốc phát triển với dải sản phẩm ngày càng đa dạng, với ba phân khúc từ phổ thông đến cao cấp không chỉ phản ánh nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng mà còn thể hiện sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu trong và ngoài nước.

Phân khúc phổ thông dưới 20 triệu đồng

Phân khúc phổ thông nhắm đến nhóm khách hàng học sinh, sinh viên, người lao động có nhu cầu di chuyển ngắn trong đô thị. Các mẫu xe ở tầm giá này thường có thiết kế nhỏ gọn, tốc độ dưới 50 km/h và quãng đường đi mỗi lần sạc dao động từ 50–100 km.

Thị trường xe máy điện tại Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng với dải sản phẩm ngày càng đa dạng, trải dài từ phổ thông đến cao cấp. Ảnh minh họa.

Thị trường xe máy điện tại Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng với dải sản phẩm ngày càng đa dạng, trải dài từ phổ thông đến cao cấp. Ảnh minh họa.

VinFast Motio (12 triệu đồng): Mẫu xe mới ra mắt đầu 2025, hướng tới học sinh với tốc độ tối đa 50 km/h, quãng đường 80 km mỗi lần sạc và cốp xe rộng tới 20 lít.

Pega Aura S+ (16,5 triệu đồng): Thiết kế gợi nhớ Vespa nhưng nhỏ gọn hơn, tốc độ tối đa 45 km/h, đi được 100 km mỗi lần sạc. Trang bị đồng hồ điện tử, chìa khóa thông minh và cổng sạc USB.

Yadea Vekoo (15 triệu đồng): Tốc độ 38 km/h, quãng đường 65 km mỗi lần sạc, tích hợp kết nối smartphone giúp phụ huynh theo dõi hành trình con em.

Yadea Odora S (18,48 triệu đồng): Thiết kế mang phong cách Ý, tốc độ tối đa 46 km/h, phạm vi di chuyển 80 km, phù hợp với người trẻ chuộng kiểu dáng cổ điển.

Ngoài ra, phân khúc này còn có sự góp mặt của các thương hiệu như DK Bike, Anbico – tập trung vào giá thành rẻ và phân phối linh hoạt tại địa phương. Tuy nhiên, người tiêu dùng được khuyến cáo nên lựa chọn các điểm bán chính hãng để đảm bảo chất lượng và dịch vụ hậu mãi.

Phân khúc trung cấp: Từ 20–40 triệu đồng – Hiệu năng và tiện ích cân bằng

Đây là phân khúc sôi động và cạnh tranh nhất hiện nay, với nhiều lựa chọn phù hợp cho nhân viên văn phòng, người làm dịch vụ hoặc khách hàng yêu thích xe điện có kiểu dáng hiện đại, hiệu suất cao hơn.

Ba phân khúc chính; dưới 20 triệu đồng; từ 20–40 triệu đồng và trên 40 triệu đồng không chỉ phản ánh nhu cầu người tiêu dùng mà còn là sân chơi cạnh tranh giữa các thương hiệu. Ảnh minh họa.

Ba phân khúc chính; dưới 20 triệu đồng; từ 20–40 triệu đồng và trên 40 triệu đồng không chỉ phản ánh nhu cầu người tiêu dùng mà còn là sân chơi cạnh tranh giữa các thương hiệu. Ảnh minh họa.

VinFast Evo200 (22 triệu đồng): Mẫu xe nổi bật với quãng đường đi tới 203 km/lần sạc – thuộc nhóm cao nhất trong phân khúc. Có 4 phiên bản phù hợp nhu cầu đa dạng.

VinFast Feliz có 2 phiên bản Feliz Neo và Feliz S, giá 22,4 - 29,7 triệu đồng. Trong khi, VinFast Klara bán ra cũng 2 phiên bản Klara Neo và Klara S, có giá 28,8 - 36,5 triệu đồng. Hướng đến nhóm khách hàng văn phòng, người trẻ yêu thích xe điện với tầm giá vừa phải. Tốc độ 70–78 km/h, tầm di chuyển lên đến 200 km.

