Pháp luật và cuộc sống: Từ nạn nhân thành... tội phạm

Cơ quan chức năng huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông) vừa bắt tạm giam bà NTT-chủ một cửa hàng tạp hóa tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp vì tội cướp tài sản. Đáng nói, bà NTT do thiếu hiểu biết, hành xử không đúng pháp luật nên từ vai trò là nạn nhân (do bị trộm cắp tài sản) đã chuyển thành... tội phạm.

Bà NTT sở hữu một cửa hàng tạp hóa. Sáng 17-6, trong lúc bán hàng, phát hiện một phụ nữ vào cửa hàng lấy trộm 2 cây thuốc lá, bà NTT lập tức “tạm giữ” và thực hiện hành vi tát người phụ nữ này nhiều cái. Không dừng lại ở đó, bà NTT còn giữ xe máy, lấy 200.000 đồng cùng giấy tờ tùy thân và bắt người này viết tường trình với nội dung "bồi thường cho chủ tạp hóa số tiền 10 triệu đồng". Dưới áp lực của bà NTT, người phụ nữ phải gọi điện thoại cho con gái để chuyển khoản “bồi thường” số tiền 10 triệu đồng. Sau đó, bà NTT mới trình báo công an, nhưng điều bà NTT không ngờ là ngoài xử lý người trộm 2 cây thuốc lá, cơ quan công an còn xác định chuỗi hành vi của bản thân bà đã cấu thành tội “Cướp tài sản”...

Thực tế cho thấy, trường hợp “từ nạn nhân trở thành tội phạm” như bà NTT nói trên không phải cá biệt. Không ít người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa do thiếu hiểu biết pháp luật hoặc không làm chủ được tâm lý, hành vi nên khi bị trộm cắp, phá hoại tài sản... thay vì trình báo cơ quan chức năng xử lý thì lại cho mình quyền “tự xử”, xúc phạm, thậm chí hành hung, buộc người trộm cắp, phá hoại phải đền bù, bồi thường. Tuy nhiên, tùy tính chất, mức độ, người thực hiện những hành vi này đã phạm tội “Cướp tài sản” hoặc “Cưỡng đoạt tài sản”.

Theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Cướp tài sản”, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng... thì có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm... Với tội “Cưỡng đoạt tài sản”, Điều 170 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng... thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm...

Để không rơi vào vòng lao lý, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Khi phát hiện người có hành vi trộm cắp, phá hoại... cần trình báo cơ quan chức năng, tuyệt đối không hành hung, đánh đập, ép buộc đền bù, bồi thường vì chỉ cơ quan chức năng mới có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

TRUNG HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/phap-luat-va-cuoc-song-tu-nan-nhan-thanh-toi-pham-786901