Phát hiện các cổ vật, dấu tích của dòng họ Tô Đình, làng Trinh Hưởng ở chùa cổ La Vân

Việc tìm thấy những di vật, dấu tích của dòng họ Tô Đình tại ngôi chùa cổ La Vân đã góp phần làm sáng tỏ một số khía cạnh về vai trò đóng góp, ảnh hưởng của dòng họ Tô Đình trong đời sống làng Trinh Hưởng xưa.

Làng Trinh Hưởng, xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng có lịch sử hình thành gắn liền với các di tích chùa La Vân, đền Trinh Hưởng có niên đại trên 1000 năm. Đáng chú ý, trong thời kỳ kháng chiến, nằm trong phòng tuyến pháo cao xạ, làng Trinh Hưởng trở thành mục tiêu bắn phá ác liệt. Nhiều công trình tôn giáo, thư tịch cổ bị phá hủy, thất lạc.

Dòng họ Tô Đình làng Trinh Hưởng đã từng có gia phả và sắc phong thời Nguyễn song đã bị thất truyền. Trong đợt khảo sát gần đây tại làng Trinh Hưởng, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một số dấu tích của dòng họ Tô Đình trên chuông đồng, bia ký tại ngôi chùa cổ La Vân.

Phát hiện này đã góp phần làm rõ một số phương diện đời sống văn hóa làng xã và dòng họ tại ngôi làng Trinh Hưởng xưa.

Những khảo sát nêu trong bài viết là một trong những hoạt động của Dự án nghiên cứu “Kiến trúc nhà thờ họ và không gian thờ cúng của các dòng họ ở Việt Nam” do CTCP Viện Phong thủy Khoa học Toàn Cầu thuộc Tập đoàn Xherozone, Hệ sinh thái Phong thủy Đại Nam triển khai.

Từ khóa: Chuông, Bia kí, Đền Trinh Hưởng, Chùa La Vân, Dòng họ Tô Đình.

Di tích cấp Quốc gia – Đền Trinh Hưởng

Di tích cấp Quốc gia – Đền Trinh Hưởng

Ngôi làng Trinh Hưởng với các di tích ngàn năm tuổi

Nằm ở phía Bắc thành phố Hải Phòng, làng Trinh Hưởng là một trong ba làng thuộc xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng[1]. Theo sử sách ghi lại, làng Trinh Hưởng hình thành vào thế kỷ X. Trước năm 1945, là xã Trinh Hưởng thuộc tổng Trịnh Xá, phủ Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An[2]. Đáng chú ý, lịch sử hình thành làng Trinh Hưởng gắn liền với sự ra đời của các di tích có hơn 1000 năm tuổi, đó là ngôi chùa cổ La Vân và ngôi đền Trinh Hưởng thờ ba vị Thành Hoàng họ Đào có công đánh giặc Tống dưới thời vua Lê Đại Hành.

Đền Trinh Hưởng là một ngôi đền cổ trên 1000 năm tuổi. Thần phả hiện còn lưu giữ tại đền do cụ Hàn lâm Đại học sĩ Hồng Lĩnh Thiếu Khanh Nguyễn Bính phụng soạn vào triều đại Vĩnh Hựu năm thứ 3 (Vua Lê Anh Tông niên hiệu Hồng Phúc 1572). Trong đó, cho biết thân thế, sự nghiệp của 3 vị tướng họ Đào là Đào Tế, Đào Lại, Đào Độ là anh em sinh ba, sinh ngày 17 tháng 02 năm Bính Ngọ (năm 956) tại Trang Lọc, huyện Thủy Đường, trấn Hải Dương, phủ Kinh Môn nay là làng Trinh Hưởng. Ba vị tướng được dân làng tôn thờ là Thành Hoàng do đã có công dẹp giặc Tống thời Tiền Lê. Về sau, các triều đình phong kiến sắc phong ban cho mỹ tự cho các ngài: Vị thứ nhất: Hộ Quốc, Anh uy, Đại Vương; Vị thứ hai: Quảng Hộ, khai Quốc, Đại Vương; Vị thứ ba: Tộ Quốc, Anh Triết, Đại Vương. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, ngôi đền Trinh Hưởng được Nhà nước chính thức công nhận là Di sản Cấp Quốc gia, năm 1992.

