Pháp ứng phó với tình huống thiếu hụt điện trong mùa đông
Pháp vốn là quốc gia xuất khẩu điện với hệ thống nhà máy điện hạt nhân tiên tiến. Những điều không mong chờ lại xảy ra trong năm nay, Pháp buộc phải nhập khẩu điện từ những quốc gia chung quanh nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt năng lượng trong mùa đông này. Trước tình hình đó, Chính phủ Pháp đã đề xuất một kế hoạch giảm tải điện luân phiên trên quy mô toàn quốc.
Nguy cơ thiếu điện trong mùa đông
Tại Pháp đang diễn ra tình trạng thiếu điện, khi mức sản xuất điện năng thấp hơn mức tiêu thụ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là khủng hoảng năng lượng. Các quốc gia đang từng bước phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Nhưng, giá bán buôn khí đốt tự nhiên, than đá và dầu mỏ đã tăng mạnh trên toàn cầu và xung đột giữa Nga và Ukraine lại càng làm trầm trọng thêm tình hình trên. Không chỉ Pháp, mà các nước châu Âu nói chung cũng đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có.
Căng thẳng về các nguồn cung khiến cho giá điện tăng cao. Theo Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (INSEE), giá năng lượng bao gồm điện, khí đốt và xăng dầu đã tăng 22,7% trong hơn một năm tính đến tháng 8/2022.
Bên cạnh đó, nước Pháp đang thực hiện quá trình chuyển đổi sinh thái kể từ năm 2017. Theo đó, các nhà máy sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch dần bị đóng cửa để hạn chế phát thải khí nhà kính, kéo theo nhu cầu lớn hơn về điện khí đốt và điện hạt nhân. Nhưng, năng lượng tái tạo được đề xuất như một phương án mới được bổ sung lại chưa thật sự hoạt động hiệu quả. Tính đến năm 2020, năng lượng tái tạo mới chỉ đạt 19,1% tổng sản lượng điện sản xuất, trong khi 23% mới là mục tiêu hướng tới.
Gã khổng lồ trong ngành điện của nước Pháp EDF đã phải đối phó với hàng loạt sự cố chưa từng có đối với hệ thống lò phản ứng hạt nhân của mình, khiến cho sản lượng điện hạt nhân giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua. Có nhiều yếu tố khó khăn đang xảy ra với ngành điện hạt nhân, như công tác bảo trì kéo dài theo yêu cầu của Cơ quan An toàn Hạt nhân Pháp (ASN), sự xuất hiện của những vết nứt trong mạch làm mát được phát hiện gần đây, sự khô cạn của các dòng chảy giúp hạ nhiệt lò phản ứng, cũng như cơ sở hạ tầng đã cũ. Đó là lý do cho đến nay vẫn còn 23 trên tổng số 56 lò phản ứng hạt nhân đang phải ngừng hoạt động.
Theo phát biểu của ông Xavier Piechaczyk, Giám đốc điều hành Mạng lưới truyền tải điện Pháp RTE, trong một bài phỏng vấn trên đài phát thanh FranceInfo ngày 1/12 vừa qua, lượng dự trữ điện hạt nhân hiện nay mới chỉ đạt 35 gigawatt, dự tính sẽ đạt được từ 40 đến 41 gigawatt vào ngày 1/1/2023 và sẽ chạm mốc 43 gigawatt vào cuối tháng đó. Nhưng con số này không đáng kể so với mục tiêu ban đầu là 61 gigawatt.
Kế hoạch giảm tải điện năng tiêu thụ của Pháp
Hầu như tất cả các nước châu Âu đều đang phải đối mặt với vấn đề năng lượng điện trong mùa đông năm nay.
Vương quốc Anh đã công bố một kế hoạch khẩn cấp về năng lượng, trong đó đề cập các nội dung cắt giảm điện năng tiêu thụ tại các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Chính phủ Đức đã có bước đi tương tự, cùng với đó là hướng dẫn người dân ứng phó với những tình huống buộc phải cắt điện.
Nước Ý thậm chí còn đề xuất “giờ giới nghiêm” với nhiều ngành nghề, dịch vụ, theo đó cửa hàng sẽ đóng cửa lúc 7 giờ tối và các quán bar sẽ ngừng phục vụ lúc 11 giờ đêm.
Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha còn quy định các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát và văn phòng sẽ phải giới hạn nhiệt độ sưởi ấm ở mức 19 độ C.
Tại Pháp, sản xuất điện trong nước và nhập khẩu điện năng từ các quốc gia chung quanh vẫn được duy trì. Nhưng dường như lượng dự trữ điện vẫn chưa thể đủ cho các hoạt động sản xuất và đời sống thường nhật của Pháp trong mùa đông này. Không nằm ngoài xu hướng chung, Chính phủ Pháp cũng chính thức đề xuất kế hoạch giảm tải điện năng tiêu thụ để tránh tình trạng thiếu hụt trong mùa đông năm.
Kế hoạch giảm tải điện trên toàn bộ lãnh thổ của Pháp mà Chính phủ quốc gia này đang nhắm tới sẽ diễn ra theo hình thức luân phiên giữa các tỉnh và thành phố, bảo đảm các nhu cầu sử dụng tối thiểu của các khu vực dân cư. Kế hoạch cắt điện “xoay vòng” nhằm mục đích tránh mất kiểm soát cho toàn bộ hệ thống điện.
Một số cơ sở và dịch vụ có thể bị ảnh hưởng trong những tình huống bắt buộc phải giảm tải điện năng. Khi bị cắt điện, trường học có thể sẽ đóng cửa vào buổi sáng để tránh tình trạng không có đèn chiếu sáng, không có hệ thống sưởi hoặc hệ thống báo động không thể vận hành trong trường hợp hỏa hoạn. Hệ thống tàu điện sẽ tạm hủy một số chuyến trong vòng hai giờ đồng hồ theo kế hoạch. Mạng lưới đèn chiếu sáng đường bộ vốn dĩ đã bị cắt giảm thời lượng từ trước đó cũng sẽ bị ảnh hưởng. Cùng với đó, người dân được khuyến nghị hạn chế đi lại bằng ô-tô trong khoảng thời gian hệ thống đèn giao thông không hoạt động do mất điện.
Các trạm thu phát sóng điện thoại, bao gồm cả internet, cũng không nằm ngoài danh sách bị ảnh hưởng. Điều này đồng nghĩa với việc người dân khó có thể liên lạc với các dịch vụ tổng đài khẩn cấp, ngoại trừ trong vòng 30 phút đầu tiên ngay khi mất điện vì lúc đó hoạt động của trạm thu phát vẫn được bảo đảm từ nguồn pin dự trữ.
Kế hoạch giảm tải cũng đề cập tới nhóm đối tượng ưu tiên, như bệnh viện, phòng khám, trạm cứu hỏa, đồn cảnh sát và phòng thí nghiệm, một số cơ sở công nghiệp quan trọng,…
Khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện
Trong một thông báo gần đây của Tập đoàn Điện lực Pháp EDF cho biết, vẫn sẽ còn khoảng 10 trong số 56 lò phản ứng điện hạt nhân chưa thể hoạt động vào tháng 1 năm tới. Tập đoàn này cũng đã điều chỉnh dự báo tổng sản lượng điện hạt nhân xuống từ 275 đến 285 terawatt giờ cho năm 2022, thay vì từ 280 đến 300 terawatt giờ theo như dự định trước đó.
Kế hoạch giảm tải điện là điều cần thiết trong tình hình có nhiều khó khăn như hiện nay. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, “nếu nhiệt độ ngoài trời giảm xuống 1 độ, thì mức tiêu thụ năng lượng điện trên toàn quốc sẽ tăng lên 2.400 megawatt”. Vì lý do đó, muốn hạn chế tình huống bắt buộc phải giảm tải tại Pháp, những giải pháp hữu hiệu lại đến từ chính thói quen sử dụng điện của người tiêu dùng.
Theo đó, các hộ gia đình có thể dần dần điều chỉnh những thói quen mới như tắt đèn khi không cần thiết hoặc chuyển sang sử dụng đèn LED đồng bộ. Theo Cơ quan chuyển đổi sinh thái Pháp (ADEME), đèn chiếu sáng có thể chiếm 12% điện năng tiêu thụ trong một gia đình. Do đó, mười bóng đèn thông thường với công suất 60 watt thắp sáng trong ba giờ đồng hồ mỗi ngày tiêu tốn trung bình 100 euro mỗi năm. Với bóng đèn LED, mức tiêu thụ giảm xuống chỉ còn dưới 15 euro mỗi năm.
Bên cạnh đó, người dân cũng được khuyến nghị giảm nhiệt độ sưởi ấm xuống một hoặc hai độ, sử dụng các thiết bị điện tiêu tốn nhiều năng lượng nhất như máy rửa bát, máy giặt, máy nước nóng... vào các khung giờ thấp điểm.
Các cơ quan, công ty, doanh nghiệp có thể thực hiện giải pháp giảm nhiệt độ sưởi ấm, khuyến khích làm việc từ xa, hạn chế chiếu sáng bên trong các tòa nhà và đôi khi là giảm độ sáng của màn hình máy tính trong lúc làm việc.
Tổng mức tiêu thụ điện năng thông thường trong mùa đông được ghi nhận từ 80 đến 100 gigawatt. Theo tính toán của Mạng lưới truyền tải điện Pháp RTE, việc thực hiện đồng loạt các giải pháp trên cho phép giảm thiểu mức tiêu thụ xuống gần 10 gigawatt vào giờ cao điểm. Mức tiêu thụ điện năng giảm từ 1 đến 5% hoàn toàn đã có thể góp phần hạn chế tình trạng cắt điện trong mùa đông năm nay.
Bối cảnh khủng hoảng năng lượng mà nước Pháp cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác đang trải qua, buộc Chính phủ quốc gia này phải nỗ lực hết sức để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho người dân trong mùa đông này. Theo đó, Chính phủ Pháp cam kết bảo đảm không xảy ra tình trạng thiếu hụt trong các kho dự trữ khí đốt, tối đa hóa việc sản xuất điện từ các nguồn năng lượng nhiệt và năng lượng tái tạo sẵn có, đồng thời giám sát và thúc đẩy sự vận hành hiệu quả của những lò điện hạt nhân. Giảm tải tiêu thụ điện là điều nên làm để bảo đảm các hoạt động sinh hoạt và sản xuất tại Pháp sẽ bền vững hơn trong mùa đông năm nay, do đó, sự chung tay và quyết tâm của người dân sẽ là điều kiện tiên quyết.
Ngày 30/11 vừa qua, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã yêu cầu chính quyền các thành phố chuẩn bị sẵn những phương án trong tình huống bị cắt điện vào mùa đông. Cơ quan điều hành mạng lưới phân phối điện công cộng Pháp ENEDIS và Mạng lưới truyền tải điện Pháp RTE sẽ tiến hành giảm tải thử nghiệm toàn quốc vào ngày 9/12 tới.