Phật giáo có đường lối riêng – Phần 3
Những pháp môn tu học hiện giờ của Phật giáo được pha trộn rất nhiều giáo pháp của ngoại đạo như kinh Pháp Hoa dạy: 'Dù cho tạo tội hơn núi cả Diệu Pháp Liên Hoa tụng mấy hàng'
Những pháp môn tu học hiện giờ của Phật giáo được pha trộn rất nhiều giáo pháp của ngoại đạo như kinh Pháp Hoa dạy: “Dù cho tạo tội hơn núi cả Diệu Pháp Liên Hoa tụng mấy hàng”
PHÁP MÔN NGOẠI ĐẠO MANG NHÃN HIỆU PHẬT GIÁO
Những pháp môn tu học hiện giờ của Phật giáo được pha trộn rất nhiều giáo pháp của ngoại đạo như kinh Pháp Hoa dạy:
“Dù cho tạo tội hơn núi cả
Diệu Pháp Liên Hoa tụng mấy hàng”
Đó là kinh sách ngoại đạo lừa đảo phật tử thứ nhất. Kinh nói dối: “Dù cho tạo tội hơn núi cả, Diệu Pháp Liên Hoa tụng mấy hàng”. Làm gì có chuyện tạo tội ác làm khổ người mà tụng kinh hết tội bao giờ, chỉ có những người phật tử ngu ngốc mới tin những lời dạy như vậy. Trong khi đức Phật dạy: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi, Ta không cứu khổ các con được”. Thế mà ở đây chỉ có tụng kinh Pháp Hoa vài ba hàng là tội ác như núi sẽ tiêu tan.
Như vậy chúng ta tự hỏi, có một người trộm cắp, cướp của giết người, chỉ có về nhà ngồi tụng niệm vài ba câu kinh Pháp Hoa thì công an không bao giờ bắt vào tù chăng? Nếu công an không bắt giam những kẻ trộm cắp, cướp của giết người như vậy thì thế gian này sẽ ra sao?
Quý vị cứ suy ngẫm đi. Nếu Nhà nước không đặt ra pháp luật bắt giam cầm những kẻ làm ác, gây rối trật tự an ninh thì xã hội này ra sao? Nếu ai cũng tụng kinh Pháp Hoa rồi mặc tình đi làm ác, gây ra đau khổ cho muôn người mà không có pháp luật trừng trị thì đất nước đó là đất nước loạn, chớ không phải là một đất nước thanh bình.
Do trộm cắp, cướp của giết người mà có chư Phật, chư Bồ tát gia hộ thì còn ai dám bắt họ phải không quý vị?
Nếu có sự gia hộ như vậy thì ai cũng muốn đi ăn trộm, ăn cướp giết người để làm giàu sung sướng hơn, chớ đi ra làm kiếm từng đồng từng cắc quá vất vả. Tục ngữ dân gian có câu: “Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm”. Ba năm làm vất vả khổ sở vô cùng mới có được một số tiền như vậy, thế mà chỉ mới bằng người đi ăn trộm trong một đêm, thì thật là làm nghề ăn trộm sung sướng biết mấy. Phải không thưa quý vị?
Nếu ai cũng nghĩ như vậy thì thế gian này toàn là những người ăn trộm, thì xã hội này sẽ còn gì? Rồi đây con người hiền lương sống sẽ ra sao? Người ta cứ dựa vào kinh Pháp Hoa: “Dù cho tạo tội hơn núi cả, Diệu Pháp Liên Hoa tụng mấy hàng”. Kinh Đại thừa dạy câu này làm cho những người sống có đạo đức trong xã hội họ chẳng còn lòng tin vào những kinh sách này.
Chỉ cần cầu cúng tụng niệm kinh Pháp Hoa rồi đi ăn trộm, ăn cướp thì sẽ có chư Phật, chư vị Bồ tát của Đại thừa gia hộ, nên bao nhiêu tội ác giết người, cướp của như núi, như non sẽ đều bị diệt trừ, không còn một chút khổ ách nào đến với họ.
Cho nên kinh Pháp Hoa là một loại kinh dung túng những kẻ làm ác, quý vị có thấy không?
Kinh Vô Lượng Quang, kinh Di Đà, kinh Kim Cang Bát Nhã, kinh Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật, kinh Đại Bát Nhã, kinh Thập Vương, kinh Pháp Bảo Đàn, kinh Đại Bảo Tích, kinh Hồng Danh, kinh Vu Lan Bồn, v.v.. tất cả những kinh sách trên đây là những kinh sách tưởng do các vị tổ sư Trung Quốc ngồi trong mát ăn bát vàng viết ra để moi tiền phật tử.
