Phân luồng, hướng nghiệp bậc THCS: Nhìn từ điểm thi lớp 10

Thời điểm này tất cả các địa phương đều đã công bố điểm thi vào lớp 10 THPT công lập. Ở năm đầu tiên đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, điểm chuẩn trúng tuyển ở nhiều trường thấp đến mức ngạc nhiên, chỉ 2,5 điểm/3 môn (bao gồm cả điểm khuyến khích, ưu tiên) đặt ra lo ngại về chất lượng đầu vào như vậy có đảm bảo tiếp tục học THPT hay không.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025 tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025 tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Thừa chỉ tiêu, thiếu nguồn tuyển

Trường THPT Nam Đàn 2 (Nghệ An) thông báo về điểm trúng tuyển đợt 2 vào trường là 2,5 điểm (3 môn) bao gồm cả điểm ưu tiên và khuyến khích trong khi điểm chuẩn đợt 1 vào trường là 9,5 điểm. Lý giải về việc này, đại diện nhà trường cho biết mức điểm chuẩn đợt 2 thấp do sau khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, số hồ sơ đăng ký ở đợt 1 chưa đủ chỉ tiêu. Ban đầu, trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh 450 học sinh cho 10 lớp 10. Tuy nhiên chỉ có 419 hồ sơ đăng ký dự thi vào trường nên chỉ tiêu tuyển sinh đã được điều chỉnh còn 400. Sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10, một số thí sinh thay đổi nguyện vọng, dẫn tới có 442 hồ sơ đăng ký do vậy Trường THPT Nam Đàn 2 tiếp tục điều chỉnh lên 450 chỉ tiêu tuyển sinh nên sau đó phải tuyển bổ sung. Với điểm chuẩn đợt 2, có 31 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển trong đó, chỉ một em có số điểm là 2,5 điểm. Theo quy định, thí sinh tốt nghiệp THCS và không bị điểm liệt (0 điểm) trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ được xét tuyển.

Tại tỉnh Hà Nam (cũ), điểm chuẩn gây bất ngờ năm nay thuộc về Trường THPT Phủ Lý A khi chỉ với 8 điểm/3 môn, thí sinh đã trúng tuyển. Lý do khiến trường có mức điểm thấp nhất tỉnh trong mùa tuyển sinh năm 2025 trong khi nhiều năm qua, đây là trường có điểm chuẩn ở top cao nhất là vì chỉ tiêu tuyển sinh cao trong khi số lượng hồ sơ đăng ký thấp. Thống kê cho thấy, Trường THPT Phủ Lý A xếp thứ 3 toàn tỉnh năm nay về điểm bình quân 3 môn thi của thí sinh trúng tuyển với 7,158 điểm. Có 224 học sinh đạt tổng điểm từ 22 trở lên, 139 học sinh đạt từ 18-22 điểm, 26 học sinh trong nhóm 15 - 18 điểm, chỉ 1 học sinh đạt 8 điểm tổng 3 môn - mức điểm thấp nhất trúng tuyển.

Như vậy, nhiều trường để tuyển đủ chỉ tiêu đã chấp nhận giảm điểm chuẩn đến mức rất thấp so với điểm trúng tuyển thông thường hàng năm. Tuy nhiên, tại một số địa phương, mức điểm chuẩn thấp đều ở nhiều trường. Cụ thể, cũng lấy điểm chuẩn 2,5 điểm/3 môn ngay ở đợt tuyển sinh đầu tiên là Trường THPT Hai Bà Trưng (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk cũ). Không chỉ ngôi trường này, theo danh sách Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Đắk Lắk cũ công bố, có tới 11/50 trường THPT công lập trực thuộc sở có điểm chuẩn dưới 5 điểm, như trường THPT Krông Bông (lấy 2,75 điểm), THPT Cao Bá Quát (3,75 điểm), THPT Phan Đăng Lưu (3,75 điểm), THPT Cư M'gar (4,5 điểm), THPT Lê Hữu Trác (4,25 điểm)... Ngoài ra, có hàng chục trường THPT công lập khác tại tỉnh có điểm trúng tuyển dưới 10 điểm.

