Phát hiện đàn cá băng với 60 triệu tổ dưới đáy biển Nam Cực
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một quần thể cá băng (notothenioid) khổng lồ đang sinh sản ở biển Weddell phía nam Nam Cực.
Những con cá băng đang canh gác trứng trong tổ - Ảnh: Autun Purser
Phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Current Biology vào ngày 13.1. Nhóm nghiên cứu ước tính rằng quần thể cá băng trải rộng trên diện tích khoảng 240 km2 và bao gồm khoảng 60 triệu tổ đang hoạt động. Quần thể lớn chưa từng có đại diện cho sinh khối cá hơn 60.000 tấn.
Nhà nghiên cứu Autun Purser của Viện Alfred Wegener ở Bremerhaven (Đức) cho biết: “Phát hiện quan trọng nhất của chúng tôi là sự tồn tại của một đàn cá băng đang sinh sản rộng lớn như vậy. Một vài chục tổ đã được quan sát thấy ở những nơi khác tại Nam Cực, nhưng phát hiện này có quy mô lớn gấp nhiều lần”.
Purser và các đồng nghiệp đã phát hiện quần thể này khi khảo sát thềm băng Filchner bằng Hệ thống đo đạc và quan sát tầng đại dương (OFOBS). Ông giải thích: “Về cơ bản đây là một thiết bị lớn nặng một tấn, được chúng tôi kéo phía sau tàu phá băng RV Polarstern với tốc độ từ 1 đến 4 km/h. Chúng tôi kéo lê thiết bị này ở độ cao khoảng 1,5 đến 2,5 mét so với đáy biển, ghi lại video và thu thập dữ liệu đo độ sâu bằng sóng âm”.
Tàu phá băng RV Polarstern ở biển Wendall, Nam Cực - Ảnh: AWI - Tim Kavelage
Các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến đáy biển trong khu vực này vì họ biết rằng nó có một lượng nước dâng cao, ấm hơn 2 độ C so với các vùng nước đáy xung quanh. Tuy nhiên, những gì họ tìm thấy được khiến mọi người bất ngờ. Purser nói: “Chúng tôi không nghĩ có bất kỳ hệ sinh thái tổ cá nào trong khu vực, những gì phát hiện hoàn toàn bất ngờ”.
Phần lớn các tổ cá mà nhóm nghiên cứu phát hiện được canh giữ bởi một con cá trưởng thành duy nhất với hơn 1.700 quả trứng. Họ cũng quan sát thấy nhiều xác cá chết bên trong và gần khu vực làm tổ, cho thấy rằng loài cá này đóng một vai trò quan trọng trong mạng lưới thức ăn lớn hơn. Dù cần phải nghiên cứu thêm, nhóm nghiên cứu suy đoán quần thể cá băng là nguồn thức ăn của những động vật ăn thịt như hải cẩu Weddell.
“Rất nhiều hải cẩu Weddell dành nhiều thời gian ở gần các tổ cá. Chúng tôi biết điều này từ dữ liệu theo dõi cũ và mới trong hành trình di chuyển của chúng tôi. Các tổ nằm chính xác nơi vùng nước ấm trồi lên. Những sự kiện này có thể là trùng hợp và cần phải nghiên cứu nhiều hơn, nhưng dữ liệu về hải cẩu được ghi lại cho thấy hải cẩu thực sự lặn tới độ sâu của tổ cá và ăn những con cá này”, Purser nói.
Hầu hết tổ cá được canh giữ bởi một con cá trưởng thành duy nhất với hơn 1.700 quả trứng - Ảnh: Autun Purser
Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện cho thấy một hệ sinh thái độc đáo trên toàn cầu. Chúng cũng cung cấp thêm dữ liệu cho việc thành lập Khu bảo tồn biển ở Nam Đại Dương theo Công ước Bảo tồn tài nguyên sinh vật biển Nam Cực.
Các nhà nghiên cứu hiện đã triển khai 2 hệ thống camera để theo dõi các tổ cá băng cho đến khi tàu nghiên cứu quay trở lại. Họ hy vọng rằng những bức ảnh được chụp nhiều lần trong ngày sẽ mang lại những hiểu biết rõ ràng hơn về hoạt động của hệ sinh thái mới được phát hiện này. Purser cho biết anh có kế hoạch trở lại vào tháng 4.2022 để khảo sát đáy biển ở các khu vực phía đông bắc biển Weddell.