Phân quyền cho Thủ đô về tổ chức bộ máy, biên chế
Quá trình đô thị hóa nhanh khiến nhiều xã, phường, thị trấn tại thành phố Hà Nội gia tăng dân số, không chỉ gây sức ép lên cơ sở hạ tầng mà còn khiến bộ máy chính quyền cơ sở chịu áp lực, dẫn đến quá tải.
Là phường có số lượng dân cư lớn nhất thành phố, công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai phải kiêm nhiệm nhiều việc. Thời gian làm việc trung bình một ngày khoảng 10 tiếng. Trung bình một ngày, bộ phận “một cửa” tiếp nhận trên 100 lượt người dân. Công chức phường hôm nào về sớm cũng phải 6, đến 7h tối.
Nghị định số 33/2023 của Chính phủ quy định số lượng cán bộ, công chức đối với phường loại I là 23 người, loại II là 21 người, loại III là 19 người. Hiện tại, số lượng biên chế công chức làm việc bình quân tại các phường trên địa bàn thành phố là 15 người/phường.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất, về quy định tổng số biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, Hà Nội được giao tăng thêm tối đa 10% căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm do cơ quan có thẩm quyền quy định.
Phương án thứ hai, HĐND thành phố Hà Nội được quyết định biên chế công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền quy định, phù hợp với quy mô dân số, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng cân đối ngân sách của Hà Nội.
Với vị thế, vai trò của Thủ đô, cần thiết tăng thẩm quyền cho Hà Nội chủ động quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế và bảo đảm cơ sở pháp lý khi quy định này đang được triển khai tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/phan-quyen-cho-thu-do-ve-to-chuc-bo-may-bien-che-202324.htm