Theo Giám đốc Sở GDĐT Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân, điểm liệt thi vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 là 1 điểm và năm nay là 0 điểm. Sở theo nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho học sinh được đến trường và không thể từ chối quyền đi học của học sinh, để các em đều có cơ hội học tập. Theo phân luồng trong giáo dục, năm nay có khoảng 80% học sinh tại tỉnh này sẽ theo học THPT và 20% các em sẽ theo học tại các cơ sở nghề. Riêng đối với một số trường có điểm chuẩn rất thấp chỉ 2 - 3 điểm, bà Xuân cho rằng các trường này đều có số lượng học sinh từ các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số đông.

Câu hỏi đặt ra là những học sinh chỉ đạt khoảng trên dưới 1 điểm mỗi môn liệu có đáp ứng được yêu cầu học tập ở bậc THPT? Theo các giáo viên, phần lớn những học sinh này sẽ gặp khó khăn để theo kịp chương trình học ở bậc THPT dù rằng nhà trường có thể xếp các em vào lớp riêng và phụ đạo thêm nhưng chương trình học ở cấp THPT đòi hỏi kiến thức và kỹ năng cao hơn so với cấp THCS. Học sinh có quyền lựa chọn các môn học theo năng lực, sở thích nhưng trong số các môn bắt buộc ở bậc THPT có Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh là những môn các em đạt điểm số rất thấp trong kỳ thi vào lớp 10. Loại trừ những nguyên nhân không mong muốn như sức khỏe yếu, gặp sự cố trong những ngày thi nên kết quả thi chưa phản ánh hết năng lực của học sinh, còn lại những học sinh đạt mức điểm chỉ 1 điểm mỗi môn thường có nền tảng kiến thức yếu sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng, làm bài tập và tham gia các hoạt động học tập khác.

Phân luồng cần thực chất

Nghị định Quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục đang được Bộ GDĐT xây dựng có nội dung quy định từ năm 2025 sẽ không khống chế tỉ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập trên toàn quốc. Trước đó, Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ chuyển cấp từ THCS lên THPT và các trình độ khác đạt 95%. Đồng thời chiến lược nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo công bằng và bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

Nhiều phụ huynh bày tỏ vui mừng vì cuộc đua vào lớp 10 THPT công lập sắp tới sẽ giảm áp lực khi các địa phương có đủ trường lớp để học sinh có nguyện vọng đều được học bậc THPT, Nhà nước đảm bảo 100% chỗ học. Tuy nhiên, nếu rộng cửa vào THPT, phần lớn học sinh tốt nghiệp THCS đều học tiếp bậc THPT sẽ dẫn đến tình trạng nhiều trường có mặt bằng tuyển sinh thấp sẽ rất khó để dạy học đạt chuẩn chương trình 2018 do lỗ hổng về kiến thức nền tảng ở bậc THCS quá lớn, trừ khi có sự nỗ lực lớn từ phía người học, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhà trường, giáo viên và gia đình.

Băn khoăn về “bệnh thành tích” trong giáo dục, cụ thể là việc “ngồi nhầm lớp” khi học sinh không đủ năng lực theo học bậc THPT nhưng vẫn trúng tuyển, vẫn theo học 3 năm THPT và sau đó đỗ tốt nghiệp THPT, thậm chí xét tuyển vào đại học bằng học bạ. Yêu cầu về công tác phân luồng, hướng nghiệp ở bậc THCS đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, không chỉ đối với ngành giáo dục mà còn với toàn xã hội, nhằm mục tiêu giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp phù hợp, phát huy tối đa năng lực bản thân và đáp ứng nhu cầu nhân lực của đất nước.

Dẫu vậy, việc phân luồng không thể theo tỷ lệ quy định có sẵn một cách cứng nhắc mà phải xuất phát từ mong muốn, nhu cầu của học sinh và gia đình. Cần làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp để phụ huynh và học sinh thấy rõ quyền lợi của mình và tự nguyện lựa chọn. Các em cần được trải nghiệm các nguồn thông tin tin cậy, lồng ghép việc hướng nghiệp trong môn học, hoạt động trải nghiệm, dự án học tập… Và chính các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải thực sự đáng tin cậy, nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Khi đó học sinh, gia đình sẽ chủ động tìm đến và lựa chọn mà không phải băn khoăn với nỗi lo chỉ học sinh yếu kém, không đỗ trường THPT công lập mới đi học nghề.

Lâm An

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phan-luong-huong-nghiep-bac-thcs-nhin-tu-diem-thi-lop-10-10310184.html