Pháp thận trọng trong việc hồi hương công dân gia nhập IS tại Syria
Một tòa án tối cao ở Pháp đã bác bỏ đơn kháng cáo của các gia đình có thân nhân từng tới Syria để gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhưng nay muốn hồi hương.
Ngày 24/4, một tòa án tối cao ở Pháp đã bác bỏ đơn kháng cáo của các gia đình có thân nhân từng tới Syria để gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhưng nay muốn hồi hương.
Hội đồng Nhà nước Pháp - đóng vai trò cố vấn pháp lý cho Chính phủ Pháp và là cơ quan pháp lý cấp cao nhất giải quyết các vụ án hành chính, tuyên bố họ không có thẩm quyền giải quyết các đơn kháng cáo này.
Sau khi xem xét 4 đơn kháng cáo, tòa án trên ra phán quyết rằng một quyết định hồi hương những đối tượng này sẽ đòi hỏi "các cuộc đàm phán với nhà chức trách nước ngoài hoặc một hành động can thiệp ở lãnh thổ nước ngoài."
Trong số 4 trường hợp được xem xét nói trên có 3 trường hợp là các nữ công dân Pháp có quan hệ với IS cùng 8 người con hiện đang bị giam giữ ở Syria.
Trường hợp còn lại là một người thân của tay súng IS, mong muốn Chính phủ Pháp tiếp nhận 2 người con của tay súng này, hiện đang bị giam giữ tại một trại tạm giam khác do người Kurd kiểm soát ở Syria.
Phán quyết của Hội đồng Nhà nước Pháp được đưa ra sau khi Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner đầu tháng này cho biết Paris đã bác bỏ việc tiếp nhận các tay súng thánh chiến người Pháp và các thành viên gia đình bị bắt giữ tại Syria, sau khi cái gọi là "Vương quốc Hồi giáo" của IS sụp đổ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Castaner cho biết đối với những trường hợp là con của các tay súng IS, Pháp sẽ "xem xét từng trường hợp một."
Hồi hương các công dân gia nhập IS ở Syria là vấn đề khá nhạy cảm ở Pháp, nơi mà người dân vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau sau khi IS tiến hành các vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris hồi năm 2015 khiến 130 người thiệt mạng.
Từ trước tới nay, Pháp luôn giữ quan điểm cứng rắn rằng các công dân của nước này một khi tham gia hoạt động của IS tại Syria và Iraq phải bị xét xử tại quốc gia nơi họ phạm tội.
Cũng như nhiều nước châu Âu khác, Pháp đối mặt với thách thức trong việc tìm giải pháp xử lý những đối tượng là vợ, con của các tay súng IS là công dân Pháp, song đã thiệt mạng tại Syria hoặc bị bắt làm tù nhân tại đây.
Vấn đề càng trở nên cấp bách hơn khi cuộc chiến chống IS đến hồi kết, vợ và những đứa con của các tay súng IS người nước ngoài yêu cầu chính phủ các nước đó tiếp nhận họ.
Theo ước tính, trẻ em chiếm hơn 50% trong số 150 tù nhân quốc tịch Pháp tại Syria.
Trong bối cảnh đó, lực lượng người Kurd tại Syria cảnh báo họ không đủ nguồn lực để giam giữ vô thời hạn các tay súng nước ngoài.
Mỹ cũng đã hối thúc các đồng minh trong liên quân chống IS hồi hương công dân. Tuy nhiên, đây được xem là vấn đề nhạy cảm khi các chính phủ lo ngại không đủ bằng chứng để kết tội một số thành viên IS tuyên bố họ không hề tham chiến.
Theo số liệu của Chính phủ Pháp, trong khoảng thời gian 2014-2018, đã có 1.700 công dân Pháp tới Iraq và Syria, tham gia lực lượng thánh chiến. 300 người trong số này được cho là đã chết./.