Phát động cao điểm truy quét buôn lậu, hàng giả trên toàn quốc
Đó là kế hoạch vừa được Bộ Công thương ban hành nhằm tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới.
Theo kế hoạch, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) yêu cầu các đơn vị tăng cường thu thập, phân tích thông tin về diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, dễ bị lợi dụng để đầu cơ, buôn lậu như các sản phẩm sữa, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, xăng dầu, đường, thuốc lá, phân bón... Chủ động phát hiện những biến động bất thường, những vấn đề nổi cộm của thị trường, từ đó có phương án giám sát, kiểm tra và xử lý kịp thời.

Việc truy quét sẽ được thực hiện trên toàn quốc. Ảnh: QLTT.
Giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các mặt hàng thiết yếu trên các kênh bán lẻ, đại lý không chính thức, nhất là trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và các mạng xã hội.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xử phạt của các lực lượng chức năng theo hướng phân định rõ trách nhiệm, rõ địa bàn, rõ lĩnh vực, không chồng chéo, không bỏ sót, báo cáo Thủ tướng trong tháng 7/2025.
Đồng thời, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin và số hóa trong quản lý, xây dựng hệ thống thu thập, chia sẻ dữ liệu, thông tin thị trường dùng chung trong toàn lực lượng quản lý thị trường và kết nối với các cơ quan chức năng khác nhằm kịp thời nắm bắt, dự báo nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Tổ chức kiểm tra liên ngành, kiểm tra đột xuất theo khu vực và lĩnh vực trọng điểm. Ảnh: QLTT.
Kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của công chức do cấp mình quản lý để kịp thời đôn đốc nhiệm vụ được phân công, đảm bảo chất lượng và thời gian quy định; kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời, động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để tổ chức kiểm tra liên ngành, kiểm tra đột xuất theo khu vực và lĩnh vực trọng điểm; thường xuyên rà soát, kiểm tra trên khâu lưu thông, nhất là hàng hóa vận chuyển từ biên giới, cảng hàng không quốc tế vào nội địa; các điểm kinh doanh; các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cơ sở sản xuất, làng nghề.
Trọng tâm của kế hoạch là bám sát diễn biến thị trường, chủ động rà soát các mặt hàng có nguy cơ bị lợi dụng để đầu cơ, buôn lậu như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, xăng dầu, đường, thuốc lá, phân bón...
Đặc biệt, các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội sẽ bị kiểm tra, xử lý nghiêm minh.
Cục cũng chỉ đạo tăng cường số hóa quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông dữ liệu toàn hệ thống quản lý thị trường nhằm nâng cao hiệu quả dự báo và xử lý vi phạm.
Lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cũng sẽ trực tiếp kiểm tra, đôn đốc tại các địa bàn trọng điểm, thể hiện quyết tâm cao trong công tác chỉ đạo điều hành…