Phần thiết yếu trong hệ thống quản trị quốc gia

Quốc hội Iran, còn được gọi là Hội đồng Tư vấn Hồi giáo hoặc Majlis, là một thể chế quan trọng trong nền chính trị Iran. Nắm quyền lực lập pháp trong tay, cơ quan này đóng vai trò không nhỏ trong việc định hình các luật và chính sách của nhà nước Hồi giáo, trở thành phần thiết yếu của hệ thống quản trị quốc gia.

Bối cảnh lịch sử

Nguồn gốc của Quốc hội Iran bắt nguồn từ đầu thế kỷ XX, khi cuộc cách mạng Hiến pháp dẫn đến việc thành lập chế độ quân chủ lập hiến năm 1906. Majlis đầu tiên được triệu tập vào năm 1906, đánh dấu sự khởi đầu của dân chủ đại nghị ở Iran. Tuy nhiên, bất ổn chính trị và áp lực bên ngoài đã khiến hoạt động của Quốc hội liên tục bị gián đoạn. Sau cuộc Cách mạng Hồi giao Iran năm 1979, thành lập Cộng hòa Hồi giáo, Quốc hội đã có hình thức mới, với quyền lực và thẩm quyền được xác định bởi các nguyên tắc Hồi giáo và hướng dẫn của Lãnh tụ tối cao. Cụ thể, sau Cách mạng Hồi giáo, Thượng viện Iran bị bãi bỏ và được thay thế bằng Hội đồng Tối cao (Guardian Council), cơ quan lập pháp Iran vẫn là lưỡng viện. Trong lần sửa đổi Hiến pháp năm 1989, Hội đồng Tư vấn quốc gia trở thành Hội đồng Tư vấn Hồi giáo, tạo nên Quốc hội đơn viện.

Lễ khai mạc Kỳ họp thứ XI của Quốc hội Iran. Nguồn: middle-east-online.com

Lễ khai mạc Kỳ họp thứ XI của Quốc hội Iran. Nguồn: middle-east-online.com

Quốc hội Iran đã có 6 Chủ tịch kể từ Cách mạng Hồi giáo. Ông Akbar Hashemi Rafsanjani là Chủ tịch đầu tiên, từ 1980 - 1989. Sau đó là Chủ tịch Mehdi Karroubi (1989 - 1992, 2000 - 2004), Chủ tịch Ali Akbar Nategh-Nouri (1992 - 2000), Chủ tịch Gholam-Ali Haddad-Adel (2004 - 2008), Chủ tịch Ali Larijani (2008 - 2020) và Chủ tịch Mohammad Bagher Ghalibaf kể từ năm 2020.

Cấu trúc và thành phần

Quốc hội Iran Khóa XI (khóa mới nhất) gồm 290 thành viên đại diện cho các khu vực bầu cử khác nhau trên cả nước, tăng so với con số 272 nghị sĩ từ cuộc bầu cử năm 2000. Cuộc bầu cử gần đây nhất diễn ra vào ngày 21.2.2020 và Quốc hội mới được triệu tập vào ngày 28.5.2020.

Các thành viên của Quốc hội được bầu với nhiệm kỳ 4 năm thông qua các cuộc tổng tuyển cử. Bầu cử cho mỗi nhiệm kỳ phải diễn ra trước khi kết thúc nhiệm kỳ trước để hoạt động của Quốc hội mang tính liên tục. Các cuộc bầu cử được Hội đồng Tối cao giám sát chặt chẽ. Cơ quan này bao gồm các luật gia và học giả Hồi giáo chịu trách nhiệm bảo đảm rằng, các ứng cử viên tuân thủ các nguyên tắc Hồi giáo và Hiến pháp. Các thành viên của Hội đồng Tối cao được bầu để phục vụ trong thời hạn 6 năm, nhưng sau 3 năm trong nhiệm kỳ đầu tiên, một nửa số thành viên sẽ được thay đổi bằng cách bốc thăm và các thành viên mới sẽ được bầu vào vị trí của họ.

Thành phần của Quốc hội phản ánh bối cảnh chính trị đa dạng của Iran, bao gồm các phe phái chính trị và hệ tư tưởng khác nhau. Có hai phe chính trị nổi bật từ lâu là phe bảo thủ và phe theo chủ nghĩa cải cách. Phe bảo thủ là những người theo chủ nghĩa chính thống hoặc theo chủ nghĩa cứng rắn, ủng hộ việc bảo tồn các nguyên tắc Hồi giáo và cơ sở giáo sĩ, đồng thời ủng hộ một Iran mạnh mẽ và độc lập trên trường quốc tế. Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa cải cách muốn thúc đẩy cải tổ xã hội trong khuôn khổ của Cộng hòa Hồi giáo. Họ ủng hộ các quyền tự do dân sự lớn hơn, cởi mở chính trị và chính sách đối ngoại gắn kết hơn với cộng đồng quốc tế.

