Phát động Phong trào 'Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số': Động lực chiến lược cho phát triển quốc gia

Nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đất nước, ngày 14/5/2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 923/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua 'Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số' (sau đây gọi tắt là Kế hoạch).

Kế hoạch được triển khai với mục tiêu khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển quốc gia, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân; đề cao tinh thần tự lực, tự cường, khai thác tối đa năng lực nội sinh. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là: “Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực và động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.

Kế hoạch cũng hướng đến mục tiêu phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu được nêu tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện phương thức quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất - kinh doanh, cũng như phương thức sống và làm việc của người dân trong thời đại số.

Theo đó, các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và doanh nghiệp sẽ tập trung thi đua thực hiện 7 nội dung trọng tâm sau:

1. Thi đua nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy phát triển

Tập trung tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của đổi mới tư duy, chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khuyến khích đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý và điều hành từ truyền thống sang mô hình số, dựa trên nền tảng dữ liệu số. Gắn kết hoạt động truyền thông với các nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

2. Thi đua phát triển hạ tầng phục vụ khoa học, công nghệ và chuyển đổi số

Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng số và công nghệ số bảo đảm nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí”. Ưu tiên triển khai các nền tảng hạ tầng mang tính chiến lược, làm nền tảng cho chuyển đổi số toàn diện trong mọi lĩnh vực.

3. Thi đua ứng dụng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong hệ thống chính trị

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ số, cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ số. Tăng cường năng lực quản lý trên môi trường số từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm kết nối thông suốt và vận hành hiệu quả hệ thống dữ liệu quốc gia. Nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia và hiệu lực quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực.

4. Thi đua phát triển kinh tế số, doanh nghiệp công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo

Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp khoa học công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực sản xuất, hiệu quả quản trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

5. Thi đua phát triển xã hội số

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Triển khai sâu rộng phong trào “bình dân học vụ số”, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn kỹ năng chuyển đổi số cho Nhân dân. Bảo đảm nguồn lực đồng bộ phục vụ tiến trình xây dựng xã hội số.

6. Thi đua bảo đảm quốc phòng, an ninh và an toàn không gian mạng

Tăng cường năng lực bảo vệ chủ quyền số quốc gia, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, phòng chống các nguy cơ từ không gian mạng trong quá trình chuyển đổi số toàn diện, bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia trong kỷ nguyên số.

7. Thi đua đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số

Chủ động mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, công nghệ bán dẫn, năng lượng nguyên tử… nhằm tranh thủ nguồn lực, tri thức và công nghệ từ các quốc gia phát triển để phục vụ công cuộc đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Lộ trình triển khai gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2025 - 2027): Các bộ, ngành, địa phương sẽ xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện phong trào trong Quý II năm 2025, xác định tiêu chí thi đua phù hợp. Triển khai phong trào một cách thiết thực, hiệu quả và tổ chức sơ kết vào năm 2027 nhằm rút kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 2 (2027 - 2030): Trên cơ sở kết quả giai đoạn 1, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, tham mưu Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp tục triển khai giai đoạn 2 và tiến hành tổng kết vào năm 2030.

Các bộ, ngành và địa phương căn cứ vào kế hoạch chung và đặc điểm, tình hình cụ thể để phát động phong trào thi đua với nội dung, tiêu chí, hình thức phù hợp, thiết thực. Mục tiêu là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nhằm hiện thực hóa thành công cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Ngoài ra, khuyến khích phát động phong trào thi đua hàng năm, lồng ghép với các phong trào thi đua chuyên đề khác của từng bộ, ngành, địa phương để tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng, góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh trên con đường trở thành quốc gia phát triển, tự chủ và thịnh vượng trong thời đại số.

NH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/phat-dong-phong-trao-ca-nuoc-thi-dua-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-dong-luc-chien-luoc-cho-phat-trien-quoc-gia-317892.html