Phát hiện đột phá về Mặt trăng

Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) mới đây thông báo, nỗ lực hợp tác khoa học giữa ESA và Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) thông qua sứ mệnh Hằng Nga 6 đã giúp đạt được phát hiện đột phá mới khi thiết bị dò hạt ion âm của ESA mang tên NILS đã phát hiện các hạt ion âm trên bề mặt Mặt trăng.

Theo các nhà khoa học, ion âm là một trong các hạt thứ cấp từ mà gió Mặt trời tỏa ra các thiên thể xung quanh nó, bao gồm Trái đất. Tuy vậy, từ trường mạnh mẽ của Trái đất đã giúp che chắn “cơn gió” khốc liệt đó, còn Mặt trăng thì không.

Trong khi các hạt tích điện dương đã được đo từ các tàu quỹ đạo trước đây thì việc đo các hạt tích điện âm là một thách thức, do ion âm tồn tại trong thời gian ngắn và không thể bay lên quỹ đạo. Các ion âm này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu thêm về bề mặt của Mặt trăng, cũng như mở đường cho một phương pháp mới giúp nghiên cứu tính chất bề mặt các thiên thể xa xôi khác.

Thái An

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/do-day/phat-hien-dot-pha-ve-mat-trang-i734194/