Pháp luật quy định như thế nào về việc sử dụng người lao động cao tuổi?

Bạn đọc Trần Thanh Nga ở phường An Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết pháp luật quy định như thế nào về việc sử dụng người lao động cao tuổi?

Trả lời: Theo Điều 149 Bộ luật Lao động (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021), việc sử dụng người lao động cao tuổi được quy định như sau:

1. Khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

2. Khi người lao động cao tuổi đang hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà làm việc theo hợp đồng lao động mới thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi được hưởng tiền lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động.

3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn.

4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc.

* Bạn đọc Lê Văn Hoàng ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, hỏi: Giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân được quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 20, Luật Căn cước công dân, cụ thể:

1. Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định tại Điều 18 của luật này; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ Căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 3 điều này.

4. Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/luat-su-cua-ban/phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-ve-viec-su-dung-nguoi-lao-dong-cao-tuoi-659438