Phản ứng của giới tinh hoa toàn cầu với chính phủ mới của Mỹ

Nhiều tập đoàn lớn nhiệt liệt chào đón nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump tại Nhà Trắng. Các đồng minh của Tổng thống đã chi những khoản tiền khổng lồ quyên góp cho ông Trump trong kỳ tranh cử vừa qua.

Ông Donald Trump (trái) và Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk tại buổi mít tinh ở Washington, DC, ngày 19/1/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Ông Donald Trump (trái) và Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk tại buổi mít tinh ở Washington, DC, ngày 19/1/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo bài phân tích trên tờ Wall Street Journal, giới tinh hoa toàn cầu, hơn ai hết, là những người hiểu Tổng thống Donald Trump rõ nhất, sau khi chứng kiến nhiệm kỳ đầu của ông với một loạt cú sốc gây ra với nhiều nền kinh tế khác nhau.

Tụ họp tại Davos, Thụy Sỹ trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2025, giới tinh hoa toàn cầu hiện đang có chung nhận định rằng mọi người đã lên tinh thần sẵn sàng đối mặt với nhiệm kỳ hai của tân Tổng thống Mỹ Trump. Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide nêu quan điểm trong bài trả lời phỏng vấn bên lề WEF 2025: “Chúng tôi hiểu rằng ông ấy sẽ đẩy sức ép tối đa, rồi sau đó bắt đầu đàm phán. Lần trước, chúng tôi còn chưa rõ điều này. Còn giờ đây, cách tiếp cận đó đã được định dạng”.

Ông Eide cũng cho biết đã học được cách tiếp cận nghiêm túc đối với ông Trump, nhưng không phải là qua lời nói. “Nếu chúng ta cứ chạy theo bình luận về mọi dòng tin được đăng trên mạng xã hội Truth Social, chúng ta sẽ chẳng có gì để làm”, Ngoại trưởng Eide chia sẻ. Theo ông, vẫn còn nhiều thắc mắc chưa được sáng tỏ, như cách thức ông Trump xử lý vấn đề Ukraine, sự ủng hộ của Mỹ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay việc Mỹ sẽ hợp tác với thế giới ra sao nếu nổ ra một đại dịch toàn cầu khác. “Chúng tôi sẽ bám sát và thảo luận điều này với chính quyền mới của Mỹ và chờ xem”, ông Eide nói.

Tâm trạng giống như của Ngoại trưởng Na Uy rất phổ biến ở Davos, đối lập hoàn toàn với năm 2017 - năm bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần thứ nhất của ông Trump, khi ông liên tục tạo ra những đợt sóng gây sốc, làm bối rối giới lãnh đạo điều hành doanh nghiệp cũng như lãnh đạo nhiều quốc gia. Tám năm sau, nhiều quan chức ngoại giao và những nhân vật tên tuổi trong giới điều hành doanh nghiệp đã tham gia lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump, chúc mừng thành công của ông với sự lạc quan thận trọng. Nhiều người trong số này tin rằng tân Tổng thống Mỹ có thể thúc đẩy lợi ích của họ. Một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp mô tả mong ước của Tổng thống Mỹ thứ 45 và thứ 47 về chính sách thương mại và nhập cư mang đậm chủ nghĩa dân tộc không phải là điều quá ngạc nhiên, nó là một phần trong việc "mặc cả" làm ăn kinh doanh với Mỹ.

Ông Antonio Neri, Giám đốc điều hành hãng công nghệ thông tin Hewlett Packard (HP) cho biết, cá nhân ông lạc quan về chính quyền của Tổng thống Trump, nhưng quan ngại rằng đây mới chỉ là những ngày đầu. Ông Neri vẫn đang chờ xem kết cục cuối cùng về công bố chính sách và thực thi chính sách. Theo ông, Mỹ vẫn là nước ở vị trí thuận lợi để tận dụng một loạt những xu thế mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo.

