Pháp cấm các chuyến bay nội địa ngắn nhằm thúc đẩy giao thông xanh, giảm phát thải CO2

Pháp được bật đèn xanh để cấm các chuyến bay nội địa chặng ngắn. Ủy ban châu Âu đã phê duyệt động thái này, cho phép bãi bỏ những chuyến bay giữa các thành phố nếu kết nối bằng hành trình tàu hỏa dưới 2,5 giờ.

 Pháp sẽ hạn chế máy bay tư nhân. Ảnh Euronews. Green

Pháp sẽ hạn chế máy bay tư nhân. Ảnh Euronews. Green

Quyết định của Ủy ban Châu Âu được công bố ngày 2/12. Những thay đổi này là một phần của Luật Khí hậu năm 2021 của Pháp. Đồng thời chính phủ Pháp cũng đang hạn chế việc sử dụng máy bay phản lực tư nhân cho những hành trình ngắn nhằm giúp giao thông trở nên xanh hơn và công bằng hơn cho người dân.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Clément Beaune cho biết, quốc gia này không còn có thể chịu đựng được giới siêu giàu sử dụng máy bay riêng trong khi người dân đang cắt giảm chi tiêu để đối phó với khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu.

Pháp bật đèn xanh bãi bỏ các chuyến bay nội địa

Pháp đã chính thức được phép tạm dừng các chuyến bay nội địa gây hại cho môi trường. Ban đầu, lệnh cấm sẽ chỉ ảnh hưởng đến các tuyến giữa Paris Orly và Nantes, Lyon và Bordeaux. Các chuyến bay nối chuyến cũng sẽ phải tuân theo các quy định mới này.

Khi các biện pháp được công bố lần đầu tiên, Liên minh các Sân bay Pháp (UAF) cũng như chi nhánh Châu Âu của Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI Châu Âu) quyết liệt phản đối.

Sự phản đối này đã thúc đẩy một cuộc điều tra chuyên sâu của Ủy ban Châu Âu về việc liệu kế hoạch có thể được tiến hành hay không và có phù hợp hay không. Một bài báo về Quy định Dịch vụ Hàng không Châu Âu quy định rằng một quốc gia thành viên có thể, "khi có các vấn đề nghiêm trọng về môi trường […] hạn chế hoặc từ chối thực hiện các quyền lưu thông, đặc biệt là khi những phương thức vận tải khác cung cấp dịch vụ thỏa đáng". Đây là lần đầu tiên điều khoản này được một quốc gia thành viên EU viện dẫn, được Ủy ban Châu Âu phê duyệt vào ngày 2/12

Lệnh cấm các chuyến bay ngắn sẽ có hiệu lực trong 3 năm, sau đó lệnh cấm này phải được Ủy ban đánh giá lại.

“Đây là một bước tiến quan trọng trong chính sách giảm phát thải khí nhà kính,” bộ trưởng giao thông Pháp Clément Beaune cho biết trong một thông cáo báo chí. “Tôi tự hào rằng Pháp là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này,” ông nói thêm.

Sarah Fayolle, giám đốc chiến dịch vận tải Greenpeace France, trong cuộc phỏng vấn với Euronews cho rằng có cả “khía cạnh tiêu cực và tích cực” đối với quyết định của Ủy ban châu Âu vì chỉ có 3 tuyến đường bị ảnh hưởng. Bà nói: “Quyết định này đang đi đúng hướng, nhưng biện pháp ban đầu là một biện pháp (không quá) tham vọng. Chúng ta phải tiến xa hơn nữa”.

Khi nào lệnh cấm bay của Pháp có hiệu lực?

Mặc dù luật đã có hiệu lực vào năm 2021, nhưng sẽ mất một thời gian để lệnh cấm có hiệu lực. Ông Beaune giải thích, các biện pháp cần phải được đệ trình để tham vấn cộng đồng và được Hội đồng Nhà nước xem xét phê duyệt. Nhưng điều này sẽ được thực hiện "càng nhanh càng tốt."

Pháp sẽ cấm hoàn toàn máy bay phản lực tư nhân?

Bộ trưởng giao thông vận tải Clément Beaune cho biết, Pháp không còn có thể dung thứ cho những người sử dụng máy bay riêng đi lại thoải mái. Michel Spangler/AP

Bộ trưởng giao thông vận tải Clément Beaune cho biết, Pháp không còn có thể dung thứ cho những người sử dụng máy bay riêng đi lại thoải mái. Michel Spangler/AP

Máy bay phản lực tư nhân gần đây đã trở thành một loại phương tiện giao thông gây phẫn nộ, khi việc khai thác không gian thành phố của những người nổi tiếng và tỷ phú được đưa ra ánh sáng. Theo dữ liệu theo dõi chuyến bay, một chiếc máy bay phản lực của Steven Spielberg đốt nhiên liệu trị giá khoảng 117.000 euro trong hai tháng kể từ tháng 6.

