Phát hiện 58 loài động vật quý hiếm tại Vườn Quốc gia Vũ Quang qua bẫy ảnh
Thông qua hệ thống bẫy ảnh, Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã ghi nhận 58 loài động vật quý hiếm, trong đó có 5 loài đặc biệt nguy cấp, đặc hữu của dãy Trường Sơn.
Video: Phát hiện voi châu Á và mang thường qua hệ thống bẫy ảnh.
Ông Nguyễn Việt Hùng - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Vườn Quốc gia Vũ Quang) cho biết, thông qua 85 điểm đặt bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học tại vườn đã ghi nhận được 58 loài động vật hoang dã, quý hiếm. Trong đó, có 5 loài đặc biệt nguy cấp, đặc hữu của dãy Trường Sơn, gồm: mang lớn, thỏ vằn Trường Sơn, mang Trường Sơn, cầy vằn bắc và cầy gấm. (Trong ảnh: mang được phát hiện thông qua hệ thống bẫy ảnh, đây là loài nguy cấp quý hiếm chỉ đứng sau sao la).
Các loài được ghi nhận lần này gồm: mang lớn, mang Trường Sơn, sơn dương, nai, thỏ vằn Trường Sơn, tê tê, cheo cheo nam dương, nhím bờm, nhím đuôi dài, cầy vòi hương, chồn móc cua, chồn bạc má, cầy vòi mốc, cầy gấm, chồn họng vàng, triết bụng vàng, triết chỉ lưng, dúi, cầy vằn bắc, mèo rừng, sóc, lửng lợn, lợn rừng... (Trong ảnh: cá thể mang Trường Sơn).
Cầy gấm - một trong 5 loài đặc hữu của dãy Trường Sơn được ghi nhận lần này.
Thỏ vằn Trường Sơn là loài đặc hữu, chỉ có ở vùng dãy Trường Sơn, khu vực biên giới Việt - Lào.
Cầy vằn bắc là loài thường sống trong các khu rừng và thung lũng có cây gỗ ở ven sông thuộc miền Bắc Việt Nam, bắc Lào và Hoa Nam. Đây là loài có kích thước trung bình, dài khoảng 57 cm, đuôi dài 43 cm. Việc phát hiện cầy vằn bắc tại Vườn Quốc gia Vũ Quang có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học.
Một cá thể nai được ghi nhận qua hệ thống bẫy ảnh tại Vườn Quốc gia Vũ Quang.
Các điểm bẫy ảnh được cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang tiến hành lắp đặt từ tháng 11/2022. Đây là hoạt động nằm trong hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học” (VBFC) do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp với vườn triển khai thực hiện. (Trong ảnh: cá thể mèo rừng ghi nhận được từ hệ thống bẫy ảnh).
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, các điểm bẫy ảnh được lắp đặt dựa trên ô lưới bản đồ toàn bộ lâm phận do đơn vị quản lý, khoảng cách mỗi điểm là 2,5km. (Trong ảnh: cá thể gà lôi trắng).
Kết quả hình ảnh thu được lần này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Vũ Quang. (Trong ảnh: cá thể sơn dương).
Cá thể lửng lợn.
Voi châu Á.
Nhím bờm.
Cheo cheo nam dương.
Những nỗ lực của cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Vũ Quang trong công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã đã làm dày thêm hệ sinh thái động thực vật ở một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam. (Trong ảnh: cá thể mang thường).
Vườn Quốc gia Vũ Quang được biết đến là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam với nhiều loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo tồn, nằm trong một vùng sinh thái có mức độ quan tâm toàn cầu, có vai trò cực kỳ quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, an ninh môi trường cho vùng trung Trường Sơn và cả khu vực ASEAN.
Với tính đa dạng sinh học, tháng 10/2019, tại Hội nghị các Vườn di sản ASEAN (AHP) lần 6 diễn ra tại thành phố Pakse, tỉnh Champasak (CHDCND Lào), Vườn Quốc gia Vũ Quang chính thức được AHP, Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) tuyên bố và trao danh hiệu “Vườn di sản ASEAN”; tháng 7/2022, được Bộ TN&MT trao giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021...