Liên quan đến ngôi chùa cổ La Vân có trên 1000 năm tuổi, trong thần phả có một chi tiết đáng chú ý như sau: Tại trang Trinh Hưởng, có gia đình ông Đào Chu, bà là Trần Thị Ngọc, hai vợ chồng sống rất nhân đức nhưng tuổi cao mà chưa có con nối dõi. Biết trong trang có ngôi chùa La Vân linh thiêng nên hai ông bà đến làm lễ cầu tự. Sau ba ngày, hai ông bà mơ thấy tiên ông hiện lên đọc cho bài thơ có nội dung như sau:

"Họ Đào trời tặng ngọc tê

Danh thơm tiếng để ngàn thu vẫn còn

Năm Bính Ngọ ra đời quý tử

Thành tướng quân, hiển Thánh dân thờ."[3]

Như vậy, ba vị Thành Hoàng họ Đào thờ tại ngôi đền Trinh Hưởng chính là con của ông Đào Chu và bà Trần Thị Ngọc được cầu tự tại ngôi chùa La Vân. Hiện nay, chùa La Vân nằm trong quần thể di tích đền Trinh Hưởng, ngôi đền được công nhận là Di tích cấp Quốc gia. Tuy nhiên, về lịch sử hình thành, có thể chùa La Vân ra đời trước ngôi đền Trinh Hưởng. Theo lời kể của các cụ già trong làng, làng Trinh Hưởng xưa có lệ, trước khi hội làng được tổ chức, đại diện chức dịch phải mang lễ dâng hương tại chùa La Vân để tưởng nhớ việc cầu tự sinh ra ba vị Thành hoàng.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, chùa La Vân xuống cấp nghiêm trọng. Trong nhiều năm qua, chùa do họ Hoàng thôn Trinh Hưởng trông nom, đến nay đã trải qua 07 thế hệ. Hiện nay, chùa đang lưu giữ một số di vật, cổ vật như bia đá, tượng pháp, tháp mộ… Trong đó, đáng chú ý là chuông đồng có niên đại 1898 do ngài Chánh tổng Tô Đình Thuân (Thoan), người làng hưng công cung tiến cho chùa (sẽ được trình bày trong phần viết sau).

Ngoài yếu tố Phật, Thánh hòa quyện vào nhau mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, chùa La Văn trước đây còn là địa điểm hoạt động cách mạng. Với niên đại trên 1000 năm tuổi, cả ngôi chùa La Vân và ngôi đền Trinh Hưởng từ lâu đã gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.

Chuông cổ chùa La Vân

Chuông cổ chùa La Vân

Lịch sử truyền thống dòng họ Tô Đình làng Trinh Hưởng và những phát hiện mới

Tại xã Thiên Hương có 02 chi họ Tô Đình, trong đó Tô Đình thuộc làng Trịnh Xá (Giỗ tổ ngày 25 tháng 10 ÂL) và Tô Đình thuộc làng Trinh Hưởng (Giỗ tổ Ông ngày 10 tháng 10 ÂL, Giỗ tổ Bà ngày 14 tháng Giêng ÂL)[4]. Cho đến nay, dòng họ Tô Đình làng Trinh Hưởng có khoảng 300 năm gắn bó với ngôi làng này, mộ tổ và từ đường dòng họ hiện đang nằm trên đất làng Trinh Hưởng.

