Phập phồng lo mất việc

Công việc không ổn định khiến công nhân nhập cư phải xoay xở nhiều cách mới đủ trang trải chi phí sinh hoạt

Báo cáo tình hình lao động - việc làm quý I/2023 do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy cả nước có 149.000 lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp (DN). Trong đó, tập trung đa số ở lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử.

Nỗi lo mất việc bủa vây

Hơn 1 tháng nay, do đơn hàng ít nên chị Nguyễn Thị Dung (quê Vĩnh Long) - công nhân (CN) Công ty TNHH F. (KCX Linh Trung II, TP Thủ Đức, TP HCM) - chỉ làm việc mỗi ngày đến 16 giờ 30 phút.

Trước đó, chị Dung làm CN một công ty sản xuất linh kiện điện tử tại KCX Linh Trung I (TP Thủ Đức, TP HCM). Do công việc thất thường nên chị nghỉ việc, xin vào Công ty F. với hy vọng được tăng ca nhiều hơn, từ đó cải thiện thu nhập. Thế nhưng, khi qua công ty mới, tình hình cũng không sáng sủa hơn vì đơn hàng quá ít. Mới đây, khi công ty thông báo không tái ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với những trường hợp ký hợp đồng ngắn hạn, chị Dung rất lo. "Thu nhập giảm cũng không làm tôi lo bằng mất việc làm. Nếu tình hình này kéo dài, tôi sẽ bị mất việc" - chị Dung than thở.

Gắn bó với Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP HCM) hơn 12 năm nhưng chưa bao giờ chị Phạm Thị Hồng Hạnh (50 tuổi) thấy DN khó khăn như hiện nay. Do công ty không có đơn hàng nên cuối năm 2022, nhiều CN mới vào làm cùng xưởng với chị Hạnh bị ngưng HĐLĐ. May mắn không bị mất việc nhưng chị Hạnh phải nghỉ không lương từ 1-2 ngày/tuần, thu nhập vì thế giảm sâu. Chồng chị bán cá ở chợ tự phát, thu nhập cũng thất thường. "Tình hình đơn hàng vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục và nhiều khả năng công ty sẽ tiếp tục cắt giảm lao động. Tôi thuộc nhóm có nguy cơ cao vì đã lớn tuổi. Cả gia đình đang ở trọ nên tôi rất lo, nhất là con nhỏ đang tuổi ăn học" - chị Hạnh lo lắng.

Thu nhập giảm sâu buộc công nhân nhập cư phải chi tiêu tằn tiện. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Thu nhập giảm sâu buộc công nhân nhập cư phải chi tiêu tằn tiện. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Còn đi làm là mừng

Từ sau Tết, do đơn hàng khan hiếm nên Công ty TNHH Pouyuen (quận Bình Tân, TP HCM) phải cắt giảm số lượng lớn CN, kéo theo nhiều xưởng phải đóng cửa.

Chứng kiến nhiều đồng nghiệp mất việc, anh Nguyễn Hoàng Vũ sống trong tâm trạng phập phồng. Anh Vũ cho biết kể từ sau Tết, chỉ có tháng 3 là công việc tương đối ổn định. Tuy nhiên, ở nhiều xưởng, để bảo đảm tiến độ đơn hàng, một CN phải làm việc gấp 2-3 lần. Áp lực công việc, thêm nỗi lo mất việc khiến anh Vũ đứng ngồi không yên. "Chuyền của tôi làm có 28 CN nằm trong đợt cắt giảm vừa rồi nhưng đến nay chỉ có 2 người tìm được công việc mới. Còn đi làm được ngày nào thì mừng ngày đó" - anh Vũ cho biết.

Lường trước khó khăn nên anh Vũ chi tiêu rất tằn tiện. Mỗi ngày anh tự đi chợ, nấu ăn mấy món đơn giản để qua bữa. Gần 40 tuổi nhưng anh Vũ vẫn còn độc thân vì theo anh, tự nuôi bản thân đã chật vật nên không dám nghĩ tới việc lập gia đình.

Tan ca, chị Lê Thị Ngọc Hương, CN Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, tranh thủ ghé chợ tạm gần nơi ở trọ mua ít rau để chuẩn bị bữa cơm chiều. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, chị Hương giải thích: "Thịt cá ở nhà có sẵn vì đem từ quê lên nên chỉ cần thêm mớ rau xanh là đủ".

Chị Hương cho hay cứ cách 1-2 tuần, vợ chồng chị lại đưa con gái nhỏ về Tiền Giang thăm nhà. Tranh thủ thời gian này, chị Hương mua ít thịt, cá đóng vào thùng xốp rồi mang lên phòng trọ dùng dần. "Giá thực phẩm ở quê vẫn rẻ hơn ở thành phố nên tôi có thể tiết kiệm một khoản kha khá. Trước khi về nhà, tôi sẽ liệt kê sẵn những món cần mua, chủ yếu là thực phẩm có thể dùng được lâu. Khi việc làm và thu nhập bấp bênh, đây là cách tôi trụ lại thành phố" - chị Hương bộc bạch. "Giờ có việc làm là may mắn lắm rồi. Ưu tiên của vợ chồng tôi lúc này là lo cho việc học hành của các con" - chị Hương chia sẻ.

Tăng tốc hỗ trợ công nhân

Ban Quan hệ Lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết trong 3 tháng đầu năm 2023, ngoài một bộ phận DN tiếp tục ổn định, có xu hướng phục hồi như các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất máy móc, thiết bị, vẫn còn không ít DN tiếp tục gặp khó khăn, dẫn đến phải dừng hoạt động, giải thể, phá sản. Thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ và Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ ngày 16-1-2023 về việc hỗ trợ đoàn viên, người lao động (NLĐ) bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt HĐLĐ do DN bị cắt, giảm đơn hàng, đến hết tháng 3-2023, các cấp Công đoàn đã nhận 53.592 hồ sơ đề nghị hỗ trợ đoàn viên, NLĐ.

Các cấp Công đoàn đã thẩm định, quyết định hỗ trợ cho hơn 17.680 trường hợp đủ điều kiện với tổng số tiền là 22,73 tỉ đồng; đang tiếp tục thẩm định 35.911 hồ sơ với tổng số tiền dự kiến hỗ trợ là 56,397 tỉ đồng. "Tổng LĐLĐ Việt Nam đôn đốc các cấp Công đoàn tăng tốc giải ngân để san sẻ khó khăn với CN mất việc, giảm giờ làm. Các khoản hỗ trợ tuy không nhiều nhưng là sự sẻ chia chí tình của tổ chức Công đoàn đối với đoàn viên - lao động trong bối cảnh khó khăn hiện nay"- ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định.

N.Tú

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/phap-phong-lo-mat-viec-20230410191235415.htm