Pháp luật về BHXH cần ổn định lâu dài để người lao động yên tâm

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đã và đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Trong dự thảo này, có nhiều ý kiến băn khoăn về quyền lợi của người lao động (NLĐ) khi giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và siết lại quy định nếu NLĐ rút BHXH 1 lần.

PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM và ông TRẦN DŨNG HÀ, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, xung quanh vấn đề này.

* Phóng viên: Xin ông, bà cho biết, dự thảo giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để hưởng lương hưu sẽ có tác động như thế nào đến quyền lợi NLĐ?

Ông Trần Dũng Hà

Ông Trần Dũng Hà

* Ông TRẦN DŨNG HÀ: Việc giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm là cụ thể hóa một trong nhiều nội dung của Nghị quyết lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã đề ra (Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 - PV). Với thay đổi như vậy chắc chắn sẽ có những tác động đến chính sách quỹ BHXH và NLĐ.

Cụ thể, đối với NLĐ, khi giảm thời gian được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm chắc chắn cơ hội được hưởng lương hưu sẽ mở ra đối với nhiều người. Đặc biệt đối với NLĐ tham gia BHXH muộn hoặc đã từng tham gia đóng BHXH nhưng đã chọn hưởng BHXH một lần trước đó.

Đối với chính sách và quỹ BHXH thì theo Nghị quyết 28-NQ/TW, đến năm 2025 có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên khoảng 60%.

Như vậy, việc giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sẽ tạo tiền đề cho việc cụ thể hóa nghị quyết nêu trên. Việc nhiều NLĐ được hưởng lương hưu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quỹ. Tuy nhiên, khi sửa đổi Luật BHXH, vấn đề này đã được tính toán và có nhiều giải pháp cân đối quỹ BHXH.

* Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY: Dự thảo sửa đổi này nhằm tạo điều kiện cho NLĐ bắt đầu tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn hoặc không tham gia liên tục được hưởng lương hưu.

Quy định này sẽ tăng cơ hội hưởng lương hưu cho nhiều người nhưng lại hạn chế quyền của một bộ phận NLĐ đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm và đang có nhu cầu được hưởng BHXH một lần. Những nội dung sửa đổi bổ sung của dự thảo lần này đều đang cân nhắc đến bài toán thu - chi, đảm bảo tính bền vững của quỹ BHXH.

Bà Trần Thị Diệu Thúy

Bà Trần Thị Diệu Thúy

Qua nắm tình hình, chúng tôi thấy công nhân lao động đang làm việc tại TPHCM đặc biệt quan tâm đến chế độ BHXH một lần và những thay đổi của chính sách này. NLĐ có tâm lý lo sợ bị hạn chế quyền tự quyết, quyền chủ động, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi. Cho nên thay đổi lần này có thể làm NLĐ chưa yên tâm về lâu dài và tạo nên làn sóng rút BHXH một lần.

Sẽ không có “bài tính” nào đúng đắn, chuẩn mực cho mọi đối tượng thụ hưởng. Việc sửa đổi chính sách lần này mang đến cơ hội được nhận lương hưu cho nhiều người, nhưng cũng hạn chế quyền lợi của một bộ phận NLĐ đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm và đang có nhu cầu được hưởng BHXH một lần.

Đa số NLĐ cho rằng đây là một “quyền tài sản”, là quyền lợi gắn liền với quá trình lao động cống hiến, là tích lũy cá nhân. Vì vậy, bất cứ điều chỉnh nào đối với chính sách này tại thời điểm hiện tại đều sẽ gây tâm lý lo sợ và NLĐ chưa sẵn sàng để đón nhận.

* Nhiều ý kiến cho rằng, nên giảm tuổi hưu thay vì giảm thời gian đóng BHXH?

* Ông TRẦN DŨNG HÀ: Trước hết, cần lưu ý rằng, tuổi nghỉ hưu là vấn đề được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động, không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật BHXH. Việc nâng tuổi nghỉ hưu không chỉ được dựa trên những tính toán, thống kê và dự báo có cơ sở khoa học mà còn phù hợp với xu thế chung của quốc tế, hướng tới việc đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong nhiều năm tới.

Thực tế cũng cho thấy, trong bối cảnh già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh, sự thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai và tuổi thọ người dân Việt Nam ngày càng tăng, nếu giảm tuổi nghỉ hưu sẽ lãng phí rất lớn nguồn lực lao động còn trong độ tuổi lao động. Về lâu dài, cũng sẽ tạo gánh nặng cho Nhà nước trong việc đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân.

* Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY: Đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu hiện nay là không thể, vì xu hướng dân số già hóa và mất cân bằng quỹ BHXH là yếu tố quyết định việc kéo dài tuổi nghỉ hưu. Dự báo năm 2040, Việt Nam có 23 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 21% dân số. Tương lai, ngân sách nhà nước còn phải chi trợ cấp xã hội nhiều hơn cho người già không có chế độ hưu trí.

Các nước có dân số già như Nhật Bản, Hàn Quốc hiện nay vì thiếu hụt lực lượng lao động và mất cân đối quỹ BHXH dẫn đến việc thay đổi chính sách theo xu hướng đảm bảo NLĐ làm việc cho đến 65 tuổi - năm mà mọi người đủ điều kiện nhận trợ cấp lương hưu công. Vì vậy, nước ta đang nghiên cứu kinh nghiệm, thực tiễn của các quốc gia khác để có điều chỉnh về chính sách BHXH cho phù hợp.

Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ LĐTB-XH cho thấy, giai đoạn 2016-2021, hơn 4,25 triệu lao động tham gia vào hệ thống BHXH, nhưng có 4,06 triệu người rút BHXH một lần. Số người rời bỏ gần bằng số tham gia, nếu cứ tiếp tục thì mục tiêu an sinh, BHXH toàn dân không thể thực hiện được. Đến cuối cùng, thì ý nghĩa căn bản của chính sách BHXH, đó là đảm bảo NLĐ nằm trong lưới an sinh để được hỗ trợ khi gặp rủi ro sẽ không còn.

* Vậy cần làm gì để đảm bảo mục tiêu tất cả NLĐ có lương hưu khi về già?

* Ông TRẦN DŨNG HÀ: Như tôi đã nói, trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh và theo Nghị quyết 28-NQ/TW, đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội. Việc giảm thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu sẽ tạo điều kiện cho người mới tham gia BHXH.

Việc dễ dàng được hưởng lương hưu chắc chắn sẽ làm cho nhiều người lao động sẽ phải cân nhắc khi chọn hưởng BHXH một lần. Do giảm thời gian hưởng lương hưu xuống nên đồng nghĩa với việc sẽ giảm chi phí khi tham gia BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu và điều này chắc chắn sẽ làm tăng số người tham gia BHXH tự nguyện. Khi đó, số lượng người được hưởng lương hưu khi về già tăng.

* Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY: Tôi cho rằng, đảm bảo về việc làm và thu nhập cho NLĐ mới là vấn đề trọng điểm cần quan tâm nhất hiện nay. Đồng thời, trong thời gian tới, các chính sách cần quan tâm tạo điều kiện cho NLĐ trên 50 tuổi tiếp cận được thị trường việc làm. Thực tế hiện nay, nhóm lao động phi chính thức đang chiếm thị phần rất lớn, ngang bằng nhóm lao động chính thức có tham gia BHXH. Do đó, cần tính toán vận động nhóm này tham gia BHXH tự nguyện.

Hiện người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp. Bởi, dù họ thấy được lợi ích khi đóng BHXH, nhưng họ cũng thấy phần tiền nhận được khi đến tuổi hưu không đảm bảo được cuộc sống cơ bản. Vì vậy, bên cạnh tăng cường tuyên truyền thì chính sách hưởng lương hưu, phải được tính toán để bảo đảm về mặt xã hội, đời sống cơ bản của NLĐ sau nghỉ hưu trong vài chục năm sau.

Ngoài ra, tình hình thị trường lao động hiện nay đang biến động mạnh, nhiều NLĐ mất việc, doanh nghiệp đang có xu hướng thu hẹp quy mô hoạt động vì thiếu hụt đơn hàng, không có nhu cầu tuyển dụng trong thời gian gần. Thu nhập không đảm bảo, tiền lương không theo kịp tốc độ lạm phát, trượt giá, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của NLĐ. Từ đó dẫn đến tâm lý NLĐ cần rút BHXH một lần để giải quyết cuộc sống cấp bách.

Và như tôi đã trao đổi, điều cốt lõi chính là các chính sách pháp luật có liên quan về BHXH cần mang tính ổn định lâu dài, hạn chế thường xuyên thay đổi. Bởi hiện nay, chính vì do chính sách thường xuyên thay đổi nên NLĐ thấy không an tâm về khoản để dành cho hưu trí, nên có thể dù chưa cần đến, NLĐ cũng sẵn sàng rút BHXH một lần.

NGÔ BÌNH - THÁI PHƯƠNG thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phap-luat-ve-bhxh-can-on-dinh-lau-dai-de-nguoi-lao-dong-yen-tam-post684341.html