Pháo chiến Kim Môn: Mỹ và Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao, đấu pháo chấm dứt (kỳ cuối)
Sau khi kéo dài dai dẳng suốt 21 năm, gây thiệt hại lớn về người và của cho cả hai bên, Pháo chiến Kim Môn đã kết thúc khi Mỹ và Trung Quốc lập quan hệ ngoại giao, mở ra thời kỳ hòa dịu trong quan hệ hai bên bờ Eo biển...
Cuộc xung đột hạ nhiệt
Ngày 5/10/1958. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Bành Đức Hoài tuyên bố: “Xuất phát từ lập trường nhân đạo, quân đội Trung Quốc ngừng việc pháo kích Kim Môn 7 ngày để quân dân Kim Môn được nhận tiếp tế”. Ngày 6/10, Bành Đức Hoài lại ra “Thư gửi đồng bào Đài Loan”. Từ đó, cuộc pháo chiến phong tỏa Kim Môn của Trung Quốc bước sang giai đoạn mới: “bắn – dừng”, “nửa bắn nửa ngưng”, “lấy ngoại giao và chính trị làm chính, thủ đoạn quân sự là phụ”.
Đến ngày 13/10, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lại ra lệnh tiếp tục ngừng pháo kích Kim Môn 2 tuần nữa, mệnh lệnh được đăng tải trên Nhân dân Nhật báo, trong đó nêu lý do “ngừng bắn để quan sát động thái của địch, để quân dân Kim Môn được tiếp tế đầy đủ lương thực và trang bị quân sự, giúp họ cố thủ. “Binh bất yếm trá”, nhưng đây không phải chúng ta lừa dối mà là đại nghĩa dân tộc, phân biệt rạch ròi Mỹ và người Trung Quốc..”. Tuy nhiên, chiều 20/10, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố lệnh ngừng bắn vô hiệu vì tàu chiến Mỹ tham gia hộ tống tàu vận tải Đài Loan tiếp tế cho Kim Môn và ngay sau đó (16h chiều) khôi phục việc pháo kích, bắn 11.500 quả đạn, đến tối thì chấm dứt. Phía Quốc Dân Đảng cũng tập trung hỏa lực 7 tiểu đoàn pháo binh bắn trả từ 17 giờ chiều.
Lính Đài Loan ở Kim Môn bị thương được vận chuyển về Đài Bắc bằng máy bay (Ảnh: Tư liệu).
Ngày 21/10, Ngoại trưởng Mỹ Dulles bay đến Đài Bắc gặp Tưởng Giới Thạch bàn cách chấm dứt xung đột. Dulles nhắc nhở Tưởng Giới Thạch tình thế lúc đó rất dễ dẫn đến chiến tranh thế giới, bày tỏ muốn sử dụng vũ khí hạt nhân để phá vỡ việc Đại Lục pháo kích phong tỏa Kim Môn; nếu Liên Xô can dự chiến cục, Đài Loan cũng bị tấn công hạt nhân. Lúc đầu Tưởng Giới Thạch tỏ ý sẽ xem xét việc sử dụng vũ khí hạt nhân; nhưng sau khi biết Mỹ sẽ sử dụng loại bom ném xuống Hiroshima thì ông lại bày tỏ không muốn gây nên Chiến tranh thế giới thứ 3 hoặc lôi cuốn quân đội Mỹ vào cuộc xung đột quy mô lớn do việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Dulles nêu những khó khăn, hạn chế của Mỹ về chính trị trong việc chi viện Kim Môn, rồi đưa ra với Tưởng một số điều kiện, ngầm tỏ ý muốn Đài Loan chấp nhận phương án “Hai nước Trung Quốc”.