Yadea Velax (29,99 triệu đồng): Có ba phiên bản (H, U, Fast Charging) với tốc độ tối đa 60–86 km/h, phạm vi hoạt động 80–129 km. Kiểu dáng thể thao, cá tính, được ưa chuộng bởi người trẻ và nhân viên văn phòng.

Honda ICON e: (27 triệu đồng): Xe lắp ráp tại Việt Nam, tốc độ 49 km/h, đi được 71 km mỗi lần sạc. Điểm cần lưu ý là người dùng phải trả phí thuê pin hàng tháng (350.000 đồng).

Yamaha Neo’s (đang được giảm còn 33–35 triệu đồng): Xe có thể tháo lắp pin dễ dàng, tốc độ 50 km/h, quãng đường 72 km (hoặc 144 km khi lắp hai pin, mỗi pin có giá 20 triệu đồng).

Selex Camel (28–29 triệu đồng): Hướng đến đối tượng chạy dịch vụ, xe có thể tải đến 225 kg, tốc độ 70–80 km/h và được hỗ trợ đổi pin nhanh tại trạm.

Trong phân khúc này, VinFast tiếp tục chiếm lợi thế nhờ hệ sinh thái trạm sạc, mạng lưới cửa hàng rộng khắp và dải sản phẩm phủ rộng các tầm giá. Tuy nhiên, các hãng như Yadea, Honda, Yamaha cũng đang tăng tốc cạnh tranh bằng công nghệ và giá linh hoạt.

Phân khúc cao cấp: Trên 40 triệu đồng

Phân khúc cao cấp hướng đến người dùng có thu nhập cao, yêu công nghệ, ưa trải nghiệm và đòi hỏi xe không chỉ là phương tiện mà còn là tuyên ngôn cá nhân.

Ở phân khúc trên 40 triệu đồng, các mẫu xe tập trung vào hiệu suất vượt trội, thiết kế thời thượng và công nghệ tiên tiến. Ảnh minh họa.

Ở phân khúc trên 40 triệu đồng, các mẫu xe tập trung vào hiệu suất vượt trội, thiết kế thời thượng và công nghệ tiên tiến. Ảnh minh họa.

VinFast Vento S (49,2 triệu đồng) và Theon S (56,9 triệu đồng): Vento S tốc độ tối đa 89 km/h, phạm vi 160 km. Còn Theon S là mẫu cao cấp nhất của VinFast, trang bị nhiều tính năng thông minh và an toàn chủ động.

Dat Bike Quantum (35–50 triệu đồng): Xe "thuần Việt" mang thiết kế độc đáo, tốc độ tối đa 100 km/h, đi được 285 km/lần sạc. Sử dụng hệ truyền động dây xích, động cơ đặt giữa, trang bị cruise control, khởi hành ngang dốc và chế độ đi lùi.

BMW CE4 (549 triệu đồng): Xe máy điện cao cấp nhất tại Việt Nam hiện nay, nhập khẩu từ Đức. Tăng tốc 0–50 km/h chỉ trong 2,6 giây, tốc độ tối đa 120 km/h. Thiết kế cực kỳ ấn tượng, mang hơi hướng xe tương lai.

Mặc dù phân khúc này có giá thành cao, song số lượng lựa chọn vẫn còn khá hạn chế. Các thương hiệu thay vì mở rộng mẫu mã thì hiện tại đang tập trung vào việc nâng cấp trải nghiệm người dùng.

Với hàng chục mẫu mã trải rộng ở mọi phân khúc, thị trường xe máy điện tại Việt Nam không còn là cuộc chơi của riêng một vài thương hiệu. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm được chiếc xe phù hợp với nhu cầu, phong cách và ngân sách cá nhân. Tuy nhiên, điều quan trọng là lựa chọn những thương hiệu uy tín, sản phẩm chính hãng, có chính sách bảo hành rõ ràng và hệ thống hậu mãi đồng bộ để đảm bảo chất lượng, an toàn khi vận hành.

Vũ Đậu (T/h)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/phan-khuc-da-dang-giup-thi-truong-xe-may-dien-phan-hoa.html