Phân quyền trong trường đại học: Ai cao hơn ai?

Từ khi có Luật Giáo dục Đại học 2012, đến nay, khi công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH 2018, Bộ GD&ĐT vẫn không đề cập vấn đề vốn gây tranh cãi trong thời gian qua: 'Ai là người đứng đầu trường ĐH'.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định không nên so sánh cao - thấp, vì không cùng hệ quy chiếu. Luật giáo dục Đại học (ĐH) 2018 quy định Hội đồng trường là cơ quan quyền lực, quyết định nhân sự Hiệu trưởng, nhưng quyền lực của Hội đồng trường là quyền lực của tập thể không phải quyền lực của cá nhân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy ở nhiều trường ĐH quyền của Hiệu trưởng cao hơn quyền Chủ tịch Hội đồng trường.

Hội đồng trường có vai trò quản trị trong trường ĐH. Ảnh: ĐHĐL (Ảnh mang tính minh họa)

Hội đồng trường có vai trò quản trị trong trường ĐH. Ảnh: ĐHĐL (Ảnh mang tính minh họa)

Ông Sơn cho hay thời gian qua, nhiều ý kiến đề nghị đưa vào Nghị định 99 khái niệm "người đứng đầu", qua đó làm rõ trong trường ĐH ai là người đứng đầu. Nhưng hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào của Việt Nam định nghĩa thế nào là người đứng đầu, nên dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 99 cũng không bổ sung khái niệm này.

Hơn nữa, ông Sơn cho rằng không thể chỉ ra rạch ròi ai là người đứng đầu một trường ĐH, trong khi quyền lực của trường ĐH được thiết kế theo cơ chế chia sẻ, Chủ tịch Hội đồng trường khác với Hiệu trưởng là người đứng đầu bộ máy điều hành quản lý của nhà trường.

Trước đây, Hiệu trưởng thường kiêm Bí thư Đảng ủy, vì thế là người có quyền lực. Hiện nay, quy định của Luật giáo dục ĐH đã chuyển giao quyền lực từ Hiệu trưởng sang tập thể Hội đồng trường.

Lấy ví dụ về vai trò của Hội đồng trường trong mỗi trường ĐH, TS Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT cho biết bản thân vừa dự một cuộc họp Hội đồng trường của một trường ĐH ở TPHCM. Phiên này Hội đồng trường có nhiệm vụ thông qua định hướng chiến lược của năm học 2023 – 2024 mà Hiệu trưởng đưa ra.

Kết quả, Hội đồng trường chỉ thông qua khoảng 60% nội dung mà Hiệu trưởng đề xuất. Từ thực tế này, TS Nguyễn Viết Lộc kết luận cơ chế chia sẻ quyền lực với Hội đồng trường rất hữu ích với Hiệu trưởng. Vì có những đề xuất từ dưới đưa lên Hiệu trưởng không dám quyết, nhưng nhờ phản biện của Hội đồng trường mà Hiệu trưởng củng cố căn cứ để trao đổi lại trong bộ máy.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin thêm trong Luật giáo dục ĐH 2018 ghi rất rõ, Hội đồng trường quyết định về phương hướng của nhà trường, ví dụ như phương hướng trong tuyển sinh, trong đào tạo. Căn cứ để Hội đồng trường đưa ra phương hướng không phải là các yếu tố có tính chuyên môn, mà là nhìn vào hiệu quả. Đơn vị hoạt động không hiệu quả, không phù hợp với chiến lược của nhà trường, Hội đồng trường có quyền bác bỏ.

Đồng thời, cơ chế chia sẻ quyền lực, chia sẻ trách nhiệm đã giúp Hiệu trưởng làm việc tốt hơn. Đặc biệt là khi Hiệu trưởng muốn đổi mới một vấn đề nào đó, nếu tự quyết sẽ dễ dẫn đến tình trạng độc đoán. Nhưng khi đưa ra Hội đồng trường, sẽ nhận được phản biện, có cơ hội trình bày thấu đáo, từ đó sẽ đạt được sự đồng thuận một cách thuyết phục.

Ông Sơn cho rằng cơ chế hội đồng còn rất tích cực ở chỗ, một cá nhân dù có giỏi đến mấy cũng không thể quyết định đúng đắn mọi việc, nên cần có ý kiến từ các thành viên trong Hội đồng. Vì vậy mới có quy định Hội đồng trường họp định kỳ 3 tháng/lần.

Theo ông Hoàng Minh Sơn từ khóa của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99 chính là "tháo gỡ", xuất phát từ những bất cập đã được phát hiện trong quá trình triển khai Nghị định này, trong đó tập trung chủ yếu vào vấn đề tổ chức bộ máy.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phan-quyen-trong-truong-dai-hoc-ai-cao-hon-ai-post1530592.tpo