Pháp lý vụ ngộ độc thực phẩm ở trường Tuệ Đức

Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm ở hệ thống trường TH - THCS Tuệ Đức, TP. Thủ Đức, TP.HCM, Luật sư Đặng Thị Út Pha (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã có một số phân tích về góc độ pháp lý.

Như Báo Công lý đã thông tin, liên quan đến vụ 38 học sinh ói, tiêu chảy... ở hệ thống trường Tuệ Đức, TP. Thủ Đức, TP.HCM, Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM kết luận đây là ngộ độc thực phẩm.

Thông tin này được đăng tải chính thức trên web của Sở ATTP TP.HCM khiến phụ huynh vô cùng phẫn nộ, lo lắng.

Đáng nói, khi xảy ra ngộ độc, thay vì thực hiện theo quy định, trường Tuệ Đức lại tự lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ ngộ độc gửi Viện Pasteur TP.HCM để tìm nguyên nhân, đồng thời tự tiến hành kiểm tra các hồ sơ pháp lý liên quan, các quy trình sơ chế, chế biến, phân chia thực phẩm tại trường đối với đơn vị cung cấp suất ăn là Công ty Cổ phần Quốc tế Haxeca Mekong.

Qua việc tự kiểm tra, trường Tuệ Đức khẳng định, Công ty Cổ phần Quốc tế Haxeca Mekong thực hiện vệ sinh đảm bảo, nhân viên thực hiện sơ chế, phân chia thực phẩm có bảo hộ lao động, thực hiện ghi chép sổ 3 bước và lưu mẫu đúng theo quy định.

Tuy nhiên, theo kết luận của Sở ATTP TP.HCM thì đây là vụ ngộ độc thực phẩm.

Cơ sở trường Tuệ Đức ở TP Thủ Đức, TP.HCM.

Cơ sở trường Tuệ Đức ở TP Thủ Đức, TP.HCM.

Sau khi xảy ra sự việc, trường Tuệ Đức cho biết, đã ngưng làm việc với Công ty Cổ phần Quốc tế Haxeca Mekong và tự nấu ăn cho học sinh trong trường.

Được biết, Công ty Haxeca Mekong do ông Nguyễn Anh Tuấn làm Tổng Giám đốc có địa chỉ tại 6-8 Nguyễn Hậu, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP.HCM.

Liên quan đến trách nhiệm để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nêu trên, PV Báo Công lý đã liên hệ với trường Tuệ Đức nhưng sau gần 1 tháng PV vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức nào từ trường này.

Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Thị Út Pha (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Hành vi sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm cho người khác tùy theo tính chất nguy hiểm và hậu quả mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 200.000.000 đồng đối với tổ chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù lên đến 20 năm”.

Về xử phạt vi phạm hành chính, theo điểm a khoản 8 Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm e khoản 12 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP, hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính thì tùy theo mức độ nghiêm trọng, hậu quả của hành vi sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc cho người khác sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với tổ chức khi gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Đặng Thị Út Pha (Đoàn Luật sư TP.HCM) trao đổi với Báo Công lý.

Luật sư Đặng Thị Út Pha (Đoàn Luật sư TP.HCM) trao đổi với Báo Công lý.

Cá nhân và tổ chức còn phải chịu các hình phạt bổ sung và bắt buộc phải khắc phục hậu quả khác như: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 3 đến 5 tháng; Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm; Buộc thu hồi thực phẩm; Buộc tiêu hủy thực phẩm; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm; Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự, Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 119 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định người nào thực hiện hành vi chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 5 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%... thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Phạm tội thuộc các trường hợp: Có tổ chức; Làm chết người; Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người; Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%… thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm chết 2 người; Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101 người đến 200 người… thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm chết 3 người trở lên; Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên… thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Kim Sáng

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/phap-ly-vu-ngo-doc-thuc-pham-o-truong-tue-duc-477622.html