Quốc hội Iran mang tính đại diện với các thành viên là phụ nữ và các dân tộc thiểu số. Quốc hội dành 5 ghế cho các nhóm thiểu số tôn giáo, trong đó có người Do Thái, Cơ đốc giáo và Hỏa giáo, tương ứng với dân số của họ. Mặc dù nó có vẻ giống như cấu trúc chính trị đối lập điển hình, nhưng hệ thống chính trị của Iran thực tế hoạt động theo khái niệm và nguyên tắc chỉ đạo Velayat-e Faqih (Quyền lực của lãnh tụ tôn giáo). Theo khái niệm này, Lãnh tụ tối cao, là một giáo sĩ Hồi giáo cấp cao, nắm giữ quyền lực quan trọng đối với việc điều hành đất nước, bao gồm cả Quốc hội. Hệ thống này bảo đảm duy trì các giá trị Hồi giáo và định hướng chung cho các chính sách của đất nước.

Vai trò và quyền hạn

Quốc hội Iran được trao một số vai trò, quyền hạn quan trọng, bao gồm quyền thông qua luật, phê duyệt ngân sách quốc gia và phê chuẩn các thỏa thuận quốc tế… Các nghị sĩ tranh luận, đề xuất các dự luật có thể giải quyết nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, chính sách đối ngoại và các vấn đề pháp lý.

Quốc hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các hoạt động và chính sách của Chính phủ. Việc nhận và phát hành các khoản vay hoặc trợ cấp quốc gia hoặc quốc tế của Chính phủ phải được Quốc hội phê chuẩn. Tổng thống sau khi được bầu cũng cần nhận được lá phiếu tín nhiệm của Quốc hội.

Ngoài ra, Quốc hội có thể buộc các bộ trưởng và tổng thống phải chịu trách nhiệm thông qua các cuộc chất vấn và điều tra. Bất cứ khi nào có ít nhất 1/4 tổng số thành viên của Quốc hội đặt câu hỏi cho Tổng thống, hoặc bất kỳ thành viên nào của Quốc hội đặt câu hỏi cho một bộ trưởng về chủ đề liên quan đến nhiệm vụ của họ, thì Tổng thống hoặc bộ trưởng có nghĩa vụ đến dự phiên họp của Quốc hội để trả lời chất vấn. Câu trả lời này không được trì hoãn quá một tháng đối với Tổng thống và 10 ngày đối với bộ trưởng, trừ khi có lý do được Quốc hội cho là hợp lý.

Sau khi tổ chức bầu cử, các phiên họp của Quốc hội được coi là có giá trị pháp lý khi có mặt 2/3 tổng số thành viên. Các dự thảo luật sẽ được thông qua theo bộ quy tắc thủ tục mà Quốc hội nhất trí, trừ trường hợp Hiến pháp đã quy định số đại biểu nhất định. Sự đồng ý của 2/3 tổng số thành viên có mặt là cần thiết để thông qua quy tắc thủ tục của Quốc hội. Các nghị sĩ hoàn toàn tự do phát biểu quan điểm và bỏ phiếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đại diện của mình. Họ cũng không bị truy tố, bắt giữ đối với các ý kiến phát biểu trước Quốc hội, hoặc phiếu biểu quyết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của nghị sĩ.

Quốc hội Iran có quyền lực đáng kể, nhưng quyền ra quyết định cuối cùng lại thuộc về Lãnh tụ tối cao và các cơ quan khác như Hội đồng Tối cao. Hội đồng Tối cao, gồm 12 thành viên, có quyền phủ quyết các dự luật của Quốc hội và lựa chọn ứng cử viên cho các vị trí bầu cử. Tất cả các luật được Quốc hội thông qua phải được gửi đến Hội đồng Tối cao. Cơ quan này phải xem xét nó trong vòng tối đa 10 ngày kể từ khi nhận được nhằm bảo đảm tính tương thích của luật với các tiêu chí của Hồi giáo và Hiến pháp. Nếu thấy luật không tương thích, Hội đồng Tối cao sẽ gửi lại Quốc hội để xem xét. Ngược lại, luật sẽ được coi là có hiệu lực thi hành.

Hội đồng Khẩn cấp nhà nước cũng có quyền lực lập pháp. Cơ quan này được thành lập vào năm 1988 theo sắc lệnh của Ayatollah Khomeini, Lãnh tụ tối cao vào thời điểm đó. Khi Hiến pháp được thay đổi vào năm 1989, Hội đồng đã được tích hợp vào văn bản luật cơ bản này. Hội đồng Khẩn cấp quốc gia có hai chức năng: Thứ nhất, hoạt động như một hội đồng chuyên gia cố vấn cho Lãnh tụ tối cao trong mọi lĩnh vực chính sách. Thứ hai, có thể hoạt động như một cơ quan lập pháp theo cách sau: sau khi Hội đồng Tối cao phủ quyết một đạo luật, Quốc hội có thể quyết định với đa số 2/3 để gửi luật đó tới Hội đồng Khẩn cấp. Sau đó, Hội đồng Khẩn cấp có thể quyết định thông qua luật theo dự thảo luật do Quốc hội đề xuất, hoặc dự thảo luật với những thay đổi do Hội đồng Tối cao yêu cầu.

Thái Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/phan-thiet-yeu-trong-he-thong-quan-tri-quoc-gia-i338818/