Phân phối, bán lẻ xăng dầu lo bị chèn ép

Nhiều thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu lo ngại, những quy định tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu đang được xây dựng không tạo điều kiện cho cạnh tranh minh bạch, mà tạo 'đất' cho doanh nghiệp lớn thống lĩnh thị trường.

“Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang có vị thế không bình đẳng”

Kiến nghị xem xét việc xây dựng Nghị định về kinh doanh xăng dầu, thay thế các nghị định 83/2014/NĐ-CP, 95/2021/NĐ-CP và 80/2023/NĐ-CP vừa được tập thể thương nhân phân phối và bán lẻ trong lĩnh vực này gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ Tài chính, Tư pháp, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư.

Vẫn là những vấn đề không mới, tương tự các ý kiến đã được nêu tại một số hội thảo, các thương nhân tiếp tục bày tỏ lo ngại quy định tại dự thảo nghị định mới sẽ tạo “đất” cho doanh nghiệp lớn thống lĩnh thị trường, còn doanh nghiệp phân phối, bán lẻ sẽ không có lãi, thậm chí có nguy cơ phá sản.

Các thương nhân này cho rằng, Ban Soạn thảo Nghị định vẫn thể hiện tư duy cũ khi bám theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, nhưng thắt chặt hơn với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thiếu tư duy đột phá về xây dựng thể chế quản lý và mô hình vận hành mới phù hợp với điều kiện đã thay đổi của thị trường xăng dầu.

Đơn cử, Dự thảo Nghị định tiếp tục phân loại doanh nghiệp gồm thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, thương nhân bán lẻ…, đi kèm là địa vị pháp lý, quyền, nghĩa vụ, lợi ích và chế độ đối xử quản lý khác nhau, trong đó thương nhân đầu mối được hưởng nhiều đặc quyền so với doanh nghiệp còn lại. Nhiều thương nhân lo tình trạng độc quyền kinh doanh tiếp diễn, dẫn đến nguy cơ thao túng thị trường, hạn chế cạnh tranh.

Nhóm doanh nghiệp phân phối và bán lẻ xăng dầu đề xuất, Nhà nước chỉ điều tiết, can thiệp vào thị trường xăng dầu khi có biến động lớn liên quan đến anh ninh, chính trị, kinh tế. Khi can thiệp thì sử dụng nhiều công cụ điều tiết khác nhau (thuế, hỗ trợ lãi suất tín dụng, thay cho việc chỉ sử dụng Quỹ bình ổn giá), không can thiệp hành chính vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, ngoại trừ chức năng giám sát cạnh tranh.

Làm rõ thêm ý này, ông Văn Tấn Phụng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Nai cho hay: “Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang có vị thế không bình đẳng, có doanh nghiệp là thương nhân đầu mối chiếm tới 51% thị phần, cùng với 6/32 doanh nghiệp lớn khác chiếm tới 88% thị phần, ‘bao sân’ toàn bộ từ nhập khẩu đến phân phối, bán lẻ”.

Theo ông Phụng, hàng ngàn doanh nghiệp khác đang bị lệ thuộc vào các doanh nghiệp lớn có vị thế thống lĩnh này. Trong khi đó, Dự thảo lại quy định theo hướng tiếp tục tạo lợi thế cho doanh nghiệp lớn bằng các đặc quyền thương mại, triệt tiêu cạnh tranh công bằng, gây khó khăn cho chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nhỏ.

Có thể thấy rõ sự phân biệt này khi Dự thảo Nghị định bắt buộc các thương nhân phân phối phải có và/hoặc thuê một hệ thống phân phối nhất định do một thương nhân đầu mối hay thương nhân phân phối làm chủ; thương nhân phân phối “chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu”, không được mua từ các nhà cung cấp khác.

Ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty cổ phần Xăng dầu Sài Gòn đề nghị, quy định đưa vào Dự thảo phải mở rộng quyền kinh doanh cho các đối tượng doanh nghiệp. “Hai năm nay, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu như người nằm trên giường bệnh, cực kỳ khó khăn. Nghị định 83/2014/NĐ-CP trước đó đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, nếu kéo dài các điều kiện kinh doanh không theo hướng tạo động lực kinh doanh, doanh nghiệp bán lẻ sẽ mất hết sản nghiệp”, ông Hán nói.

Đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu TP.HCM, bà Trần Thị Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đoan Việt kiến nghị, cần quy định rõ trong văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn.

Cần tôn trọng quy luật cung cầu

Đề cập vấn đề xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: “Mục tiêu cao nhất sau sửa đổi phải theo hướng tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp, ‘nuôi dưỡng’ được doanh nghiệp. Trên hết, một nghị định tốt phải tạo được động lực cho tất cả các chủ thể”.

Theo các doanh nghiệp, nghị định mới về kinh doanh xăng dầu cần điều hành việc kinh doanh xăng dầu theo thị trường, tôn trọng quy luật cung cầu, không được can thiệp quá nhiều; phải tạo động lực cho người kinh doanh.

Tập thể thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu kiến nghị Nhà nước xây dựng mô hình và cơ chế quản lý, vận hành mới có tính cải cách đột phá đối với thị trường xăng dầu.

Việc xây dựng mô hình và cơ chế quản lý, vận hành mới với thị trường xăng dầu cần phải đạt 3 mục tiêu với doanh nghiệp là tự do hóa, không phân loại, phân biệt đối xử, tôn trọng quyền tự do kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp đề xuất bỏ sự phân cấp, phân loại thương nhân, để thương nhân có các quyền tự do, bình đẳng, tự chủ trong việc lựa chọn hình thức tổ chức, địa bàn, quy mô, đối tác kinh doanh và hình thức cung ứng dịch vụ trên cơ sở luật định.

“Đề nghị cho các doanh nghiệp phân phối được lấy hàng từ nhiều nguồn, đối với doanh nghiệp đang thống lĩnh thị trường, nên chia tách thành 2 đơn vị độc lập (nhập khẩu và phân phối, bán lẻ) để tránh thao túng, lũng đoạn”, các thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu kiến nghị.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/phan-phoi-ban-le-xang-dau-lo-bi-chen-ep-d217042.html