Ngày 23/10, sau khi Dulles về nước đã công bố “Thông cáo chung Trung (Đài Loan) – Mỹ”, trong đó nêu rõ Kim Môn, Mã Tổ có liên quan mật thiết đối với phòng thủ Đài Loan, Bành Hồ. Mỹ đồng ý bố trí tên lửa hành trình Matador để bảo vệ Đài Loan. Tưởng Giới Thạch cũng đáp ứng từ bỏ vũ lực, chuyển thành “dùng chủ nghĩa Tam Dân quang phục Đại Lục”.
Tưởng Giới Thạch (người mặc áo xanh) tới Kim Môn (Ảnh: Tư liệu).
Sau ngày 25/10, Trung Quốc ngừng pháo kích quy mô lớn nhưng pháo hai bên vẫn lẻ tẻ nã đạn sang nhau. Ngày hôm đó, Bành Đức Hoài tuyên bố “Ngày chẵn không bắn, ngày lẻ cũng có thể không bắn”; sau đó lại tuyên bố “chỉ bắn ngày lẻ, ngày chẵn không bắn”, từ đó tiếng pháo im dần.
Từ ngày 8/1 đến 14/1/1959 suốt một tuần im tiếng pháo. Ngày 15/1 pháo Trung Quốc đột nhiên lại bắn vung vãi. Sau đó cứ vào ngày lẻ thì hai bên nã pháo sang nhau hoặc bắn đạn truyền đơn, nhưng pháo kích quy mô lớn thì không xảy ra nữa.
Sang năm 1960, Trung Quốc mở hai đợt pháo kích quy mô nhỏ vào các ngày 17/6 và 19/6; sau đó tiếp tục bắn lẻ tẻ theo quy luật “ngày lẻ bắn, ngày chẵn ngừng”…cứ thế cho đến tận khi Trung Quốc và Mỹ công bố Thông cáo về thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 16/12/1978.
Ngày 1/1/1979, cùng ngày với việc Trung Quốc và Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Từ Hướng Tiền ra “Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc về việc ngừng pháo kích các đảo Đại Kim Môn...”, trong đó viết: “Để thuận tiện cho việc quân dân Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn, Mã Tổ qua lại Đại Lục thăm thân gặp bạn, tham quan du lịch và các hoạt động thông thương, sản xuất ở Eo biển Đài Loan; tôi đã ra lệnh cho bộ đội ở tiền phương Phúc Kiến từ hôm nay chấm dứt việc pháo kích các đảo Đại Kim Môn, Tiểu Kim Môn, Đại Đảm, Nhị Đảm…”.
Nhà dân ở Kim Môn hư hại vì trúng đạn pháo (Ảnh: Life).
Đến lúc này, cuộc “Pháo chiến Kim Môn” kéo dài dai dẳng suốt 21 năm mới chính thức chấm dứt.
Ngoài việc “pháo chiến”, trong thời gian này, giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan còn diễn ra các trận không chiến và hải chiến trên trời, dưới biển.
Về không chiến, theo ghi chép của phía Trung Quốc, họ đã sử dụng không quân chủ yếu là chiến đấu cơ MiG-17 bắn rơi 18 chiếc, bị thương 19 máy bay Đài Loan; đánh chìm 7 tàu, làm hỏng 17 tàu, phá hủy 14 xe lội nước, thu được 1 xe; phá hủy 327 công sự, trận địa, 9 xe hơi, 7 đài VTĐ và trạm radar, hơn 30 khẩu pháo; giết và làm bị thương hơn ngàn người, bắt 3 phi công Đài Loan. Phía Trung Quốc thừa nhận có 11 máy bay bị hạ và bị thương, chìm 3 tàu phóng lôi, bị thương 1 chiếc; bị phá hủy 32 khẩu pháo, 8 xe hơi, thương vong hơn 460 lính cùng 218 dân binh và thường dân.
Theo phía Đài Loan ghi chép, họ đã huy động 9.094 lượt chiếc máy bay F-86, F-84 và P-51 làm các nhiệm vụ khác nhau. Không quân Đài Loan đã đụng độ và giao chiến 12 lần với máy bay Đại Lục, bắn rơi 32 chiếc MiG-17, bắn bị thương 13 chiếc khác.
