Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và làm việc tại tỉnh Nghệ An
Hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), sáng 15/5, tại tỉnh Nghệ An, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác của Trung ương đến thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Sáu. (Ảnh: THỐNG NHẤT/TTXVN)
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Lê Minh Hưng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Lê Hoài Trung, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao; Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và lãnh đạo địa phương.
Nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Trung, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: Bám sát định hướng, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp trong tỉnh đã lãnh đạo hệ thống chính trị cùng với nhân dân đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Dự kiến có 19/21 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 (2 chỉ tiêu cần phải tiếp tục nỗ lực thực hiện là tăng trưởng GRDP và thu nhập bình quân đầu người). Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2024 đạt 7,89%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm chủ yếu.
Thực hiện Kết luận số 123-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Đề án bổ sung phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, bổ sung kịch bản tăng trưởng theo mục tiêu phấn đấu năm 2025, GRDP của tỉnh đạt 10,5%. Tỉnh giao cụ thể các chỉ tiêu, sản phẩm cho từng sở, ngành, địa phương để triển khai; thành lập 5 tổ công tác, trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc.
Kết quả bước đầu, quý I/2025, tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 8,0% (đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, thứ 5/14 địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và thứ 27 trong cả nước), cao hơn so cùng kỳ năm 2024 (6,38%), là mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong 5 năm gần đây.
Nghệ An là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính các cấp do người đứng đầu cấp ủy làm trưởng ban, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm được tập trung chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên bố trí nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ. Chủ động phối hợp triển khai các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn bảo đảm kế hoạch (dự án đường dây 500KV mạch 3, dự án đường bộ cao tốc bắc-nam...).
Tỉnh đã triển khai nghiêm túc, quyết liệt việc sáp nhập đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tỷ lệ tinh giản biên chế dự kiến đạt chỉ tiêu do Trung ương đề ra trong giai đoạn 2022-2026 (giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức)…
Về xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã kịp thời quán triệt và chỉ đạo triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh theo quy trình chặt chẽ, đồng thời, xử lý linh hoạt, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo được sự đồng thuận, thống nhất, hiệu quả cao.
Toàn tỉnh có 412 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp giảm 282 đơn vị, còn lại 130 đơn vị (gồm 11 phường, 119 xã, tỷ lệ giảm 68,45%). Tỉnh đã chỉ đạo kiện toàn các tổ chức bên trong, rà soát, xây dựng, ban hành kịp thời các quy chế, quy định, cơ chế phối hợp bảo đảm các hoạt động của hệ thống chính trị 2 cấp nhanh chóng đi vào hoạt động thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Tổng Bí thư Tô Lâm với gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Sáu. (Ảnh: THỐNG NHẤT/TTXVN)
Nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã chuyển biến rõ nét. Hạ tầng số tiếp tục được tập trung chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện. Dữ liệu số từng bước được hình thành, cơ bản hoàn thành một số cơ sở dữ liệu quan trọng, đặc biệt là dữ liệu kinh tế-xã hội, dữ liệu chuyên ngành và dữ liệu về dân cư.
Các doanh nghiệp và người dân đã quan tâm, ứng dụng chuyển đổi số như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt; mua bán trên các sàn thương mại điện tử; sử dụng các tiện ích số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh.
Cần đi một bước trong tư duy chiến lược và phương thức hành động
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, xứ Nghệ - vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, là điểm tựa tinh thần vững chắc, nguồn lực nội sinh quý báu nuôi dưỡng bản lĩnh, khí chất, khát vọng đi lên của đất và người xứ Nghệ.
Chúc mừng những thành tựu quan trọng, toàn diện mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An đã đạt được trong thời gian qua, Tổng Bí thư biểu dương một số kết quả nổi bật: Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) là điểm sáng, tỉnh đã vươn lên nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước. Sự xuất hiện của các tập đoàn công nghệ lớn như Luxshare, Goertek, Foxconn... đã tạo nền tảng mới để hình thành các chuỗi sản xuất công nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu.
Khu vực nông nghiệp đang chuyển mình mạnh mẽ với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có bước phát triển rõ nét. Tỉnh giữ vững vị trí dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Mô hình “sạch về ma túy”, với 27/27 xã biên giới “sạch về ma túy” góp phần giữ bình yên cho nhân dân…
Tổng Bí thư nhấn mạnh, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh cũng cần nhìn rõ những mặt còn tồn tại. Ngân sách tỉnh mới chỉ tự cân đối được 50%. Thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp, có khoảng cách lớn về phát triển và thu nhập giữa vùng đồng bằng, ven biển với miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Giảm nghèo chưa thực sự bền vững; tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn bình quân chung cả nước. Chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa có nhiều dự án lớn, có tính động lực, tạo đột phá cả về chuyển dịch cơ cấu và lan tỏa công nghệ. Doanh nghiệp quy mô nhỏ, đông nhưng chưa mạnh. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập.
