Phân luồng học sinh sau THCS cần giải pháp đồng bộ
Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) là giải pháp tích cực của ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) nhằm hướng nghiệp cho học sinh...
Bên cạnh đó phát triển giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và giảm tải đào tạo cho bậc THPT.
Để thực hiện tốt công tác phân luồng sau THCS, Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Đình Thịnh - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
Bảo đảm hiệu quả phân luồng
- Thưa ông, hiện nay Phòng GD&ĐT đã có những hoạt động như thế nào để bảo đảm việc phần luồng học sinh lớp cuối cấp THCS?
- Xác định công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị để đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Phòng GD&ĐT huyện Ý Yên đã thành lập bộ phận quản lý, theo dõi công tác giáo dục, hướng nghiệp phân luồng học sinh của các nhà trường.
Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT huyện thường xuyên chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt công tác phân hóa học sinh để bồi dưỡng cho học sinh năng khiếu; đồng thời phụ đạo cho học sinh yếu cố gắng vươn lên trong học tập. Đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kế hoạch năm học của nhà trường.
Đối với học sinh học cuối cấp THCS, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các nhà trường định hướng phân luồng cho phù hợp với năng lực và điều kiện hoàn cảnh của học sinh. Trên cơ sở đó, các nhà trường căn cứ kết quả học tập của học sinh (thông qua kết quả lớp 8 và các bài kiểm tra, khảo sát… ở lớp 9) đã gặp gỡ, trao đổi với với phụ huynh và học sinh về việc định hướng nghề nghiệp cho phù hợp với năng lực; động viên các em đi học các trường nghề hoặc theo học tại các cơ sở nghề truyền thống của địa phương…
- Khi phân luồng học sinh, sẽ giảm áp lực tâm lý thi cử cuối cấp cho phụ huynh, học sinh ra sao, thưa ông?
- Việc phân luồng học sinh sẽ giảm bớt nhiều áp lực cho cả phụ huynh, học sinh và giáo viên. Vì nếu không thực hiện việc phân luồng, một số phụ huynh không hiểu hết về thực lực của con, dẫn đến có nhiều kỳ vọng và thúc ép con cố gắng vượt quá khả năng.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải thường xuyên yêu cầu học sinh học tập để có thể thi vào các trường THPT. Chất lượng ôn thi vào THPT sẽ đạt hiệu quả cao hơn do giảm bớt áp lực nâng cao chất lượng đối với học sinh yếu.
Về phía phụ huynh bối rối một, con bối rối mười. Vì vậy, để giúp các con vượt qua được giai đoạn này, bố mẹ cần đồng hành, thấu hiểu. Cho dù kết quả là đỗ hay trượt, bố mẹ vẫn phải đồng hành cùng con tới cuối hành trình.
Trước tiên, bố mẹ cần là người quan sát tốt, chú ý tới những hành vi của con để phát hiện ngay các dấu hiệu bất thường. Tiếp đó, nên thường xuyên trò chuyện để thấu hiểu con suy nghĩ gì, cảm xúc ra sao, đang gặp khó khăn gì trong việc học tập... rồi cùng tháo gỡ hoặc khuyến khích con tự tìm ra giải pháp.
Giải pháp từ nhiều phía
- Theo ông, việc phân luồng để đánh giá năng lực học sinh nên bắt đầu từ năm nào và thực hiện ra sao?
- Phân luồng học sinh nên bắt đầu ngay từ cấp THCS nhưng chú trọng đến những lớp cuối cấp (lớp 8, 9 đặc biệt là lớp 9); vì cơ bản đến lớp 9 học sinh đã hình thành được kiến thức, kỹ năng của cấp THCS, do đó việc phân luồng tương đối chính xác.
Để thực hiện tốt công tác phân luồng, thực hiện chỉ đạo của ngành, Phòng GD&ĐT đã quan tâm bố trí đủ giáo viên tham gia giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề cho học sinh lớp 9; 100% đơn vị trường THCS đều thực hiện nội dung giảng dạy về giáo dục hướng nghiệp theo quy định, đồng thời phối hợp với các trung tâm GDNN-GDTX tổ chức hoạt động ngoại khóa tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Thường xuyên kiểm tra, tổ chức khảo sát định kỳ đối với học sinh để nắm bắt thực trạng của các nhà trường, từ đó điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp, đạt hiệu quả.
Chỉ đạo các nhà trường đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động, tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại các trường đào tạo nghề, các công ty, cơ sở nghề truyền thống ở địa phương…
- Để công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh tốt nghiệp sau THCS đạt hiệu quả cao cần thực hiện những gì?
- Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng tại các cơ sở giáo dục phổ thông, phụ huynh, học sinh.
Đối với Chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán (giáo dục STEM) phù hợp với xu hướng phát triển ngành nghề của quốc gia, đáp ứng thị trường lao động, chuẩn bị điều kiện đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa các cơ sở giáo dục phổ thông, các cơ quan quản lý giáo dục với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp và học sinh phổ thông sau khi tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đặc biệt, quan tâm tuyên truyền về những tấm gương thợ giỏi, làm nghề giỏi, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, từ đó giúp học sinh, phụ huynh học sinh tự tin cho con vào học các trường nghề, không còn tâm lý e ngại…, đồng thời giảm chi phí tốn kém cho gia đình và xã hội.