Phân quyền cho doanh nghiệp nhà nước ban hành chiến lược, kế hoạch kinh doanh hằng năm
Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện. Dự thảo đã phân quyền cho doanh nghiệp ban hành chiến lược kinh doanh và kế hoạch kinh doanh hằng năm. Qua đó, tạo sự chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng chậm trễ do chậm phê duyệt chiến lược và kế hoạch trong thời gian vừa qua.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Mãi phát biểu tại Phiên họp.
Khắc phục tình trạng chậm phê duyệt chiến lược, kế hoạch
Tại Phiên họp sáng 13/5 của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Mãi đã báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung quy định để quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp từ dưới 50% vốn điều lệ là “Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên”.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã chỉnh lý, hoàn thiện quy định về người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, bảo đảm bao quát cả việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp có từ 50% vốn nhà nước trở xuống theo nguyên tắc ở đâu có vốn của Nhà nước thì ở đó phải có quản lý của Nhà nước với biện pháp với mức độ phù hợp.
Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thể chế hóa chủ trương của Đảng và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, quy định phạm vi đầu tư vốn của Nhà nước vào doanh nghiệp là những lĩnh vực mà Nhà nước cần đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp và đầu tư bổ sung vốn nhà nước.
Các lĩnh vực gồm: doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động tại những địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế; doanh nghiệp thuộc lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế.
Cơ quan tiếp thu, giải trình cũng hoàn thiện quy định về chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp. Theo đó, Dự thảo Luật quy định, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định việc ban hành, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hằng năm, các nhiệm vụ, chỉ tiêu cơ bản được đại diện chủ sở hữu nhà nước giao.
Theo ông Phan Văn Mãi, quy định tại Dự thảo Luật đã phân quyền cho doanh nghiệp ban hành chiến lược kinh doanh và kế hoạch kinh doanh hằng năm. Qua đó, tạo sự chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng chậm trễ do chậm phê duyệt chiến lược và kế hoạch trong thời gian vừa qua.
Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chủ sở hữu
Liên quan đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, Ủy viên Thường vụ Quốc hội Phan Văn Mãi cho hay, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật không quy định hạn chế đầu tư và bổ sung quy định doanh nghiệp được quyền cho thuê, thuê mua, thế chấp, cầm cố tài sản của doanh nghiệp.
Để vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, vừa đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời xử lý các trường hợp cần bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp quan trọng, cần thiết và triển khai các dự án đầu tư quan trọng; giảm thủ tục hành chính khi tăng vốn hoặc đầu tư dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý quy định về phân phối lợi nhuận sau thuế. Theo đó, Dự thảo Luật quy định, lợi nhuận còn lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước, trừ trường hợp sử dụng để bổ sung vốn điều lệ, đầu tư dự án theo quy định của Chính phủ.
Để phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước, Dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với Thủ tướng Chính phủ và cơ quan đại diện chủ sở hữu. Đồng thời, quy định phạm vi, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quy định thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp...
Dự thảo đã lược bỏ quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ và cơ quan đại diện chủ sở hữu, đảm bảo phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu quản lý từng thời kỳ. Theo đó, những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định về đánh giá, xếp loại doanh nghiệp. Đánh giá doanh nghiệp dựa trên hiệu quả hoạt động tổng thể của doanh nghiệp, có tính đến thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ không vì mục tiêu lợi nhuận, việc thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới và tác động của yếu tố khách quan. Dự thảo Luật cũng quy định doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, đây là nội dung để đánh giá mức độ hoàn thành của doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao và trách nhiệm xã hội.