Pháp khuyến nghị EU phản ứng phù hợp với thuế quan của Mỹ

Ngày 9/4, Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Marc Ferracci cho rằng điều tối quan trọng hiện nay là phải phân tích tác động tiềm tàng từ các biện pháp thuế quan của Mỹ đối với từng lĩnh vực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Ngày 9/4, Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Marc Ferracci cho rằng điều tối quan trọng hiện nay là phải phân tích tác động tiềm tàng từ các biện pháp thuế quan của Mỹ đối với từng lĩnh vực như hàng không vũ trụ, mỹ phẩm hoặc hàng xa xỉ để điều chỉnh phản ứng của Liên minh châu Âu (EU).

Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Franceinfo, Bộ trưởng Ferracci nêu rõ quan điểm rằng EU phải ứng biến phù hợp để tránh nguy cơ leo thang có thể ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

Theo thông báo trước đó của chính quyền Tổng thống Donald Trump, các mức thuế đối ứng của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ chính thức có hiệu lực từ ngày 9/4 theo giờ Mỹ.

Động thái này đang làm leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu và kích hoạt làn sóng đàm phán thuế quan giữa Mỹ với hàng loạt nước trên thế giới.

Cùng ngày, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết bà có kế hoạch đến Washington (Mỹ) vào ngày 17/4 để thảo luận với Tổng thống Trump về việc áp thuế đối với hàng hóa các nước EU.

Tuyên bố tại cuộc họp với các doanh nghiệp, bà Meloni ủng hộ việc tiến hành đàm phán giữa EU và Mỹ để tháo gỡ căng thẳng hiện nay. Theo bà, hiện rất khó đánh giá chính xác hậu quả kinh tế từ các mức thuế quan mới của Mỹ và tâm lý hoảng loạn của giới đầu tư sẽ góp phần làm trầm trọng thêm những thiệt hại trên thực tế.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Times Radio, Bộ trưởng Văn hóa Anh Lisa Nandy thông báo nước này sẽ không điều chỉnh Đạo luật An toàn Trực tuyến trong khuôn khổ đàm phán thương mại với Mỹ.

Bà Lisa nói rõ Chính phủ Anh có trách nhiệm đảm bảo không gian trực tuyến an toàn, tương tự như những biện pháp được thực hiện trong thế giới thực.

Anh đang hướng tới mục tiêu thiết lập quan hệ đối tác kinh tế mới với Mỹ, tập trung vào công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), để làm giảm tác động từ các mức thuế quan toàn diện của Mỹ.

Một số nhà vận động tại Anh lo ngại chính phủ có thể sẽ nới lỏng một số biện pháp hạn chế quyền lực của "các ông lớn công nghệ", vốn được quy định trong Đạo luật An toàn Trực tuyến hay Thuế Dịch vụ Kỹ thuật số, nhằm có được một thỏa thuận với phía Mỹ.

Đạo luật An toàn Trực tuyến của Anh, có hiệu lực từ năm 2023, đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe đối với các nền tảng nhằm ngăn ngừa hoạt động tội phạm, tập trung bảo vệ trẻ em và loại trừ các nội dung bất hợp pháp.

Theo đạo luật này, những công ty vi phạm có thể phải chịu khoản tiền phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu hoặc 18 triệu bảng Anh (tương đương 23 triệu USD), tùy theo mức độ vi phạm. Việc thực thi đạo luật được tiến hành theo từng giai đoạn.
Tháng trước, cơ quan quản lý Ofcom yêu cầu mạng xã hội Facebook của Meta, TikTok của ByteDance, YouTube của Alphabet và các nền tảng mạng xã hội khác phải kiểm duyệt nội dung tốt hơn, báo cáo ngắn gọn hơn và thực hiện các bài kiểm tra an toàn tích hợp để củng cố độ độ an toàn cho nền tảng của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/phap-khuyen-nghi-eu-phan-ung-phu-hop-voi-thue-quan-cua-my-post1026717.vnp