Phát động chiến dịch 'Nhận diện lừa đảo'

Ngày 17/7, Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền Thông phối hợp cùng Tập đoàn Meta phát động chiến dịch 'Nhận diện lừa đảo'.

Nạn lừa đảo trực tuyến ở thành vấn nạn

Nạn lừa đảo trực tuyến ở thành vấn nạn

Chiến dịch “Nhận diện lừa đảo” là một giải pháp do Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Tập đoàn Meta phối hợp để nhằm chia sẻ tới cộng đồng người dùng mạng xã hội các hình thức phòng tránh lừa đảo trực tuyến hữu ích. Chiến dịch được chính thức phát động lần đầu tiên và được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2024.

Chiến dịch truyền thông "Nhận diện lừa đảo" sẽ tập trung vào 6 trong số 24 hình thức lừa đảo trực tuyến đã được Cục An toàn thông tin xác định là điểm nóng tại Việt Nam: Lừa đảo đầu tư; Lừa đảo việc làm; Lừa đảo tài chính; Lừa đảo cho vay; Lừa đảo xổ số; Lừa đảo mạo danh.

Chiến dịch sẽ bao gồm một loạt các hình ảnh và video ngắn về cách nhận diện và xử lý lừa đảo trực tuyến được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội của Meta và kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia của Cục An toàn thông tin cũng như trên website Tư duy thời đại số của Meta.

Đặc biệt, chiến dịch cũng sẽ có sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng tại Việt Nam nhằm lan tỏa những bí kíp hay và dễ nhớ để ai cũng có thể học theo và bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ lừa đảo trên môi trường mạng.

Chiến dịch cũng được tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, một vấn đề nhức nhối cần sự chung tay giải quyết của nhiều bên từ các cơ quan chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật và tất cả các nền tảng mạng xã hội.

Giải pháp mà Chiến dịch đề ra để tuyên truyền đến người dân

Giải pháp mà Chiến dịch đề ra để tuyên truyền đến người dân

Ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin nhìn nhận: “Mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho các tội phạm mạng thực hiện hành vi lừa đảo, bởi chỉ cần một phút chủ quan, lơ là và thiếu kiến thức, người dân có thể sập bẫy bất cứ lúc nào. Với chiến dịch “Nhận diện lừa đảo”, chúng tôi đặt mục tiêu trang bị cho mọi công dân số khả năng tự định vị các bẫy lừa đảo, nâng cao kỹ năng tự bảo vệ mình trên không gian mạng”.

Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về lừa đảo trực tuyến là một trong những ưu tiên hàng đầu của Cục An toàn thông tin. Khi mỗi người dân, mỗi đối tượng yếu thế biết được cách nhận diện và cảnh giác hơn với các thủ đoạn lừa đảo, sẽ giúp cho các vụ lừa đảo trực tuyến được giảm thiểu phần nào trong thời gian tới.

Trước đó, Cục An toàn thông tin đã xây dựng và phát hành Cẩm nang về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến, Cẩm nang An toàn trực tuyến, giúp bảo vệ mọi đối tượng người dân trên không gian mạng.

Cục cũng phối hợp với các đơn vị thực hiện các chiến dịch tuyên truyền trên diện rộng, phối hợp với đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp lớn, các cơ quan báo chí truyền thông điểm tin tuần về tình hình lừa đảo trực tuyến nổi bật để kịp thời đưa ra cảnh báo, khuyến cáo kịp thời tới người dân.

Liên quan đến lừa đảo tài chính, theo thống kê, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng internet, tương đương 79,1% dân số. Đây vừa là cơ sở vững chắc để đẩy mạnh chuyển đổi số, nhưng đồng thời cũng là môi trường thuận lợi cho các đối tượng xấu thực hiện lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản với những chiêu thức ngày càng tinh vi hơn.

Theo Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và Dự án xã hội chống lừa đảo, có gần 16 tỉ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỉ USD toàn cầu, cho thấy Việt Nam là "vùng trũng" nhận thức thông tin và sử dụng mạng.

Thống kê từ Cổng cảnh báo an toàn thông tin cũng chỉ ra vào năm 2023, đã có gần 16.000 phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về tình trạng lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại ước tính 390 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP. Điều này cho thấy sự đảm bảo an toàn của người dùng Việt Nam trên môi trường mạng còn nhiều hạn chế.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/phat-dong-chien-dich-nhan-dien-lua-dao-153634.html