Về hải chiến: theo ghi chép của phía Đại Lục: Hải quân Trung Quốc đã đánh chìm 7 tàu, bị thương 17 tàu địch và bị đối phương đánh chìm 3 tàu phóng ngư lôi, bị thương 1. Theo phía Đài Loan thì họ đánh chìm hơn 20 tàu phóng lôi đối phương, làm hỏng 4 chiếc; Đài Loan bị chìm 2 tàu đổ bộ (Đài Sinh, Mỹ Lạc), trọng thương 1 tàu đổ bộ tăng và 1 tàu tuần tra (Trung Hải và Đà Giang).
Dàn loa tâm lý chiến công suất lớn ở Kim Môn được sử dụng để phát sang các đảo của Hạ Môn (Ảnh: Tư liệu).
Thiệt hại nặng nề đối với cả hai bên
Theo tư liệu của phía Trung Quốc đại lục: họ đã sử dụng 32 tiểu đoàn pháo binh và 6 đại đội pháo bờ biển gồm 439 khẩu các loại, bắn tổng cộng 470 ngàn quả đạn. Bắn rơi 18 làm bị thương 19 máy bay, bắt 3 phi công Đài Loan; đánh chìm 7, bị thương 17 tàu địch, phá hủy 14 xe bọc thép lội nước; phá hủy 7 đài radar và VTĐ, hơn 30 khẩu pháo, tiêu diệt được 439 lính Đài, làm bị thương 1.870 người. Về thiệt hại, phía Trung Quốc nói họ thương vong 460 lính, 218 dân thường, bị phá hủy 32 khẩu pháo, 8 xe ô tô, chìm 3 tàu, bị thương 1 tàu, 11 máy bay bị bắn rơi và hư hỏng…
Phía Đài Loan nói họ đã sử dụng hơn 128 ngàn quả đạn pháo phá hủy 221 khẩu pháo các loại, 17 kho đạn và kho xăng dầu, 98 xe các loại, 4 trại lính của Trung Quốc đại lục, trong khi họ chỉ mất 14 khẩu pháo, 1 kho xăng và đạn, 2 cầu cảng, chìm 2 tàu đổ bộ, 2 tàu bị thương, 3 phi công bị bắt. Đài Loan nói tỷ lệ thiệt hại của họ qua 18 trận hải chiến với Trung Quốc là 2/108; tỷ lệ thiệt hại về không quân là 2/32. Về người chết nhiều nhất là lính thông tin, ít nhất là lính pháo binh.
Lựu pháo xe kéo 203mm của phía Đài Loan được sử dụng trong cuộc pháo chiến (Ảnh:Tư liệu).
Về ảnh hưởng quốc tế
Giáo sư chính trị Allen Suess Whiting ở Đại học Arizona (Mỹ) cho rằng, trước khi hành động pháo kích Kim Môn, Trung Quốc không trao đổi bàn bạc với Liên Xô nên đã gây rối loạn kế hoạch ngoại giao của Liên Xô, khiến nhà lãnh đạo Khruschev tức giận, gây nên căng thẳng trong quan hệ Xô – Trung; đây là nguyên nhân quan trọng khiến Liên Xô hủy bỏ việc viện trợ hạt nhân cho Trung Quốc sau đó.
Một ảnh hưởng khác của “Pháo chiến Kim Môn” là khiến chiến lược chính trị của Tây Đức thay đổi. Willy Brant, thủ lĩnh Đảng Xã hội Dân chủ Đức và Thị trưởng Berlin khi đó – người sau này là Thủ tướng Tây Đức – đặc biệt quan tâm đến sự kiện “Pháo chiến Kim Môn”. Ông cho rằng, nếu Mỹ án binh bất động để Trung Quốc Đại Lục chiếm Kim Môn thì Tây Đức cũng không thể giữ được Tây Berlin. Kết hợp với sự kiện xây dựng Bức tường Berlin năm 1961, “Pháo chiến Kim Môn” là sự kiện quan trọng khiến Willy Brant nhìn nhận lại mức độ tin cậy của phương Tây và bắt đầu thực thi chính sách “thân phương Đông”, hàn gắn quan hệ với Liên Xô và khối Đông Âu.