Tổng Bí thư nêu rõ, với vị thế là tỉnh có diện tích lớn, dân số đông, vị trí chiến lược, kết nối giao thương thuận tiện và có Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị với cơ chế đặc thù, Nghệ An cần đi trước một bước trong tư duy chiến lược, mô hình phát triển và phương thức hành động. Những tiềm năng mà tỉnh có không tự nó trở thành sức mạnh. Chỉ có tư duy đột phá, hành động quyết liệt và khát vọng đủ lớn mới biến tiềm lực thành hiện thực, đưa Nghệ An thành cực tăng trưởng tầm quốc gia. Tỉnh cần hướng tới một mô hình tăng trưởng hiện đại hơn, lấy công nghệ và tri thức làm động lực, lấy đổi mới thể chế và quản trị làm đòn bẩy, lấy con người và văn hóa xứ Nghệ làm nền tảng.
Định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới, Tổng Bí thư đề nghị, Nghệ An cần lựa chọn cho mình một hướng đi bền vững, có chiều sâu. Trước tiên, phải bảo đảm môi trường ổn định, an ninh, an toàn, thuận lợi để phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Đảng phải giữ vai trò trung tâm trong tất cả các quyết sách. Giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh, quân khu và cả vùng; chú trọng giữ vững an ninh biên giới nhằm giữ đất, giữ rừng, giữ lòng dân, giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Tỉnh cần tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, triển khai mô hình chính quyền 2 cấp bảo đảm hiệu quả, thông suốt để phát huy tốt nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm chủ, địa phương chịu trách nhiệm". Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung cao độ, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025-2030, coi đây là dịp quan trọng để "thiết kế lại tư duy phát triển", kiến tạo tầm nhìn phát triển dài hạn, phù hợp với bối cảnh mới, yêu cầu mới và khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn nữa của tỉnh. Việc tổ chức đại hội phải bám sát tinh thần Chỉ thị số 45-CT/TW ngày14/4/2025 và những chỉ thị liên quan; đặc biệt chú trọng hai khâu cốt lõi là xây dựng văn kiện và chuẩn bị nhân sự.
Tổng Bí thư yêu cầu tỉnh phải đột phá về tư duy và thể chế phát triển, chuyển từ "phát triển theo chiều rộng" sang "tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo, hiệu quả và giá trị gia tăng cao" dựa trên khoa học, công nghệ và con người, bảo đảm hài hòa, bền vững giữa kinh tế, văn hóa-xã hội và môi trường. Chuyển đổi tư duy từ "quản lý" sang "kiến tạo-phục vụ". Xây dựng các "vùng động lực vệ tinh" ở khu vực miền núi, từng bước hình thành trung tâm cụm xã phát triển toàn diện. Chú trọng phát triển bao trùm, hỗ trợ sinh kế bền vững, giúp người dân chủ động vươn lên thoát nghèo.
Mô hình tăng trưởng của tỉnh phải có chiều sâu và năng lực thích ứng cao, dựa trên 4 trụ cột kinh tế chiến lược bao gồm kinh tế xanh-kinh tế số-kinh tế biển-kinh tế tri thức. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp sạch, đô thị sinh thái và kinh tế tuần hoàn, các ngành dịch vụ chất lượng cao. Nhanh chóng đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào cuộc sống; có cơ chế khuyến khích mạnh doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, hình thành các vùng sản xuất số trong nông nghiệp và công nghiệp.
Tổng Bí thư chỉ đạo, Nghệ An cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, cải cách một cách thực chất, mạnh dạn cắt bỏ những thủ tục rườm rà, nâng cao trách nhiệm công vụ, đưa công nghệ số vào mọi khâu quản trị để tạo dựng chính quyền hiện đại, hiệu quả. Chủ động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp tư nhân; thúc đẩy hình thành các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị vùng do doanh nghiệp tư nhân làm trung tâm; thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các tập đoàn lớn, các trường đại học, viện nghiên cứu để cùng nâng tầm năng lực cạnh tranh.
Nhấn mạnh chủ trương lấy con người làm trung tâm và động lực phát triển, Tổng Bí thư nêu rõ, Nghệ An là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nơi kết tinh truyền thống hiếu học, yêu nước, cách mạng và nhân văn sâu sắc, nên cần xác lập trụ cột phát triển văn hóa-con người như một "hệ sinh thái mềm" nền tảng, tạo nên bản sắc riêng và sức sống nội sinh cho toàn bộ tiến trình phát triển.
Tỉnh tập trung phát triển toàn diện, có chiều sâu giáo dục-đào tạo, từ giáo dục phổ thông chất lượng cao, đến giáo dục nghề nghiệp hiện đại, giáo dục đại học và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tổng Bí thư chỉ đạo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng khoa học, thực chất, gần dân, gắn lý luận với thực tiễn, gắn vai trò lãnh đạo của Đảng với năng lực kiến tạo chính sách và kiểm soát quyền lực. Xây dựng Đảng bộ vững mạnh và chính quyền liêm chính; công tác lãnh đạo phải lấy hiệu quả phát triển và sự hài lòng của nhân dân làm thước đo trung tâm, tránh hình thức, hành chính hóa hay xa rời thực tiễn. Đưa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành ý thức tự giác, là văn hóa chính trị của hệ thống.
Sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác của Trung ương đã đến thăm, tặng quà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Sáu, sinh năm 1923, có hai con là liệt sĩ, trú tại khối 13, phường Bến Thủy, thành phố Vinh.