Theo các cụ kể lại, dòng họ Tô làng Trinh Hưởng có nguồn gốc từ phương Nam. Sách Tộc phả do cụ Khóa Sinh viết năm 1870 cho biết, những cư dân họ Tô đầu tiên đến đây hồi cuối thế kỷ thứ XVII - đầu XVIII. Xuất phát từ một gia đình thuộc dòng họ Tô ở Nam Định có 03 người con trai: Tô Nhất Lang ở Nam Định; Tô Nhị Lang ở Cát Hải, Hải Phòng; Tô Tam Lang, thân sinh của Cụ tổ Tô Đình Điện lập nghiệp tại làng Trinh Hưởng cho đến hiện nay[5].

Tháp Tổ chùa La Vân

Tháp Tổ chùa La Vân

Họ Tô làng Trinh Hưởng hiện nay là con cháu của cụ Thượng Tổ Tô Đình Điện, húy Thiện Tài. Cụ đỗ khóa sinh, sau về làng Trinh Hưởng làm nghề dạy học. Vốn người đức độ, cụ được dân làng yêu mến, nhiều người tìm đến xin học và đều đỗ đạt. Trong vùng có Cụ Hoàng Công Cẩn là ân nhân giúp đỡ của Cụ tổ Tô Đình Điện trong quá trình về làng dạy học. Cụ Hoàng Công Cẩn tin tưởng gả con gái là bà Hoàng Thị Lữ cho Cụ tổ. Từ đó, gia đình Cụ tổ Tô Đình Điện và Cụ bà Hoàng Thị Lữ là gia đình đầu tiên của họ Tô Đình ở làng Trinh Hưởng[6], đến nay khoảng 300 năm.

Tiếp nối truyền thống học hành do Cụ tổ Tô Đình Điện gây dựng, trong các thời kỳ lịch sử, dòng họ Tô Đình có truyền thống hiếu học, nhiều gương mặt tài giỏi văn võ song toàn. Theo cuốn Tộc phả ghi chép, cuối thế kỷ thứ XIX - đầu XX, họ Tô Đình có nhiều người làm tới chức Nghị viện hàng tỉnh, Chánh tổng, Tiên chỉ có vai vế trong làng ngoài tổng. Tiêu biểu, cụ Tô Đình Trạc, thụy Phúc Chính làm quan huyện, năm 1820 được nhận sắc phong “Bang huyện huyện vụ”[7]. Kế tiếp, con trai trưởng của cụ Tô Đình Trạc là Tô Đình Khiêm võ nghệ tinh thông, cầm quân Trấn phủ Kiến Bái (?) bị hy sinh lúc 24 tuổi, ngay sau đó được nhận sắc phong “Suất đội đội trưởng” vào năm 1844.[8]

Bia ký chùa La Vân

Bia ký chùa La Vân

Trước đây, dòng họ Tô Đình làng Trinh Hưởng đã từng có sách Phả tộc biên soạn 1878, 02 sắc phong thời nhà Nguyễn (vào các năm 1820, 1844)… Tuy nhiên, do chiến tranh, các tài liệu này đã bị thất truyền. Theo Lịch sử Đảng Bộ địa phương, trong thời kỳ kháng chiến, xã Thiên Hương nằm trong địa bàn bảo vệ thành phố, tại đây quân đội thiết lập một trận địa tên lửa cùng 08 ụ pháp cao xạ, xã Thiên Hương trở thành là mục tiêu bắn phá ác liệt[9]. Trước tình hình trên, các tài liệu thư tịch cổ như gia phả, sắc phong của dòng họ Tô Đình cũng như hầu hết các dòng họ trong khu vực đều trong tình trạng thất lạc. Dòng họ có đã nhiều lần liên hệ với các Trung tâm lưu trữ Quốc gia nhằm tìm lại nguồn thư tịch cổ đã mất nhưng chưa có kết quả. Cuốn Phả tộc họ Tô được dòng họ tổ chức biên soạn 2005 là một sự cố gắng lớn nhằm ghi chép lại lịch sử dòng họ.

