Phân luồng bệnh truyền nhiễm trong cơ sở y tế
Nhằm kiểm soát hiệu quả bệnh truyền nhiễm, hạn chế lây nhiễm chéo, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác phân loại, sàng lọc đối tượng nghi mắc bệnh truyền nhiễm ngay từ khâu khám bệnh; chú trọng công tác vệ sinh, khử khuẩn môi trường; đảm bảo an toàn cho cán bộ y tế, người bệnh trong quá trình khám và điều trị.
Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường tiếp nhận khoảng 420 lượt người đến khám bệnh, trong đó, khoảng 30 - 40% có dấu hiệu nghi mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, cúm A, thủy đậu, tiêu chảy… Các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm được cán bộ y tế sàng lọc, phân luồng ngay từ khâu tiếp nhận.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Nha, Trưởng Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường cho biết: “Để đảm bảo việc sàng lọc, phân luồng, cách ly và quản lý bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh sởi theo yêu cầu của Bộ Y tế, Khoa Khám bệnh đã bố trí cán bộ sàng lọc đối tượng khám ngay từ khâu tiếp đón. Người dân đến khám có biểu hiện ho, sốt, phát ban nghi sởi và các yếu tố dịch tễ khác sẽ được phân loại vào phòng khám bệnh truyền nhiễm, có biển chỉ dẫn phân luồng riêng. Việc phân luồng, sàng lọc tốt ngay từ khâu tiếp nhận sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, giảm gia tăng số ca mắc bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng”.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện tốt công tác phân luồng, sàng lọc bệnh nhân ngay từ khâu tiếp nhận và khám bệnh. Ảnh: Trà Hương
Tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, cùng với công tác phân luồng bệnh nhân từ khâu khám bệnh, bệnh viện bố trí khu điều trị riêng cho người mắc bệnh truyền nhiễm.
Bác sĩ CKI Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết: “Khoa Truyền nhiễm có quy mô 50 giường bệnh được bố trí tại khu vực tách biệt với các khoa, phòng khác nhằm đảm bảo cách ly và hạn chế lây nhiễm chéo theo quy định của Bộ Y tế. Một số mặt bệnh chủ yếu đang được điều trị tại khoa gồm sởi, tiêu chảy do Rota vi rút, cúm, bệnh do vi rút RSV… Khoa bố trí phòng cách ly riêng cho các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và phòng điều trị đối với bệnh nhân đã có kết quả chẩn đoán cận lâm sàng.
Cán bộ y tế của khoa chủ động hướng dẫn bệnh nhi và người nhà bệnh nhi các biện pháp phòng tránh lây nhiễm chéo, bảo vệ sức khỏe cho người xung quanh. Một số trường hợp bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chưa thực hiện tốt khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh chủ động với cộng đồng và những người xung quanh đều được cán bộ y tế nhắc nhở kịp thời”.
Cùng với một số bệnh truyền nhiễm thường gặp như cúm, thủy đậu, sởi, tiêu chảy do Rota vi rút, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc một số bệnh lý như viêm màng não, viêm gan B, nhiễm trùng máu, người bệnh nhiễm HIV/AIDS mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Đây là những bệnh lý nguy hiểm, có khả năng lây lan cao, vì vậy, cán bộ y tế của khoa luôn đảm bảo thực hiện tốt quy trình điều trị theo phác đồ; trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ lao động. Công tác khử khuẩn các khoa, phòng bệnh được thực hiện thường xuyên.
Đối với bệnh sởi đang có số ca mắc gia tăng trong cộng đồng, thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế, đội ngũ bác sĩ, cán bộ y tế Khoa Truyền nhiễm tăng cường tuyên truyền để người bệnh và người nhà bệnh nhân hiểu rõ về dấu hiệu nghi mắc bệnh, hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng sởi, các biện pháp phòng bệnh chủ động; khuyến cáo người nghi nhiễm sởi và người bệnh sởi áp dụng các biện pháp giảm lây lan như đeo khẩu trang, che miệng khi hắt hơi...
Khoa Truyền nhiễm đã tham mưu Ban Giám đốc bệnh viện xây dựng kế hoạch sẵn sàng bố trí, thu dung, phân luồng, cấp cứu, cách ly, điều trị trong trường hợp số lượng bệnh nhân mắc sởi tăng cao phải nhập viện điều trị. Đồng thời xây dựng phương án chủ động ứng phó khi bệnh nhân biến chứng do sởi gia tăng.
Cùng với công tác chủ động sàng lọc, phân luồng người bệnh ngay từ khâu khám bệnh, các cơ sở y tế đã chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế đảm bảo làm tốt nhiệm vụ thu dung, điều trị người bệnh. Các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm bị biến chứng nặng đều được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các cơ sở y tế thực hiện tốt hoạt động giám sát ca bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện và cộng đồng, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm các ca bệnh nghi ngờ kịp thời. Các đơn vị tăng cường công tác truyền thông về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân về các biện pháp phòng dịch bệnh hiệu quả; nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh cho người dân, đặc biệt là các nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Các cơ sở y tế hạn chế người thăm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nhằm đảm bảo hiệu quả công tác sàng lọc, phân luồng, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng.