Pháp luật - cây cột của ngôi nhà quốc gia!

Tuy nằm trong vùng văn minh nông nghiệp trọng tình nhưng người Việt từ xưa cũng đã có ý thức về nền nếp, kỷ cương. Các thành ngữ: 'Nước có vua, chùa có bụt'; 'Quốc có quốc pháp, gia có gia quy' là nói về phép tắc, luật pháp của quốc gia và nền nếp, quy định của mỗi gia đình. Lại có quan niệm về con người toàn diện là ngoài tầm nhìn, hiểu biết còn phải 'biết luật, biết lý': 'Làm người trông rộng nghe xa/ Biết luật, biết lý mới là người tinh'.

Họ gián tiếp nhắc nhở những người có chức vụ quản lý cao phải là tấm gương cho nhân dân: “Bề trên ở chẳng chính ngôi/ Để cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào”... Như vậy, từ xa xưa, người Việt đã coi luật pháp là điểm tựa cho xã hội phát triển.

Sử sách các triều đại cho thấy, thời nào pháp luật nghiêm minh thì thời đó thái bình, no ấm. Vẫn còn tranh luận nhưng câu ca dao: “Thời Vua Thái Tổ, Thái Tông/ Lúa thóc đầy đồng trâu chẳng buồn ăn” được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nói về thời Vua Lý Thái Tổ (1009-1028), Lý Thái Tông (1028-1054) no ấm, đủ đầy. Năm 1042, Vua Thái Tông ban chiếu quy định rõ về việc thu thuế, nếu ai thu vượt quá sẽ bị xử theo tội ăn trộm. Người nào tố cáo đúng thì cả nhà được miễn phu dịch trong 3 năm. Chiếu năm 1044 còn có quy định ai làm việc trong kho lụa mà biển thủ một thước lụa thì bị phạt 100 trượng, lấy từ 1 tấm trở lên, ngoài phạt trượng còn phải đi tù 10 năm khổ sai. Lại có đạo chiếu cấm các quan coi ngục sai tù làm việc riêng, nếu bị phát giác sẽ bị xử 100 trượng, thích chữ vào mặt và vào nhà lao làm tù nhân.

Minh họa: CƯỜNG NGUYỄN

Minh họa: CƯỜNG NGUYỄN

Lịch sử khẳng định thời Vua Lê Thánh Tông (1442-1497), nước ta ở đỉnh cao thịnh trị, thái bình, ngoài bởi “vua sáng, tôi hiền” thì thời này rất đề cao luật pháp nên “Ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa, ngoài đường không ai nhặt của rơi”. Bộ luật Hồng Đức có hơn 700 điều thì có tới 107 điều quy định những hành vi quan lại “không được làm” như: Cậy quyền thế sách nhiễu dân, ăn hối lộ, bớt xén công quỹ, lợi dụng chức vị mưu lợi riêng... Điều 138 quy định cụ thể mắc tội tham ô từ 1 đến 9 quan tiền thì bị cách chức, từ 10 đến 19 quan thì bị đánh trượng rồi cho đi đày, từ 20 quan trở lên thì bị xử chém. Các quan “ăn hối lộ” từ 1 đến 9 quan tiền sẽ bị phạt 50 quan, từ 10 đến 19 quan bị phạt từ 60 đến 100 quan... Là người trực tiếp tham gia hoàn chỉnh, bổ sung, hoàn thiện Bộ luật Hồng Đức, Vua Lê Thánh Tông là tấm gương sáng chống tham nhũng, kiên quyết làm và xử theo luật. Có viên quan lại nhỏ tên Lê Bô phạm tội tham ô bị khép vào tội hình. Viên quan Trần Phong xin cho Lê Bô được nộp tiền chuộc tội. Nhà vua bảo bề tôi: Nếu xin cho người mắc tội được nộp tiền chuộc, như thế thì người giàu có nhiều của đút lót mà khỏi tai vạ, người nghèo vì không có tiền mà phải chịu tội lỗi. Trần Phong làm vậy là trái phép tắc nên phải trị tội cả người này. Cả triều đình tâm phục khẩu phục. Nhà vua còn ban chiếu cấm vợ các quan lớn đi lại, chơi bời với nhau vì cho rằng nếu không ngăn ngừa, họ sẽ “kết thành bè đảng” làm điều không hay... Con cái của các quan không được lợi dụng chức quyền của bố để nhũng nhiễu, làm bậy. Cậy thế cha giữ chức Tây quân Đô đốc, có lần gã thanh niên con ông quan này dám cưỡi ngựa phi thẳng vào chỗ đông gây tai nạn rồi bỏ chạy, cho rằng thế là “đắc ý”. Vua Lê Thánh Tông cho điều tra, biết là con trai của Tây quân Đô đốc Lê Thiệt bèn sai lính nọc tên này ra đánh 50 roi và cách chức bố.

Luật pháp thời Hồng Đức được coi trọng đến mức đưa vào thi cử. Năm Nhâm Thìn (1472), Vua Lê Thánh Tông trực tiếp ra đề thi. Đại để đầu bài thi nói nhà vua lo lắng thói quan tham sẽ làm đổi thay phong tục nên đặt chức đình úy tra xét những điều gian dối, thưởng người liêm khiết để khuyến khích những việc tốt. Thế nhưng tham nhũng vẫn xảy ra... Hãy nêu ra nguyên nhân, cách sửa đổi để diệt trừ tệ nạn này. Có bài thi xuất sắc (của Vũ Kiệt) chỉ ra: “Con người sinh ra không thể không có sự ham muốn, nếu không làm chủ được sẽ sinh ra tham lam, nhũng loạn”. Đặc biệt chỉ ra cái sai sót của vua: “Tuy bệ hạ nghiêm khắc trong việc tra xét kẻ gian, tin cẩn biểu dương người tốt nhưng chưa vạch trần bộ mặt của đám tiểu nhân”. Vua cho là phải liền xếp đỗ cao.

Những câu chuyện trên để lại bài học gì?

Một là, ngôi nhà đất nước phải dựa vào hàng cột luật pháp chắc chắn. Luật chặt chẽ, ngay thẳng, công bằng, nghiêm minh thì nước mạnh, thái bình, thịnh trị. Một quốc gia văn minh phải hành xử theo pháp luật. Những người lãnh đạo phải là tấm gương sống, lao động theo hiến pháp, pháp luật.

Hai là, trong thời buổi hội nhập toàn cầu hôm nay, luật pháp càng phải được coi trọng, tôn trọng. Đấy là cách đề cao bộ mặt văn hóa quốc gia với thế giới.

Ba là, trong nhà trường phổ thông coi đạo đức là gốc của nhân cách học trò. Nhưng đạo đức còn là gốc của pháp luật. Một người có đạo đức tốt có thể chưa hiểu sâu về luật pháp nhưng sẽ có nhận thức đúng về cái thiện, cái ác và sẽ ứng xử theo những chuẩn mực đạo đức. Do vậy, nâng cao kiến thức pháp luật cũng là cách bồi dưỡng, giáo dục đạo đức. Thế nên, đưa pháp luật vào giảng dạy trong nhà trường chính là một cách hoàn thiện đạo đức công dân. Triết học văn hóa của thế giới đương đại coi đạo đức và pháp luật là những cây cột chính của ngôi nhà nhân cách con người!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/phap-luat-cay-cot-cua-ngoi-nha-quoc-gia-750773