Phát hiện gấu quý hiếm 1,5 tạ có nguy cơ tuyệt chủng

Thông qua hoạt động bẫy ảnh trong lâm phần, lực lượng chức năng phát hiện cá thể gấu ngựa quý hiếm. Các đơn vị liên quan đang thực hiện các biện pháp để bảo vệ, bảo tồn gấu và các loài động vật hoang dã quý hiếm khác.

Ngày 26/11, lãnh đạo Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BQL KBTTN) Bắc Hướng Hóa (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị) cho biết, qua hoạt động bẫy ảnh trong lâm phần, đơn vị quản lý phát hiện một cá thể gấu ngựa quý hiếm.

Cá thể gấu ngựa quý hiếm ghi nhận thông qua bẫy ảnh (ảnh: BQL KBTTN Bắc Hướng Hóa).

Cá thể gấu ngựa quý hiếm ghi nhận thông qua bẫy ảnh (ảnh: BQL KBTTN Bắc Hướng Hóa).

Theo đó, hình ảnh cá thể gấu ngựa này được bẫy ảnh chụp vào buổi tối, ước chừng nặng khoảng 150 kg. Sau khi ghi nhận, đơn vị này thực hiện các biện pháp để bảo vệ, bảo tồn.

"Sau khi ghi nhận, chúng tôi tổ chức các biện pháp để bảo vệ, bảo tồn loài động vật quý hiếm này. Hy vọng mọi người cùng chung tay bảo vệ, giúp các loài động vật tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng", ông Hà Văn Hoan, Giám đốc BQL KBTTN Bắc Hướng Hóa cho biết.

Trước đó, BQL KBTTN Bắc Hướng Hóa phối hợp với Tổ chức WWF tiến hành đặt máy bẫy ảnh kỹ luật số trong lâm phần đơn vị để điều tra loài sao la. Trong quá trình này, máy bẫy ảnh đã phát hiện, ghi lại nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có loài gấu ngựa thuộc nhóm IB nguy cấp, quý hiếm.

Gấu ngựa có tên khoa học là Ursus thibetanus hay Ursus tibetanus, còn được biết đến với tên gọi Gấu đen Tây Tạng, Gấu đen Himalaya hay Gấu đen châu Á. Gấu ngựa nằm trong Sách đỏ Thế giới (IUCN), là loài dễ bị thương tổn trong số các động vật đang bị đe dọa.

KBTTN Bắc Hướng Hóa (nằm phía Tây Quảng Trị), có diện tích 23.456,7 hecta bao gồm 5 xã phía Bắc huyện Hướng Hóa, tiếp giáp với biên giới Lào. Nơi đây có tính đa dạng sinh học, đa dạng, phong phú và độc đáo, nơi giao lưu giữa các luồng thực vật Bắc Nam, khu vực Đông Dương. Rừng có độ che phủ trên 92,96%, nhiều kiểu sinh cảnh, kiểu thảm thực vật, nhiều loài động vật quý hiếm. Hiện nay, ghi nhận 1.327 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 158 họ. Riêng khu hệ thú có 110 loài thuộc 30 họ, 10 bộ. Trong đó có 38 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 33 loài trong Sách đỏ thế giới, 39 loài trong Nghị định 84/2021/NĐ-CP.

Hùng Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phat-hien-gau-quy-hiem-15-ta-co-nguy-co-tuyet-chung-169241126171950569.htm