Phát hiện 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa chất cấm bán trên sàn TMĐT
Ngày 3/5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát đi cảnh báo về việc phát hiện hai sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, gồm Dáng Xuân Phục Linh Gold và Best Slim Collagen có chứa chất cấm sibutramine. Các sản phẩm này đang được quảng cáo và kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), website và mạng xã hội.
Theo kết quả phân tích của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, cả hai sản phẩm Dáng Xuân Phục Linh Gold và Best Slim Collagen đều chứa sibutramine, chất bị cấm sử dụng trong thực phẩm, do tiềm ẩn nguy cơ gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Hai sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe gồm Dáng Xuân Phục Linh Gold và Best Slim Collagen có chứa chất cấm sibutramine. Ảnh: BYT
Đáng chú ý, sản phẩm Dáng Xuân Phục Linh Gold chưa từng được công bố hợp pháp. Số giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố ghi trên bao bì là không đúng.
Trong khi đó, sản phẩm Best Slim Collagen do Công ty TNHH Thiết bị Y tế Hoa Anh Đào đứng tên công bố và đã được cấp giấy tiếp nhận từ năm 2019. Tuy nhiên, doanh nghiệp này khẳng định không nhập khẩu lô hàng mang mã Lot #29L367-01/2027 hiện đang lưu hành trên thị trường.
Ngay từ ngày 29/4, Cục An toàn thực phẩm đã đăng tải thông tin cảnh báo về hai sản phẩm nói trên trên website chính thức, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng tại 63 tỉnh, thành trên cả nước tiến hành giám sát, kiểm tra và thu hồi toàn bộ sản phẩm Dáng Xuân Phục Linh Gold và Best Slim Collagen.
Cùng với đó, Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan gồm: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cùng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đề nghị phối hợp rà soát, xử lý các sản phẩm vi phạm đang được kinh doanh và quảng cáo trên môi trường mạng.
Cụ thể, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tháo gỡ nội dung quảng cáo các sản phẩm vi phạm trên các sàn giao dịch TMĐT và ứng dụng TMĐT; đồng thời tăng cường kiểm soát, không để các sản phẩm giả, hàng bị thu hồi tiếp tục lưu hành trên các nền tảng này.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) gỡ bỏ nội dung quảng cáo vi phạm trên các website, đồng thời phối hợp với các nền tảng như Facebook, YouTube xem xét, tháo gỡ và chặn quảng cáo sản phẩm vi phạm.
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tăng cường quản lý thị trường, kiểm tra việc lưu hành các sản phẩm vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định pháp luật.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương xử lý và báo cáo kết quả để tổng hợp, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.