Phát hành cổ phiếu riêng lẻ tại Công ty Cảng Phước An: Cổ đông nhà nước mất quyền chi phối

Cảng Phước An từng bước chuyển từ sở hữu nhà nước sang tư nhân thông qua các đợt phát hành riêng lẻ dẫn tới nhà nước mất quyền chi phối trước khi cảng chính thức hoạt động.

Phối cảnh Cảng Phước An sẽ được xây dựng trên sông Lòng Tàu.

Phối cảnh Cảng Phước An sẽ được xây dựng trên sông Lòng Tàu.

Petrovietnam từng bước mất quyền chi phối tại Cảng Phước An

CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã PAP) được thành lập để thực hiện việc đầu tư khai thác cảng tổng hợp Phước An. Trong đó, cổ đông sáng lập ban đầu gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) sở hữu 79,54%; Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp sở hữu 17,05%; và các cổ đông khác sở hữu 3,41% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu hoạt động từ ngày 14/8/2008, nhưng bắt đầu từ năm 2016, Cảng Phước An liên tục phát hành riêng lẻ để pha loãng sở hữu nhà nước: Năm 2016, phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn để tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng; năm 2017, tiếp tục phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng; năm 2021, phát hành 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 1.100 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng; năm 2022, Công ty chào bán riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 23/6/2023), Cảng Phước An tiếp tục trình cổ đông kế hoạch chào bán 38 triệu cổ phiếu riêng lẻ, giá tối thiểu 10.000 đồng/cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 2.380 tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý, nếu phát hành thành công, dù vẫn sở hữu 35 triệu cổ phiếu, nhưng tỷ lệ sở hữu của Petrovietnam sẽ giảm từ 17,5% về còn 14,71% vốn điều lệ của Công ty Cảng An Phước.

Nếu nhìn vào lịch sử trước các đợt chào bán riêng lẻ, năm 2015, cổ đông nhà nước - Petrovietnam sở hữu 79,54% vốn điều lệ tại Cảng Phước An và ghi nhận khoản đầu tư vào công ty con khi sở hữu 35 triệu cổ phiếu Cảng Phước An.

Tuy nhiên, trải qua bốn lần tăng vốn và chuẩn bị tiếp tục tăng vốn lần năm để nâng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 2.380 tỷ đồng, số lượng cổ phiếu của Petrovietnam sở hữu tại Cảng Phước An vẫn không đổi (35 triệu cổ phiếu), nhưng tỷ lệ sở hữu đã giảm tới 64,83% vốn điều lệ của Công ty Cảng An Phước.

Trong đó, đỉnh điểm lần tăng vốn năm 2016, Công ty phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn, đơn này trở thành công ty mẹ của Cảng Phước An thay cho Petrovietnam.

Vậy là, từ khi thành lập năm 2008 tới nay, cổ đông nhà nước không bán vốn, nhưng do trải qua các đợt phát hành riêng lẻ liên tục, tỷ lệ sở hữu nhà nước đã giảm từ việc chi phối trên 51% xuống còn 14,71%, quyền chi phối Công ty đã chuyển sang nhóm cổ đông tư nhân.

Cảng Phước An về tay Tuấn Lộc

Cảng Phước An nằm bên sông Thị Vải, có vị trí thuận lợi, với chiều dài tuyến luồng vào cảng khoảng 40 km, độ sâu trung bình 15 m, có thể đảm bảo cho tàu trọng tải đến 80.000 tấn lưu thông an toàn. Cảng là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Cảng có tổng diện tích 183 ha, tổng chiều dài bến 3.050 m. Với 6 bến container đáp ứng tàu 60.000 DWT và 4 bến tổng hợp đáp ứng tàu 60.000 DWT. Công suất cảng 2,5 triệu TEU/năm; 6,5 triệu tấn/năm. Khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An với tổng diện tích lên đến 555,24 ha, được đánh giá là một lợi thế rất lớn so với các cảng khác trong khu vực, trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất của cả nước.

Lợi thế của khu dịch vụ cảng từ hệ thống giao thông thuận tiện nối kết với Quốc lộ 51 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu. Cảng còn kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt quốc gia Bắc - Nam.

Tuy nhiên, trong đợt tăng vốn năm 2016 từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng, Cảng Phước An đã có thay đổi khi Công ty TNHH MTV Hoành Sơn trở thành cổ đông lớn nhất. Ngay sau đó, ông Phạm Hoành Sơn cũng đã được bầu vào vị trí Chủ tịch Cảng Phước An, chính thức điều hành Công ty.

Dưới sự lãnh đạo của ông Phạm Hoành Sơn, Cảng Phước An liên tục tiếp tục phát hành riêng lẻ để pha loãng sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, bất ngờ xuất hiện khi tháng 2/2019, Tập đoàn Hoành Sơn đã chuyển nhượng Cảng Phước An cho CTCP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc của ông Trần Tuấn Lộc thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty TNHH MTV Hoành Sơn cho Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A. Và đến tháng 11/2021, ông Phạm Hoành Sơn đã rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Cảng Phước An.

Sau khi ông Phạm Hoành Sơn và Tập đoàn Hoành Sơn rút lui khỏi Cảng Phước An để nhường chỗ cho Tuấn Lộc, Cảng Phước An đã bầu ông Nguyễn Thành Đạt trở thành Chủ tịch HĐQT từ ngày 25/11/2021.

Được biết, ông Nguyễn Thành Đạt sinh năm 1987, ông là nhân sự quan trọng của liên quan của CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc. Ngoài ra, hiện tại ông Nguyễn Thành Đạt đang là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư Phước Bình và Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A.

Điểm đáng lưu ý, trong tháng 6/2022, Cảng Phước An đã lựa chọn Tuấn Lộc cho việc thi công hạng mục xây dựng các hợp đồng với giá trị khoảng 6.813 tỷ đồng.

Ngoài việc là nhà thầu thi công các dự án của Cảng Phước An trị giá 6.813 tỷ đồng, Tuấn Lộc còn được Đồng Nai chấp thuận là nhà đầu tư dự án BOT đường 319 - Cảng Phước An dài 5,8 km với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, Tuấn Lộc cùng Công ty Hạ tầng Hải An lập ra công ty dự án là BOT Phước An với vốn điều lệ 208,5 tỷ đồng.

Được biết, để vào cảng Phước An, chỉ có duy nhất một tuyến đường chính được xây dựng theo hình thức BOT do Sở Giao thông - Vận tải Đồng Nai phê duyệt tiến độ từ năm 2021 - 2023.

Theo chia sẻ của Công ty, một phần của tuyến đường từ đường 319 đến nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được UBND Đồng Nai đầu tư bằng ngân sách, phần còn lại đang trong quá trình sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT.

Chính vì tuyến đường tới cảng Phước An chưa kết nối, đang xây dựng, nên tiến độ khai thác cảng Phước An phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng tuyến đường kết nối theo hình thức BOT. Hiện tại, Cảng Phước An lên kế hoạch điều chỉnh kế hoạch triển khai dự án cho phù hợp với tiến độ đầu tư tuyến đường vào cảng Phước An theo hình thức BOT để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả đầu tư của cả hai dự án cũng như đảm bảo sự kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/phat-hanh-co-phieu-rieng-le-tai-cong-ty-cang-phuoc-an-co-dong-nha-nuoc-mat-quyen-chi-phoi-d192144.html