Pháp sẵn sàng hỗ trợ ngành đường sắt Việt Nam chuyển mình
Pháp sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong các dự án liên quan tới đường sắt tốc độ cao. Đây là khẳng định của ông Hervé Conan - Giám đốc cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam, trong buổi họp báo 'Hợp tác trong lĩnh vực đường sắt cao tốc' do Đại sứ quán Pháp tổ chức vào chiều 17/1, tại Hà Nội.
Theo Giám đốc cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam Hervé Conan, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nổi bật, đồng thời, chính phủ Việt Nam rất chú trọng việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải, nhất là đối với ngành giao thông, trong đó có lĩnh vực đường sắt. Ông Hervé Conan nhấn mạnh, Pháp cam kết triển khai hỗ trợ đội ngũ tư vấn kỹ thuật với các dự án liên quan tại Việt Nam.
Ông Hervé Conan nêu rõ: “Ngành đường sắt Việt Nam hiện đầu tư các tuyến với tổng mức vốn gần 100 tỷ đồng, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam với tổng mức đầu tư dự kiến gần 70 tỷ USD, cũng như các tuyến đường sắt liên tỉnh khác như đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, đường sắt đô thị. Đây là thời điểm thích hợp để phía Pháp cùng Việt Nam hợp tác phát triển các dự án quan trọng".
Cũng tại buổi họp báo, chia sẻ về bước chuyển mình của Pháp cách đây 44 năm từ làm đường sắt truyền thống sang đường sắt tốc độ cao, ông Diego Diaz, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) cho hay, ba vấn đề gồm kinh tế, kỹ thuật và nhân lực là những yếu tố then chốt của mọi dự án đường sắt tốc độ cao bởi các công trình này có thời gian phục vụ từ 50-100 năm. Do đó, cần một tầm nhìn cụ thể về vấn đề khai thác và vận hành.
“Ngoài những tác động về giao thông và giảm phát thải, đường sắt tốc độ cao tạo ra nhiều công ăn việc làm như chuyên môn kỹ thuật công nghệ cao, máy tính, điều khiển... Pháp có nhiều kinh nghiệm đường sắt tốc độ cao tại nhiều quốc gia nhưng chưa có dự án nào tại Việt Nam nên cần có sự hợp tác chia sẻ để có thể học hỏi kinh nghiệm về dự án này,” ông Diego Diaz chia sẻ.
Liên quan tới vấn đề chuyển giao công nghệ, ông Diego Diaz cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao bao gồm nhiều thành phần. Với Việt Nam, một số trang thiết bị như những thanh tà vẹt (bộ phận thanh ray đường tàu) có thể được sản xuất trong nước và sau đó dần dần làm chủ các công nghệ khác. Tuy nhiên, có những hệ thống rất phức tạp và cần thời gian dài để tiếp nhận nhằm làm chủ nguồn lực công nghệ như hệ thống tín hiệu đường sắt.
Theo đó, Giám đốc cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam Hervé Conan tái khẳng định, nước này sẵn sàng triển khai nhóm chuyên gia cao cấp hàng đầu để đưa ra khuyến nghị về mặt kinh tế, tài chính và tổng thể cho sự chuyển mình của ngành đường sắt Việt Nam.