Phát hiện con yêu sớm, cha mẹ đừng tạo ra những 'vết nứt vô hình'

Khi một đứa trẻ lần đầu biết rung động, điều chúng cần không phải là một bản án, mà là một cái ôm thấu hiểu. Nhưng thật tiếc, nhiều cha mẹ lại phản ứng như thể con mình vừa phạm phải một tội tày trời.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bắt đầu bằng "cha mẹ không hiểu mình"

Hoàng Anh là cô bé học lớp 9, mới bắt đầu rung động với bạn trai cùng lớp. Nhưng cô bé bị mẹ "bắt tại trận" khi nhắn tin "tình cảm" với bạn trai. Mẹ của cô bé rất "sốc" khi thấy con xưng hô "vợ, chồng" với một cậu bạn mới chỉ 15 tuổi.

Vừa bất ngờ, vừa hoảng hốt, vừa lo sợ, lại bực tức, mẹ của Hoàng Anh đã mắng cô bé một trận thậm tệ. Đồng thời "dọa" nếu Hoàng Anh không chấm dứt chuyện yêu đương, sẽ bị chuyển trường.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Đại Hải

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Đại Hải

Kể từ đó, Hoàng Anh trở nên sợ hãi mỗi khi chạm ánh mắt của mẹ, kể cả khi ăn cơm, khi đi học về, cô bé đều cố gắng lẩn tránh. Vì sợ bị chuyển trường, Hoàng Anh đã chủ động chia tay bạn trai, nhưng cô bé rơi vào đau khổ, "thất tình", học hành sa sút và dần dần tự "giấu mình" kỹ hơn. Cho đến lúc cô bé bị trầm cảm, gia đình mới hoảng hốt tìm bác sĩ tâm lý.

Trường hợp của Hoàng Anh không phải là hiếm gặp. Chuyên gia tâm lý Nguyễn Đại Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tài Năng Việt kể: "Tôi từng tư vấn cho một cô bé lớp 8, chỉ vì mẹ đọc được tin nhắn "thích nhau" giữa em và một bạn nam cùng lớp, em bị mẹ mắng trước mặt cả nhà, bị cấm học thêm, tịch thu điện thoại. Kể từ đó, cô bé trở nên lầm lì, sợ ánh mắt của mẹ, và bắt đầu viết nhật ký bằng tiếng Anh – để không ai hiểu được nữa.

Khoa học tâm lý gọi đây là tổn thương do phản ứng cảm xúc không an toàn. Trẻ sẽ hình thành niềm tin sai lệch: "Tình yêu là xấu xa", "Cha mẹ không hiểu mình", và tệ hơn nữa là "Mình có vấn đề". Điều này không chỉ khiến mối quan hệ cha mẹ – con cái đổ vỡ, mà còn làm trẻ mất phương hướng trong việc phát triển cảm xúc sau này".

Vậy khi phát hiện con yêu sớm, cha mẹ cần làm gì? Chuyên gia Nguyễn Đại Hải khuyên rằng: Hãy thay câu hỏi "Sao con lại yêu?" bằng "Con đang cảm thấy như thế nào?". Một ly trà nóng, một lần cùng con đi bộ, hay đơn giản là một ánh mắt không xét đoán đôi khi đủ để con mở lòng. Khi cha mẹ chọn thái độ bình tĩnh, yêu thương và dẫn dắt, con sẽ cảm thấy được an toàn và sẵn sàng học cách yêu đúng cách.

Đừng đặt "bẫy" khiến con đóng cửa cảm xúc

Không cấm nhưng lại kiểm soát - đó chính là cái bẫy khiến con đóng cửa cảm xúc. Có những phụ huynh nói rằng họ không phản đối con yêu, nhưng lại luôn tỏ ra nghi ngờ, kiểm soát, hay mỉa mai - những hành vi này liệu có vô tình đẩy con rơi vào trạng thái "đóng cửa cảm xúc"? Làm sao để cha mẹ thực sự tạo được niềm tin để con không giấu giếm chuyện tình cảm?

Chuyên gia Nguyễn Đại Hải cho rằng, yêu thương có điều kiện là hình thức kiểm soát ngọt ngào nhưng nguy hiểm nhất. Cha mẹ không cần hét lên "Cấm yêu!", nhưng chỉ một câu nói kiểu: "Bạn trai đó nhìn không ra gì cả", hay "Con đừng nghĩ mẹ không biết con đang giấu gì" cũng đủ để con đóng cửa lòng.