Ngày 16/12/1978, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình ký Thông cáo chung về lập quan hệ ngoại giao - Pháo chiến chấm dứt hoàn toàn (Ảnh: Getty).
Giải mật tài liệu
Vào ngày 13/5/2008, Hans Kristensen căn cứ các văn kiện của Mỹ được giải mật cho biết: sau khi trận Pháo chiến Kim Môn bắt đầu, Tư lệnh Không quân Mỹ báo cáo Tổng thống D. Eisenhower, nếu tổng thống cho phép sử dụng bom hạt nhân, cuộc tấn công của PLA vào các đảo xa Đài Loan (như Kim Môn) sẽ ngay lập tức bị chặn lại bằng đòn tấn công hạt nhân. Tại căn cứ không quân trên đảo Ryukyu Mỹ đang lưu trữ hai loại vũ khí hạt nhân MK-6 và MK-39. Ngoài ra, nếu một cuộc không kích hạt nhân vào PLA không thể ngay lập tức chế áp được họ, 4 chiếc máy bay ném bom B-47 ở căn cứ Không quân Anderson của quân đội Mỹ trên đảo Guam sẵn sàng cất cánh ném bom các sân bay của Trung Quốc đại lục vào bất cứ lúc nào sau trung tuần tháng 8/1958.
Vỏ đạn được thu gom lại để rèn dao (Ảnh: Toutiao).
Đặc sản dao thép Kim Môn
Từ năm 1958 đến 1979, Quân đội Trung Quốc trong 20 năm trên thực tế đã bắn sang Kim Môn hàng triệu quả đạn. Đạn nổ được sử dụng trong giai đoạn đầu của cuộc pháo chiến, đạn pháo không nổ mang truyền đơn được sử dụng trong giai đoạn sau. Hai loại đạn thép này là vật liệu chính để rèn dao nhà bếp. Một vỏ đầu đạn có thể tạo ra 40 đến 60 con dao làm bếp, vì vậy cho đến nay những chiếc vỏ đạn này vẫn chưa được sử dụng hết.
Sau cuộc pháo chiến, ông Ngô Quân Nãi, chủ sở hữu của nhãn hiệu dao thép Kim Hợp Lợi, đã thu gom toàn bộ vỏ đạn trên đảo Kim Môn và sử dụng chúng để rèn dao. Do chất lượng thép tuyệt vời của đầu đạn, dao nhà bếp được tạo ra cũng đặc biệt sắc bén và bền. Độ cứng của thép khiến lưỡi dao không bị biến dạng ngay cả khi cắt các vật cứng, khiến dao bếp Kim Môn rất nổi tiếng ở Đài Loan. Để ngăn chặn hàng giả, sản phẩm dao thép vỏ đạn đã được bảo hộ thương hiệu.
Dao thép Kim Môn là một sản phẩm được cả người Đài Loan lẫn du khách Đại Lục ưa chuộng (Ảnh: ima).
Hiện tại, các hãng sản xuất dao thép nổi tiếng sản xuất dao nhà bếp từ vỏ đạn ở Kim Môn là "Dao thép Kim Hợp Lợi" và "Dao thép Kim Vĩnh Lợi".
Vì có giá trị kỷ niệm lịch sử nên những chiếc dao thép vỏ đạn này đã trở thành một món quà lưu niệm rất được ưa thích của khách du lịch quốc tế, nhất là du khách người Trung Quốc đại lục. .