Đáng chú ý, trong quá trình khảo sát các cơ sở thờ tự làng Trinh Hưởng, tại ngôi chùa La Vân, nhóm nghiên cứu đã tìm được dấu tích của dòng họ Tô Đình trong số các cổ vật được lưu giữ tại đây.

Cụ thể, trên quả chuông niên đại 1898 có khắc dòng chữ Hán, như sau:

Nguyên văn chữ Hán:

"羅雲寺

正總蘇廷逡恭進銅鐘一菓

成泰十年十月二日"

Phiên âm: La Vân tự. Chánh tổng Tô Đình Thuân cung tiến dồng chung nhất quả. Thành Thái thập niên nhị nguyệt thập nhật.

Dịch nghĩa: Chùa La Vân. Chánh tổng Tô Đình Thuân cung tiến một quả chuông đồng. Ngày 10 tháng 2 năm Thành Thái thứ 10 (1898).

Như vậy, nội dung của dòng chữ Hán cho biết, đây là quả chuông do ông Chánh Tổng Tô Đình Thuân (Thoan) cung tiến cho chùa năm 1898.

Ngoài ra, trên văn bia (dựng năm 1944 nhân dịp mở rộng đất chùa) ghi lại công đức của Quả bà Hoàng Thị, tên húy là Sim, hiệu Diệu Tâm, mất năm Ất Sửu (1925). Bà đã có công trông nom mở rộng đất chùa, giáo hóa Phật giáo, chữa bệnh cho dân trong vùng. Cuối văn bia có danh sách Hội đồng kỳ mục, chức dịch tham gia sự kiện dựng bia. Trong đó, có 02 vị họ Tô, gồm: Tô Văn Minh là Phó Tổng, Tô Văn Mô là Cựu Chánh Hội….

Trước thực trạng hầu hết nguồn tài liệu của dòng họ đã bị thất lạc, những phát hiện trên đặc biệt có ý nghĩa nhằm làm rõ một số nội dung trong Phả tộc họ Tô, nhất là đối với những ghi chép chung chung. Trong phả tộc có đoạn: “Cuối thế kỷ cuối XIX – đầu XX, dòng họ Tô làng Trinh Hưởng có nhiều người làm tới chức Nghị viện hàng tỉnh, Chánh tổng, Tiên chỉ…” nhưng không nêu tên người cụ thể (có thể là do thiếu thông tin).

Căn cứ các thông tin tìm thấy trên chuông và văn bia chùa La Vân, chúng ta biết thêm danh xưng, chức vụ của ít nhất 03 vị họ Tô người làng Trinh Hưởng, đó là: Chánh tổng Tô Đình Thuân (Thoan); Phó chánh Tô Văn Minh; Cựu Chánh hội Tô Văn Mô...

Để xác thực các thông tin này, nhóm nghiên cứu đã có buổi trao đổi với ông Tô Đình Ngạn, đại diện Hội đồng Họ tộc Tô Đình - làng Trinh Hưởng. Ông Ngạn cho biết, thời kỳ từ 1872 - 1898, dòng họ Tô Đình làng Trinh Hưởng không có gia phả. Việc biên soạn cuốn Tộc phả họ Tô (năm 2005) chủ yếu dựa theo trí nhớ, lời kể của các cụ trong họ tộc, do đó ở nhiều nội dung hoặc thiếu chính xác, chưa cụ thể hoặc là bị bỏ sót. Mặt khác, nhóm làm việc với Hội đồng Họ tộc Tô Đình - làng Trịnh Xá (thuộc xã Thiên Hương), tiến hành tra cứu gia phả dòng họ Tô Đình - Trịnh Xá nhưng không tìm thấy các vị có tên giống với 03 vị họ Tô nêu trên. Do đó, có thể tạm thời khẳng định, 03 vị được nhắc tên trên chuông, văn bia tại chùa La Vân là người làng Trinh Hưởng và thuộc chi họ Tô Đình làng Trinh Hưởng.