Báo cáo từ Giao thông và Môi trường (T&E), liên đoàn châu Âu về vận tải sạch, cho thấy máy bay phản lực tư nhân gây ô nhiễm gấp 14 lần so với những chuyến bay thương mại trên mỗi dặm hành khách và hơn 50 lần so với tàu hỏa. Nhưng bất chấp những lời kêu gọi khẩn cấp từ các nhà vận động của chiến dịch Vận tải Xanh, Pháp khó có thể áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với máy bay phản lực.

Phát ngôn viên chính phủ ông Olivier Véran ngày 3/11 tái khẳng định rằng "rõ ràng không phải là vấn đề cấm các máy bay tư nhân", do vai trò quan trọng của nhóm máy bay này trong nền kinh tế. Nhưng “người Pháp không cần phải cảm thấy chỉ có một cộng đồng luôn luôn được yêu cầu nỗ lực”.

“Chúng ta có thể hiểu rằng, một người Pháp, cẩn thận trong cuộc sống hàng ngày sẽ bị sốc trước việc một số đồng bào của anh có thể đi máy bay riêng để thực hiện những pha nhảy của bọ chét”, ông nói với thính giả đài France Inter sáng ngày 3/11.

Thuế nặng và các hạn chế là những biện pháp mà chính phủ Pháp có nhiều khả năng được áp đặt. Các công ty cũng có thể bị buộc phải công bố chi tiết và minh bạch kế hoạch sử dụng máy bay của doanh nghiệp minh bạch hơn.

Pháp mong muốn lệnh cấm được thực hiện ở các quốc gia châu Âu khác?

Khí thải CO2 chỉ là 'phần nổi của tảng băng chìm' đối với chi phí khí hậu của của ngành giao thông hàng không. Đó là lý do chính đáng mà Pháp tìm cách hạn chế đến thời đại đốt xăng của du lịch hàng không. Các dữ liệu hàng không gần đây cho biết, đất nước này có số lượng máy bay phản lực tư nhân cao nhất ở châu Âu, với các chuyến bay thường xuyên đến Paris và French Riviera.

Theo nghiên cứu của T&E, một phần mười tất cả các chuyến bay cất cánh vào năm 2019 là bằng máy bay phản lực tư nhân, với một nửa số này bay dưới 300 dặm.

Chính phủ Pháp cũng tin rằng, hành động trên toàn EU là phương pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề. Beaune cho biết ông sẽ đưa ra vấn đề này tại cuộc họp sắp tới của các bộ trưởng giao thông châu Âu vào tháng 10.2023

Ông Véran nhấn mạnh: “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề xuất thực hiện một cuộc tham vấn ở cấp châu Âu để xem liệu có giải pháp nào bù đắp lượng khí thải CO2 cho giao thông đường không hay không.

Pháp cũng đang khuyến khích người dân chuyển từ ô tô sang xe đạp

Frances hy vọng rằng, đến năm 2024, sẽ có 9% dân số quốc gia này đi xe đạp thông qua một loạt các biện pháp khuyến khích.

Xe đạp ở Pháp. Ảnh Getty

Xe đạp ở Pháp. Ảnh Getty

Là một phần trong lời kêu gọi của Tổng thống Macron về “sự tỉnh táo tập thể” trong sử dụng năng lượng, người dân Pháp được khuyến khích đổi ô tô cũ lấy xe đạp điện.

Tối đa 4.000 € dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp ở các khu vực phát thải thấp để trợ cấp cho quá trình chuyển đổi phương tiện giao thông, với số tiền nhỏ hơn cung cấp cho những công dân giàu có hơn.

Đây là phần mở rộng, được đưa ra vào tuần trước trong khuôn khổ kế hoạch Hãy đi xe đạp “Le Plan Vélo” được công bố năm 2021 nhằm hỗ trợ người Pháp bắt kịp người Hà Lan, Đức và Đan Mạch tăng cường sự yêu thích sử dụng xe đạp.

Mục tiêu là đạt được 9% dân số cả nước sử dụng xe 2 bánh vào năm 2024, tỷ lệ hiện tại là 3% (Hà Lan tự hào có 27% người đi xe đạp).

Tất nhiên, Pháp không phải là quốc gia duy nhất nỗ lực thực hiện vấn đề này. Chương trình trợ cấp xe đạp dựa trên việc triển khai cực kỳ thành công xe đạp điện, xe tay ga và xe máy điện ở Litva. Kể từ năm 2020, tại quốc gia này, mọi người được tặng tới 1.000 € khi giao xe ô tô cũ và những khoản tín dụng giao thông công cộng.

Theo EuroNews.Green

Thái Bằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/phap-cam-cac-chuyen-bay-noi-dia-ngan-nham-thuc-day-giao-thong-xanh-giam-phat-thai-co2-post162314.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi