Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại Ngày hội văn hóa các dân tộc

VietNamNet xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV ở tỉnh Bình Định, năm 2023.

Kính thưa đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương;

Kính thưa các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bình Định và các tỉnh miền Trung;

Kính thưa các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể đồng bào!

Thiết thực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam, hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hôm nay, tại tỉnh Bình Định, vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, quê hương của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ với lời hịch vang dội núi sông “Đánh cho lịch sử muôn đời biết nước Nam anh hùng là có chủ” “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để răng đen” với nguyện ước dân tộc trường tồn nhờ bồi đắp cội nguồn văn hóa, trong niềm vui, phấn khởi, thắm tình đoàn kết các dân tộc anh em, Bộ VHTTDL phối hợp với tỉnh Bình Định, các ban, bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh miền Trung long trọng tổ chức tổ chức “Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV, năm 2023”.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ VHTTDL, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đã về dự ngày hội; xin được chào mừng các quý vị đại biểu khách quý, nhân dân các tỉnh đã có mặt trong ngày hội lớn; xin kính chúc các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng toàn thể quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV thành công tốt đẹp.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể đồng bào!

Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, dải đất miền Trung được xem là nơi hội tụ, chuyển tiếp và kết tinh nhiều giá trị văn hóa; cộng đồng các dân tộc miền Trung đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu với bề dày hơn 2.000 năm, tiêu biểu là nền văn hóa Sa Huỳnh và nền văn minh Chăm Pa.

Thông qua quá trình đấu tranh sinh tồn, cải tạo thiên nhiên, lao động, sản xuất và sinh hoạt hàng ngày đã hình thành nên kho tàng văn hóa hết sức phong phú. Nơi đây sở hữu giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa đồ sộ với 05 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới[1], 06 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh[2], 37 di tích quốc gia đặc biệt, 49 bảo vật quốc gia, 691 di tích quốc gia và nhiều di sản có giá trị khác. Đây cũng là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, Mường, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Co, Xơ Đăng, Mnông, Chăm và nhiều tộc người khác, gắn liền với quá trình khai thiên lập địa, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa con người với thiên nhiên, ước mơ cũng như khát vọng của con người về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nhận thức sâu sắc vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước nói chung, của các vùng miền trên cả nước nói riêng, những năm qua, Bộ VHTTDL đã bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tích cực phối hợp với các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương triển khai nhiều hoạt động, nhiều chương trình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, đặc biệt là những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Cùng với Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tại các vùng miền trên cả nước, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung đã trải qua 3 lần tổ chức, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung.

Tiếp nối thành công của 03 kỳ ngày hội đã tổ chức, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ 4 sẽ diễn ra từ ngày 08-10/9/2023 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, hứa hẹn tạo ra một không gian văn hóa ý nghĩa, để các cơ quan quản lý văn hóa, các nghệ sĩ, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số…gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; để nhân dân và du khách có cơ hội hiểu rõ hơn về những đặc trưng văn hóa vùng núi cao, vùng núi thấp, vùng ven biển mang hơi thở cuộc sống gắn với núi rừng, sông suối, biển cả cùng các tập quán canh tác mùa vụ của đồng bào các dân tộc miền Trung qua các hoạt động dân ca, dân vũ, trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, khám phá ẩm thực, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật được trình diễn công phu, được đắm mình vào không gian lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc qua phần thể hiện hết sức khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân trong các nghi lễ truyền thống…

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể đồng bào!

Danh ngôn của người Pháp có câu “Văn hóa là những gì còn lại khi tất cả những cái khác mất đi” chính vì lẽ đó mà thông qua Ngày hội, những thành tựu về văn hóa được tạo dựng qua nhiều thế hệ sẽ được nối tiếp, vun đắp và tô đậm hơn theo thời gian của lịch sử, đó cũng là minh chứng hùng hồn cho tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đây cũng là dịp tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung tới người dân, du khách quốc tế, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các địa phương trong vùng.

Trong niềm phấn khởi và sự tin tưởng sâu sắc đó, thay mặt cho Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Ban tổ chức Ngày hội, tôi xin phép được tuyên bố Khai mạc “Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại tỉnh Bình Định, năm 2023”.

Nhân dịp này, Bộ VHTTDL xin được trân trọng cảm ơn các ban, bộ, ngành Trung ương; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã quan tâm, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức Ngày hội được thành công; xin cảm ơn các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên quần chúng đã hưởng ứng, tham gia tích cực, qua đó góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật của Ngày hội; xin cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí đã đến dự, đưa tin về sự kiện này.

Một lần nữa, xin được kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị khách quý cùng toàn thể đồng chí, đồng bào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

======================= [1] Thành Nhà Hồ, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Cố đô Huế[2] Nhã nhạc Cung đình Huế, Hát Ca trù, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt, nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phat-bieu-cua-bo-truong-nguyen-van-hung-tai-ngay-hoi-van-hoa-cac-dan-toc-2187610.html