Công trình kiến trúc Từ đường Dòng họ Tô Đình Làng Trinh Hưởng, xã Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải Phòng

Công trình kiến trúc Từ đường Dòng họ Tô Đình Làng Trinh Hưởng, xã Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải Phòng

Công trình kiến trúc Từ đường Dòng họ Tô Đình Làng Trinh Hưởng, xã Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải Phòng

Công trình kiến trúc Từ đường Dòng họ Tô Đình Làng Trinh Hưởng, xã Thiên Hương, Thủy Nguyên, Hải Phòng

Theo phong tục thôn quê, dân ở thôn nào sẽ đi lễ, cúng dường tại chùa ở thôn đó. Rất ít khả năng người họ Tô ở làng Trịnh Xá sang cung tiến chuông cho chùa La Vân trên đất Trinh Hưởng. Đáng chú ý, trong 03 vị họ Tô nêu trên, có 02 vị họ Tô Văn. Sách Họ Tô Việt Nam cho biết, trước đây, có một thời gian ngắn dòng họ Tô Đình làng Trinh Hưởng đổi thành Tô Văn[10], do đó, trong trường hợp này, họ Tôn Văn thực chất là họ Tô Đình làng Trình Hưởng .

Như vậy, với các thông tin trên chuông, văn bia chùa La Vân, cho biết các thông tin cụ thể về 03 vị trong họ Tô Đình giữ các chức vụ cấp tổng, cấp xã gồm: Chánh tổng, Phó chánh, Chánh hội hồi cuối thế kỷ XIX – đầu XX (như Phả tộc từng đề cập). Nó đồng thời cho biết thêm, uy tín ảnh hưởng và dòng họ Tô Đình làng Trinh Hưởng thông qua các việc làm đóng góp cho cộng đồng làng xã.

Đặc biệt, việc cung tiến chuông của vị Chánh tổng cho thấy ông là người có tín tâm với Phật giáo và có tâm đức lớn đối với dân làng. Năm 1885, thực dân Pháp chính thức thiết lập chính quyền thuộc địa trên toàn cõi nước ta. Trong bối cảnh đó, ngôi chùa trở thành nơi nương tựa, an ủi tinh thần cho người dân. Năm 1898, ngài Chánh Tổng Tô Đình Thuân (Thoan) dường như đã thấu hiểu được điều này nên đã phát tâm đúc chuông cung tiến cho chùa. Chuông cổ chùa La Vân là bảo vật của tổ tiên dòng họ Tô Đình, do chiến tranh và nhiều lý do, sau gần 150 năm tồn tại, cho đến nay con cháu dòng họ Tô Đình mới được biết sự hiện diện của nó tại ngôi chùa cổ La Vân.

Tiếp nối truyền thống quý báu này, trong nhiều năm qua, dòng họ Tô Đình làng Trinh Hưởng luôn duy trì mối quan hệ đoàn kết, thân ái với các dòng họ cùng chung sống trên địa bàn. Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng quê hương bằng những việc làm thiết thực. Từ năm 1998 đến nay, dòng họ Tô Đình đã nhiều lần huy động nguồn kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng đóng góp cho các công việc chung như xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, làm đường, trùng tu cơ sở thờ tự (Đền Trinh Hưởng) của làng Trinh Hưởng nói riêng và xã Thiên Hương nói chung[11].

Tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa

Mặc dù bị tàn phá nặng nề trong thời kỳ chiến tranh song các di tích lịch sử, văn hóa có hơn 1000 năm tuổi tại làng Trinh Hưởng với Di tích cấp Quốc gia Đền Trinh Hưởng và ngôi chùa cổ La Vân được bảo tồn, trùng tu, phục dựng khá nguyên vẹn theo lối kiến trúc truyền thống.