Nhất là những phật tử bị lừa đảo thì tốn công sức và tiền của rất nhiều trong việc tụng niệm, cầu cúng và bỏ tiền ra in những loại kinh sách này bày bán khắp nơi. Trong các chùa Đại thừa và Thiền viện đều có cửa hàng buôn bán những loại kinh sách này.
Những loại kinh sách này hiện giờ được in ra và phổ biến rất nhiều, khắp mọi nơi, nhất là kinh đã dịch ra tiếng Việt, còn kinh chữ Hán thì chỉ có trong các chùa cổ xưa. Nếu chùa nào không có những bộ kinh sách này bằng chữ Hán thì được xem là chùa mới cất sau này.
Đem những kinh sách này áp dụng vào sự tu tập thì bị ức chế tâm, rơi vào các trạng thái tưởng, còn không tu tập những pháp này thì lại tụng kinh, niệm chú, cầu tha lực chư Phật, chư Bồ tát, nên rơi vào mê tín, lạc hậu, mù quáng. Kinh sách tai hại như vậy xin quý phật tử lưu ý.
Do lòng ham tu cầu giải thoát, nhưng tu không đúng lời dạy của đức Phật nên quý vị phải gánh chịu những hậu quả của nó. Bởi nhân nào quả nấy, cho nên trước khi tu theo Phật giáo, quý vị nên chọn một vị Thầy đã tu hành làm chủ sinh, già, bệnh, chết, rồi luôn luôn thân cận bên người thưa hỏi cho kỹ lưỡng những pháp tu hành, rồi sau mới tu tập, chớ đừng vội nghe đâu tu đó thì rất nguy hiểm.
Kinh sách Đại thừa và Thiền tông là kinh sách mang nhãn hiệu Phật giáo mà tư tưởng là của người Trung Quốc. Vậy quý vị cần nên cảnh giác, những kinh sách này sẽ không giúp quý vị đạt được cứu cánh Niết bàn. Bởi nó toàn là những kinh sách tư tưởng Khổng giáo và Lão giáo của người Trung Quốc.
Như quý vị đều biết, phần nhiều kinh sách này là do kiến tưởng giải của các tổ sư Trung Quốc viết ra. Các tổ sư Trung Quốc là những người không có kinh nghiệm tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết, nên sản sinh ra các loại pháp môn thiền BIẾT VỌNG LIỀN BUÔNG, CHẲNG NIỆM THIỆN NIỆM ÁC BẢN LAI DIỆN MỤC HIỆN TIỀN và KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT, còn kinh Kim Cang Đại thừa dạy: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”.
Đó toàn là những pháp môn ức chế ý thức, khiến cho ý thức không còn khởi niệm. Trong khi đức Phật dạy: “Ý dẫn đầu các pháp”. Vậy kinh sách Đại thừa và Thiền tông dạy diệt ý thức thì còn ý thức ở đâu mà dẫn các pháp. Như vậy kinh sách của các tổ sư Trung Quốc và những lời Phật dạy trong kinh sách nguyên thủy thì rõ ràng là hai đường lối tu tập khác nhau, mà còn trái ngược nhau một trời một vực.
Do sự sai khác của những loại kinh sách này, nên người đời thường gọi chúng là kinh sách phát triển. Khi nói đến kinh sách phát triển là người ta biết ngay kinh này do người sau biên soạn rồi gán danh Phật thuyết để dễ bề lừa đảo những người khác.
Khi chúng ta bắt đầu đọc những kinh này, thì câu rao hàng đầu tiên như sau để đánh lạc hướng mọi người lầm tưởng kinh sách này là Phật thuyết.
Đó là một lý do các tổ sư Trung Quốc sợ người ta phát giác những kinh giả hiệu nên mới dung những câu này để lường gạt những người dễ tin, chớ làm sao gạt những người tu chứng được:
“Như thị ngã văn, nhất thời phật xá vệ quốc, kỳ thọ cấp cô độc viên dữ kỳ đà…”. Xét tận cùng, chúng ta thấy rất rõ những kinh sách này không nằm trong BÁT CHÁNH ĐẠO. Và như vậy nó là giáo pháp của ngoại đạo dán nhãn hiệu ĐẠO PHẬT để đánh lừa phật tử, xin quý phật tử hãy lưu ý để tránh những tà pháp này.
