Phát hành trái phiếu riêng lẻ: Nợ phải trả không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu
Một điểm mới quan trọng trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp là quy định về hệ số nợ trong phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty chưa đại chúng. Cụ thể, mức nợ phải trả không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu.
Ngày 20/5, tại phiên thảo luận của Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thẳng thắn nhìn nhận về các nội dung mới. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc luật hóa khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi, tăng cường giám sát trái phiếu doanh nghiệp, mở rộng quyền góp vốn của viên chức...
Ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp để trục lợi
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp đã được trình Quốc hội, với nhiều nội dung mới nhằm tăng cường minh bạch sở hữu doanh nghiệp, phòng ngừa rủi ro tài chính, thúc đẩy khoa học công nghệ và phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Một trong những nội dung mới nhận được nhiều sự quan tâm là quy định về chủ sở hữu hưởng lợi.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi” đã được đưa vào dự thảo Luật theo hướng khái quát và phù hợp với Luật Phòng, chống rửa tiền cũng như các khuyến nghị của Nhóm đặc nhiệm tài chính (FATF). Việc luật hóa nhằm nâng cao tính minh bạch trong sở hữu doanh nghiệp, ngăn ngừa rửa tiền và trục lợi chính sách.
Thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi sẽ được lưu giữ tối thiểu 5 năm, đảm bảo phù hợp với yêu cầu quốc tế. Trên thực tế, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp hiện nay đã lưu trữ lâu hơn thời hạn này, nên việc thực hiện sẽ không gây khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng
“Việc bổ sung quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp để trục lợi chính sách – như lợi dụng ưu đãi thuế rồi nhanh chóng giải thể. Khi dữ liệu dân cư và định danh cá nhân được kết nối, chúng ta sẽ kiểm soát hiệu quả hơn, đảm bảo công bằng và minh bạch trong hỗ trợ doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Về nội dung viên chức được phép góp vốn, tham gia điều hành doanh nghiệp, ông Thắng cho biết dự thảo Luật đề xuất sửa đổi Điều 17 để thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 193 của Quốc hội. Theo đó, viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép tham gia góp vốn, quản lý doanh nghiệp do đơn vị mình thành lập nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Nội dung này được thiết kế để bổ sung phần còn lại chưa được điều chỉnh trong Luật Khoa học và Công nghệ. Riêng đề xuất mở rộng cho viên chức tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm, bởi hiện chỉ đang được thí điểm trong khuôn khổ Luật Thủ đô.
Giới hạn nợ 5 lần vốn chủ sở hữu trong phát hành trái phiếu riêng lẻ
Một điểm mới quan trọng trong Dự thảo là quy định về hệ số nợ trong phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty chưa đại chúng. Cụ thể, mức nợ phải trả không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu.
Lý giải về nội dung này, ông Thắng cho biết: “Trước đây, luật không quy định về giới hạn nợ, dẫn đến một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu với quy mô lớn vượt khả năng trả nợ, gây rủi ro hệ thống và ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Với quy định mới, chúng ta vừa tạo đòn bẩy tài chính hợp lý, vừa kiểm soát rủi ro cho thị trường”.
Quy định này được đánh giá là phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, khi thông tin doanh nghiệp chưa thật sự minh bạch và các công cụ giám sát còn hạn chế.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định giao UBND cấp tỉnh trách nhiệm tổ chức giám sát doanh nghiệp tại địa phương. Đây là bước cụ thể hóa chức năng quản lý nhà nước theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đồng thời thực hiện chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng hiệu quả kiểm tra, giám sát. Bộ Tài chính sẽ xây dựng nghị định hướng dẫn để phân định rõ vai trò, tránh chồng chéo và sẽ tổ chức lấy ý kiến từ các địa phương trong quá trình hoàn thiện.
Trước đề xuất đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, năm 2020, Quốc hội đã từng biểu quyết không mở rộng phạm vi luật cho hộ kinh doanh. Tuy nhiên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68, trong đó yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý cho kinh tế cá thể. Do đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để trình đề xuất ban hành Luật Hộ kinh doanh riêng.
Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, việc khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp là rất quan trọng. Nhiều chính sách đã được triển khai như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ thuế đất, đơn giản hóa thủ tục kế toán lao động kê khai thuế... Đồng thời, sẽ siết chặt quản lý hộ kinh doanh bằng cách bỏ thuế khoán, yêu cầu kê khai doanh thu thực tế, phát hành hóa đơn điện tử từ máy tính tiền.
Hiện, Bộ Tài chính đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng nghị định hướng dẫn chi tiết, để ngay khi Luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, các nội dung mới đặc biệt là liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi có thể triển khai đồng bộ, không để gián đoạn thực thi. “Chúng tôi cam kết phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương trong quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Luật, nhằm đảm bảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, minh bạch và hiệu quả của nền kinh tế”, đại diện Bộ Tài chính khẳng định.