Đáng chú ý, việc tìm thấy những di vật, dấu tích của dòng họ Tô Đình tại ngôi chùa cổ La Vân đã góp phần làm sáng tỏ một số khía cạnh về vai trò đóng góp, ảnh hưởng của dòng họ Tô Đình trong đời sống làng Trinh Hưởng xưa. Trong bối cảnh hầu hết nguồn tài liệu đã bị thất truyền, phát hiện này đã kịp thời bổ sung những phần khuyết thiếu trong lịch sử dòng họ. Nó làm sống lại một truyền thống tốt đẹp của dòng họ Tô Đình trong một giai đoạn lịch sử, đồng thời là nguồn cổ vũ, động viên các thế hệ con cháu Tô Đình, làng Trinh Hưởng đã và đang tiếp tục duy trì, tiếp nối mạch nguồn truyền thống quý báu của dòng họ.

Ngoài ra, những khảo cứu về việc đúc chuông, dựng bia tại ngôi chùa cổ La Vân cho thấy vai trò quan trọng của ngôi chùa trong đời sống làng xã, nó đồng thời phản ánh mối quan hệ gắn bó giữa di sản làng xã và di sản dòng họ. Với những giá trị, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, các di sản này cần được tiếp tục bảo tồn, phát huy trong thời gian tới.

[Nguồn: Xưa & Nay, Số 571, Tháng 1/2025]

Tài liệu tham khảo

Ban Chấp hành Đảng bộ xã Thiên Hương (2018), Lịch sử Đảng Bộ xã Thiên Hương (1930 – 2018), Nxb. Hồng Đức.

Ban liên lạc Họ Tô Việt Nam, Họ Tô Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1995.

Đại học Quốc gia Hà Nội (1998), Từ điển bách khoa thư địa danh Hải Phòng, Nxb. Hải Phòng.

Hội đồng lịch sử TP. Hải Phòng (1990), Địa chí Hải Phòng, Nxb. Hải Phòng

Hương tục làng Trinh Hưởng, tổng Trịnh Xá, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An

Viện Thông tin Khoa học Xã hội (1995), Thần tích, Thần sắc làng Trịnh Hưởng, tổng Trịnh xá, huyện Thủy nguyên, tỉnh Kiến An.

Tộc phả họ Tô, làng Trinh Hưởng, xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, năm 2005.

Chú thích

* GS. TS. Đinh Khắc Thuân hướng dẫn, cộng sự.

[1] Theo sách Địa chí Hải Phòng, xã Thiên Hương gồm các xã Đồng Giá, Trinh Hưởng, Trịnh Xá.

[2] Đại học Quốc gia Hà Nội (1998), Từ điển bách khoa thư địa danh Hải Phòng, Nxb. Hải Phòng, tr. 442.

[3] Viện Thông tin Khoa học Xã hội (1995), Thần tích, Thần sắc làng Trinh Hưởng, tổng Trịnh xá, huyện Thủy nguyên, tỉnh Kiến An.

[4] Họ Tô Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1995, tr. 728

[5] Theo Tộc phả họ Tô, làng Trinh Hưởng, xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, năm 2005, tr. 1

[6] Theo Tộc phả họ Tô, Tlđd, tr. 1 - 2

[7] Họ Tô Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1995, tr. 725

[8] Họ Tô Việt Nam, Sđd., tr. 725

[9] Ban Chấp hành Đảng bộ xã Thiên Hương (2018), Lịch sử Đảng Bộ xã Thiên Hương (1930 – 2018), Nxb. Hồng Đức, tr. 106

[10] Họ Tô Việt Nam, Sđd., tr. 727 – 728.

[11] Số liệu do ông Tô Đình Ngạn, đại diện Hội đồng Họ tộc Tô Đình làng Trinh Hưởng cung cấp.

Tác giả: Ncs.Ths Trương Thúy Trinh và Nhóm nghiên cứu*

Địa chỉ: Hệ sinh thái Phong thủy Đại Nam, Viện Phong thủy Khoa học Toàn Cầu

Ảnh minh họa: Nhóm nghiên cứu thực hiện

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phat-hien-cac-co-vat-dau-tich-cua-dong-ho-to-dinh-lang-trinh-huong-o-chua-co-la-van.html