HP có quan hệ cộng tác với Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng, cung cấp năng lực siêu máy tính được thiết kế tại Mỹ. Liên quan đến vấn đề nhập cư, như quyền tiếp cận visa H-1B để tuyển dụng tài năng công nghệ, ông Neri cho biết ông kỳ vọng chính quyền Tổng thống Trump 2.0 sẽ lắng nghe và can dự, đồng thời cho rằng khu vực tư nhân cần “tham gia vào tiến trình, cung cấp thông tin về cái mà doanh nghiệp cần và mong muốn, để rồi trở thành một phần trong giải pháp”.

Ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức (20/1) cũng là ngày khai mạc WEF 2025. Cách xa Davos hàng nghìn km, ngồi phía sau ông Trump tại phòng họp Rotunda trong Điện Capitol là một hàng dài giới lãnh đạo điều hành các tập đoàn, những người đến tham dự và chứng kiến trực tiếp lễ nhậm chức. Nổi bật trong số đó là Giám đốc điều hành (CEO) Google, Sundar Pichai, và nhà sáng lập của Meta, tỉ phú Mark Zuckerberg, và ông chủ của hãng Tesla và là đồng minh thân cận của ông Trump, tỉ phú Elons Musk. Tỉ phú Musk đã được ông Trump tiến cử là người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ mới.

Một vài giám đốc điều hành cho biết họ rất ít khi hoặc không có cơ hội tiếp cận với cựu Tổng thống Joe Biden. Nhiều lãnh đạo tập đoàn có mặt tại Davos tiết lộ họ trao đổi với ông Trump ngay từ kỳ bầu cử, trong khi dưới thời của ông Biden, tương tác giữa những nhà lãnh đạo này với chính quyền liên bang Mỹ chủ yếu là qua thuộc cấp của ông Biden.

Nhiều tập đoàn lớn nhiệt liệt chào đón nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump tại Nhà Trắng. Các đồng minh của Tổng thống đã “bung” những khoản tiền trị giá từ 10-15 triệu USD quyên góp thông qua nhiều nhóm hoạt động của ông Trump trong kỳ tranh cử vừa qua. Lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ cũng nhận được số tiền quyên góp hơn 200 triệu USD, nhiều gấp đôi so với lễ nhậm chức ở nhiệm kỳ đầu năm 2017.

Hãng Ericsson của Thụy Điển quyên góp 500.000 USD cho Ủy ban nhậm chức của ông Trump, lần đầu tiên tập đoàn này tài trợ theo hình thức như vậy. “Chúng tôi là một nhà cung cấp thiết yếu hạ tầng ở Mỹ. Vì thế việc duy trì quan hệ tự nhiên với bất kỳ chính quyền nào là điều rất cần thiết”, Giám đốc điều hành Ericsson, ông Borje Ekholm, chia sẻ.

Theo ông Ekholm, còn quá sớm để nói về tác động của ông Trump đến môi trường kinh doanh. Nhưng tư duy về đơn giản hóa quy trình, giảm gánh nặng thủ tục sẽ tốt cho nền kinh tế. Đó chính là quan điểm khác biệt so với châu Âu – nơi mà thủ tục vẫn còn chưa thông thoáng.

Trong ngày đầu tiên nắm quyền, ông Trump đã ký hàng loạt sắc lệnh, bản ghi nhớ về cắt giảm quy định liên quan đến khai thác năng lượng, giảm lạm phát. Trong số này có sắc lệnh loại bỏ những quy định môi trường trước đó của cựu Tổng thống Biden gắn với sản xuất xe điện.

Giảm thủ tục hành chính là trụ cột trong chiến dịch của ông Trump. “Liên quan đến kinh tế, chúng tôi cho rằng trong ngắn hạn càng ít thủ tục càng tốt”, ông Nicolai Tangen, Giám đốc điều hành Quỹ quản lý đầu tư Norges Bank, - đơn vị đang điều hành quỹ phúc lợi quốc gia Na Uy trị giá 1.800 tỷ USD, chia sẻ. Ông Tangen cho rằng chính sách của ông Trump sẽ làm tăng lạm phát và cá nhân ông thất vọng với quyết định của tân Tổng thống Mỹ trong các vấn đề biến đổi khí hậu và xã hội vốn vẫn là nền tảng của Diễn đàn Davos.

Hoài Thanh (P/v TTXVN tại Washington)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phan-ung-cua-gioi-tinh-hoa-toan-cau-voi-chinh-phu-moi-cua-my/361098.html