Đạo Phật có những pháp môn riêng biệt độc lập một mình, không giống bất cứ một pháp môn nào của ngoại đạo, nên ngoại đạo muốn lồng pháp môn của mình vào giáo pháp của đạo Phật rất khó, vì người nào tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết được thì họ đều phát hiện ra những pháp môn của ngoại đạo.
Như hiện giờ chúng tôi đang vạch trần, lật tẩy sự giả dối của kinh sách Đại thừa và Thiền tông Trung Quốc mạo nhận là của Phật giáo, làm cho mọi người phát hiện sự mạo nhận Phật giáo một cách dễ dàng. Chúng tôi đem ví dụ để quý vị dễ hiểu: Một đàn bò đang ăn cỏ trên một cánh đồng thì ai cũng thấy toàn là bò, nhưng trong đàn bò lại có hai con dê, như vậy quý vị có nhận ra hai con dê không?
Bò khác dê thì làm sao dê giống bò được phải không quý vị?
Cho nên những con dê dễ bị phát hiện giữa bầy bò mà ai thấy biết cũng dễ dàng.
Kinh sách Đại thừa và kinh sách Thiền tông cũng vậy, nhìn vào là người ta nhận ngay ra liền. Đâu là kinh sách Bát Chánh Đạo của Phật giáo và đâu là kinh sách Đại thừa và Thiền tông của các tổ sư Trung Quốc. Cho nên hai loại kinh sách này không thể lường gạt ai được. Vì giáo pháp của Phật giáo có tiêu chuẩn cụ thể rõ ràng là BÁT CHÁNH ĐẠO, còn kinh sách của các tổ thì không có.
Cho nên chúng ta cứ dựa vào BÁT CHÁNH ĐẠO thì giáo pháp nào của ngoại đạo cũng lộ tẩy mặt thật của nó ra.
Bốn Thiền của ngoại đạo và Bốn Thiền của đạo Phật khác xa nhau từ cách tu tập đến cách nhập định. Muốn nhập Bốn Thiền của đạo Phật thì phải tu tập các pháp: Giới Luật, Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ. Sau khi tu tập xong Tứ Niệm Xứ thì mới nhập được Bốn Thiền để nhập các định thì ngoại đạo không có, cho đến cách nhập bốn định này thì ngoại đạo cũng không có.
Tuy tên Bốn Thiền có giống nhau nhưng cách thức tu tập thì không giống nhau. Vì chỗ này người ta dễ lầm lạc Tứ Thiền của Phật và Tứ Thiền của ngoại đạo là một.
Hiểu như vậy là hiểu sai, hiểu không đúng, vì Tứ Thiền của Phật giáo bắt đầu tu tập bằng cách ly dục ly bất thiện pháp trong pháp môn TỨ CHÁNH CẦN, ngoại đạo không có pháp môn này. Sau khi Tứ Chánh Cần tu tập xong thì tâm quý vị sẽ BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC và VÔ SỰ.
Khi tâm được ở trong trạng thái này thì quí vị sẽ tu tập TỨ NIỆM XỨ. Sau khi tu tập Tứ Niệm Xứ bảy ngày đêm chuyên ròng tâm BẤT ĐỘNG thì lúc bấy giờ TỨ THẦN TÚC xuất hiện nơi thân tâm của quý vị. Nhờ có Tứ Thần Túc quý vị mới nhập được TỨ THÁNH ĐỊNH, nếu không có Tứ Thần Túc thì Tứ Thánh Định chỉ đứng ngoài cửa chớ không thể nếm được mùi vị thiền định của Phật giáo.
Phần này ngoại đạo không bao giờ biết, vì thế chúng cứ ức chế ý thức để không còn niệm khởi là thành tựu. Thành tựu như kinh sách Đại thừa và Thiền tông “VÔ PHÂN BIỆT”. Những người tu theo pháp môn này chỉ trở thành những người loạn thần kinh, không mặc quần áo đi ngoài đường phố nơi đông người thì quý vị nghĩ sao về những người này? Họ có phải là những người loạn thần kinh không?
Phần này chúng tôi sẽ giải rõ để giúp cho quý vị hiểu biết một cách tường tận Tứ Thánh Định của Phật giáo và Tứ Thánh Định của ngoại đạo.
Tác giả: Trưởng lão Thích Thông Lạc
Trích sách:Phật giáo có đường lối riêng – Nhà xuất bản Tôn giáo
PDF PRINT
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phat-giao-co-duong-loi-rieng-phan-3.html