Pháp đối mặt nguy cơ khủng hoảng kép

Bế tắc liên quan tới dự thảo ngân sách năm 2025 đang đẩy nước Pháp đến trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế, dẫn đến bất ổn chính trị.

Do bất đồng với kế hoạch kiềm chế thâm hụt của Thủ tướng Michel Barnier, đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu đang đe dọa sẽ rời khỏi chính phủ liên minh nếu những yêu cầu sửa đổi ngân sách không được đáp ứng. Động thái này có thể ảnh hưởng tới thị trường tài chính, làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư.

Thủ tướng Pháp Michel Barnier đối mặt với nhiều khó khăn liên quan tới dự thảo ngân sách năm 2025.

Thủ tướng Pháp Michel Barnier đối mặt với nhiều khó khăn liên quan tới dự thảo ngân sách năm 2025.

Theo các hãng thông tấn Pháp, lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen đã đưa ra thời hạn ngày 2-12 cho Thủ tướng Michel Barnier để trả lời các yêu cầu của bà và sửa đổi nội dung dự thảo ngân sách. Trước đó, bà Marine Le Pen từng tuyên bố sẽ liên minh với khối cánh tả trong Quốc hội để xúc tiến tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu kế hoạch trên của Chính phủ được thông qua.

Trong một động thái nhằm làm “hạ nhiệt” căng thẳng, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Antoine Armand thông báo, Chính phủ sẵn sàng đưa ra nhượng bộ về dự thảo ngân sách để có thể được Quốc hội thông qua và phá vỡ thế bế tắc chính trị hiện nay.

Thủ tướng Michel Barnier cũng tuyên bố hủy bỏ kế hoạch tăng thuế điện được đưa ra trong dự thảo ngân sách năm 2025. Nhưng RN còn yêu cầu sửa đổi nhiều vấn đề liên quan tới lương hưu và thay đổi các khoản đóng góp mà các công ty phải trả cho hệ thống bảo hiểm xã hội. Do đó, những nhượng bộ mà Chính phủ đưa ra có thể xóa bỏ khoảng cách bất đồng với phe cực hữu hay không vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Trong nội dung dự thảo ngân sách 2025, với mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống ở mức chỉ chiếm 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm tới, từ mức hơn 6% trong năm nay, Thủ tướng Michel Barnier đã tìm cách tiết kiệm 60 tỷ euro (63,1 tỷ USD) thông qua cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Theo ông Michel Barnier, việc cắt giảm này cần phải được thực hiện ngay để bảo vệ uy tín tài chính của Pháp cũng như bảo đảm sự ổn định kinh tế của Liên minh châu Âu (EU).

EU cũng ủng hộ dự thảo ngân sách “thắt lưng buộc bụng” của Pháp cho năm 2025, do trước đó, khối này đã cảnh báo Pháp vi phạm mức thâm hụt ngân sách 3% mà các thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phải tuân thủ. Đồng thời, EU cũng đưa nước này vào nhóm các quốc gia cần xem xét các thủ tục về thâm hụt quá mức, gồm: Bỉ, Hungary, Italia, Malta, Ba Lan, Romania và Slovakia.

Theo báo cáo đánh giá thường kỳ về kế hoạch ngân sách của các quốc gia thành viên, Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá việc cam kết giảm thâm hụt ngân sách từ 6,2% GDP trong năm 2024 xuống còn 5% vào năm 2025, trước khi quay lại mức 2,8% vào năm 2029, cho thấy lộ trình tài chính đáng tin cậy của Pháp. Nói một cách khác, EU đánh giá cao việc Thủ tướng Michel Barnier đã tìm cách đưa đất nước trở lại con đường kỷ luật tài chính.

Trong một thời gian dài, EC từng lo ngại, nếu không có hành động quyết liệt, nợ và thâm hụt ngân sách của Pháp sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, vi phạm các quy tắc của “ngôi nhà chung” và ảnh hưởng tới hình ảnh của nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone. Ngoài ra, “bóng đen” về cuộc khủng hoảng nợ cách đây 1 thập kỷ, bắt đầu xảy ra ở Hy Lạp, vẫn là nỗi ám ảnh với châu Âu. Bởi vậy, việc Pháp tìm cách lấp đầy lỗ hổng ngân sách sẽ khiến các thành viên khác yên tâm hơn.

Tuy nhiên, dự thảo ngân sách mang tính “thắt lưng buộc bụng” này lại vấp phải sự phản đối của các đảng đối lập. Điều này làm dấy lên đồn đoán về khả năng Thủ tướng Barnier phải cân nhắc sử dụng Điều 49.3 của Hiến pháp, cho phép Chính phủ thông qua luật mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội và có thể áp dụng biện pháp này ngay trong tuần. Động thái này sẽ đẩy nhanh việc thông qua dự thảo ngân sách nhưng cũng có thể thúc đẩy phe đối lập tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Hiện, liên minh cầm quyền chỉ có thể nhận được sự ủng hộ của 235 nghị sĩ, cách xa đa số tuyệt đối cần thiết là 289 nghị sĩ trong Quốc hội gồm 577 ghế. Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã cảnh báo về "một cơn bão lớn và sự hỗn loạn rất nghiêm trọng trên thị trường tài chính" nếu dự thảo ngân sách mà Chính phủ mới nhất trí bị thách thức và lật ngược tại Quốc hội nước này.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán, các nhà đầu tư sẽ ồ ạt bán trái phiếu Chính phủ Pháp và chi phí tài trợ nợ tăng mạnh. Như vậy, sự ổn định của Eurozone cũng đứng trước mối lo ngại lớn.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phap-doi-mat-nguy-co-khung-hoang-kep-686202.html