"Tôi gọi đó là vết nứt vô hình. Bề ngoài tưởng như vẫn gần gũi, nhưng trong lòng con đã khóa trái tim lại. Kết quả là, có hàng ngàn đứa trẻ đang "sống sót" trong nhà mình bằng cách giả vờ ổn, giấu kín mọi thứ, kể cả những tổn thương nguy hiểm nhất", chuyên gia Nguyễn Đại Hải chia sẻ.

Vậy cha mẹ có thể làm gì ngay hôm nay? Theo chuyên gia, thứ nhất, đừng hỏi dồn, hãy hỏi mở: "Dạo này con có gì vui không?". Thứ hai, hãy lắng nghe như một người bạn, không phán xét, không chen ngang. Thứ ba, đừng quên thừa nhận những sai lầm trước đây. Một câu xin lỗi đúng lúc có sức mạnh hàn gắn gấp trăm lần lời khuyên. Một khi con cảm thấy "Mình không cần phải diễn để được chấp nhận", thì cha mẹ đã chiến thắng lớn nhất trong hành trình làm bạn cùng con.

Khi con có dấu hiệu buồn bã vì chuyện tình cảm (như thất tình), bị tổn thương, hoặc chia tay nhưng lại không nói ra, cha mẹ cần nhận biết và giúp con vượt qua mà không khiến con cảm thấy bị "đào xới" chuyện riêng tư.

Cha mẹ chọn thái độ bình tĩnh, yêu thương và dẫn dắt, con sẽ cảm thấy được an toàn và sẵn sàng học cách yêu đúng cách - Ảnh minh họa

Cha mẹ chọn thái độ bình tĩnh, yêu thương và dẫn dắt, con sẽ cảm thấy được an toàn và sẵn sàng học cách yêu đúng cách - Ảnh minh họa

Tuổi teen giống như một vùng đất bí ẩn. Một cái thở dài cũng có thể là chuyện tình cảm, mà cũng có thể chỉ là điểm kiểm tra không như mong đợi. Nhưng với một người cha, người mẹ đủ tinh tế, sự thay đổi nhỏ của con cũng là tiếng gọi thầm. Dấu hiệu phổ biến gồm: im lặng bất thường, dễ nổi cáu, thay đổi thói quen ăn ngủ, hay nhìn trống rỗng vào khoảng không. Nếu cha mẹ "vào cuộc" quá nhanh, tra hỏi, suy đoán, con sẽ càng co mình lại. Ngược lại, sự hiện diện nhẹ nhàng nhưng bền bỉ mới là liều thuốc thật sự.

Theo chuyên gia Nguyễn Đại Hải, giải pháp cần áp dụng ngay, đó là mỗi tối, trước khi con ngủ, hãy nói: "Mẹ ở đây nếu con cần", rồi đặt tay lên vai con vài giây. Sự chạm nhẹ này là thông điệp vô ngôn của sự tin cậy. Mỗi sáng, thay vì hỏi "Hôm nay con học gì?", hãy hỏi: "Hôm nay con mong điều gì nhất?". Điều đó cho con thấy bạn quan tâm đến trái tim, không chỉ thành tích. Nếu con không chia sẻ với mình, hãy tạo cơ hội để con nói chuyện với người mà con tin- một giáo viên, một anh chị lớn, hoặc thậm chí là chuyên gia tâm lý trẻ em.

Tuổi teen giống như một vùng đất bí ẩn. Ảnh minh họa: KT

Tuổi teen giống như một vùng đất bí ẩn. Ảnh minh họa: KT

"Đã có những người cha, người mẹ khóc trong các buổi trị liệu cùng tôi, chỉ vì một câu nói ngày xưa của họ khiến con không còn tin mình nữa. Họ nói: Tôi chỉ muốn tốt cho con mà thôi. Nhưng điều tốt đẹp nhất đôi khi lại đến sai cách. Nếu cha mẹ từng khiến con đau, đừng phủ nhận. Hãy can đảm nhìn lại. Đừng ngụy biện bằng những món quà hay sự chiều chuộng bất thường, vì con rất nhạy cảm. Điều con cần là sự thật", chuyên gia Nguyễn Đại Hải chia sẻ.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phat-hien-con-yeu-som-cha-me-dung-tao-ra-nhung-vet-nut-vo-hinh-20250408230226572.htm