Phát hiện hơn 4.800 tiêu bản trong Tháp đôi Liễu Cốc ngàn năm tuổi

Qua kết quả khai quật và quan sát bề mặt hiện trạng, các nhà nghiên cứu khẳng định, bước đầu chỉ xác định được 2 đền tháp chính trong di tích Tháp đôi Liễu Cốc, không thấy dấu hiệu của đền tháp thứ 3. Nếu đúng chỉ 2 tháp thờ chính thì di tích Tháp đôi Liễu Cốc là di tích đặc biệt, duy nhất thuộc hệ thống di tích đền tháp Champa…

Sau hơn 2 tháng tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ di tích tháp đôi Liễu Cốc, chiều 27/6, tại thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế), Đoàn chuyên gia đến từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) tỉnh Thừa Thiên Huế đã báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, khai quật.

Di tích Tháp đôi Liễu Cốc ước khoảng 1.000 năm tuổi trước khi khai quật khảo cổ.

Di tích Tháp đôi Liễu Cốc ước khoảng 1.000 năm tuổi trước khi khai quật khảo cổ.

Nằm cách trung tâm TP Huế 11km về phía Bắc, Tháp đôi Liễu Cốc ở làng Liễu Cốc Thượng thuộc Tổ dân phố Xuân Tháp (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà). Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo và là di tích kiến trúc nghệ thuật đánh dấu một giai đoạn phát triển trong lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc Chăm nói riêng.

Tháp đôi Liễu Cốc là một trong những công trình đặc trưng của văn hóa Chămpa được tiến hành khai quật khảo cổ.

Tháp đôi Liễu Cốc là một trong những công trình đặc trưng của văn hóa Chămpa được tiến hành khai quật khảo cổ.

Từ đầu thế kỷ XX, Tháp đôi Liễu Cốc đã được người Pháp ghi danh và xếp hạng là cổ tích trong toàn cõi Việt Nam và Đông Dương. Năm 1994, di tích này được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia. Tuy nhiên, do tác động của thời gian, khí hậu khắc nghiệt đã khiến cho tình trạng hiện nay của di tích bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, so với các ngôi đền tháp Champa được biết đến từ Bắc Mỹ Sơn (Quảng Nam) trở ra, Tháp đôi Liễu Cốc là di tích có tình trạng bảo tồn tốt nhất…

Quy mô, kết cấu của tháp Bắc sau khi được làm xuất lộ.

Quy mô, kết cấu của tháp Bắc sau khi được làm xuất lộ.

Việc nghiên cứu, khai quật khảo cổ Tháp đôi Liễu Cốc lần này là để xác định rõ quy mô, kết cấu, tính chất, niên đại của di tích. Từ đó phục vụ cho công tác quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tổng thể di tích.

Ông Nguyễn Ngọc Chất, cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, người chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ cho hay, diện tích thăm dò 20m2 (4 hố), diện tích khai quật 60m2 (3 hố). Quá trình khai quật đã cho mở rộng và nối thông các hố khai quật (H1, H2, H3) lại với nhau tạo thành 1 hố lớn (9,4 x 10,3m), bao quanh nền móng kiến trúc tháp Bắc. Toàn bộ quy mô, mặt bằng, kết cấu nền móng, đế tháp và phần còn lại của thân tháp Bắc đều được làm xuất lộ.

Đầu phù điêu Phật, thế kỷ XI-XII được tìm thấy trong quá trình khảo cổ.

Đầu phù điêu Phật, thế kỷ XI-XII được tìm thấy trong quá trình khảo cổ.

Đồng thời, trong quá trình khai quật đã thu được một khối lượng di vật gồm 4.807 tiêu bản. Trong đó tập trung chủ yếu là các loại vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia và phù điêu đá, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và tiền kim loại. Đáng chú ý có đầu tượng có dạng phù điêu, tạo tác một mặt từ đá phiến màu xám tím, thể hiện đầu tượng Phật với kích thước cao còn lại 20cm, rộng 15cm, dày 10cm (niên đại thế kỷ XI – XII). Hay 1 đồng tiền tròn, lỗ tiền vuông, một mặt đúc nổi 4 chữ Nguyên Phong thông bảo, viết theo lối Hành thảo (niên đại thế kỷ XIII). Ngoài ra, khối lượng lớn đồ gốm được tìm thấy với nhiều loại hình, chất liệu khác nhau, như: gốm thô, đồ đất nung, riêng đồ sành với 437 mảnh, trong đó có 3 chiếc bình vôi của Champa (thế kỷ IX – XI) còn tương đối nguyên vẹn…

Bình vôi của Champa, niên đại thế kỷ IX-XI được tìm thấy trong quá trình khảo cổ.

Bình vôi của Champa, niên đại thế kỷ IX-XI được tìm thấy trong quá trình khảo cổ.

Ngoài ra, nhằm mục đích lần tìm vị trí đường đi, tháp Cổng, tháp Hỏa, tường bao, hướng tới mở rộng diện tích nghiên cứu, khai quật để xác định đầy đủ quy mô, cấu trúc mặt bằng tổng thể di tích Tháp đôi Liễu Cốc, các chuyên gia đã mở 5 hố thám sát, trong đó có 2 hố ở phía đông, thẳng trục trung tâm của tháp Bắc, 1 hố ở góc đông bắc, 1 hố ở góc đông nam và 1 hố ở phía tây.

Qua kết quả khai quật và quan sát bề mặt hiện trạng, các nhà nghiên cứu khẳng định, bước đầu chỉ xác định được 2 đền tháp chính trong di tích, không thấy dấu hiệu của đền tháp thứ 3. Nếu đúng chỉ 2 tháp thờ chính thì di tích Tháp đôi Liễu Cốc là di tích đặc biệt, duy nhất thuộc hệ thống di tích đền tháp Champa. Thông thường, các di tích đền tháp Champa phân bố trải dọc miền Trung Việt Nam, trong quá trình nghiên cứu, chúng ta mới chỉ ghi nhận về hệ thống di tích có 1 tháp thờ chính hoặc 3 tháp thờ chính, không có trường hợp nào có 2 tháp thờ chính như ở Liễu Cốc.

Trang trí nhấn điểm góc bằng đá sa thạch, hình đầu bò, niên đại cuối thế kỷ IX được phát hiện.

Trang trí nhấn điểm góc bằng đá sa thạch, hình đầu bò, niên đại cuối thế kỷ IX được phát hiện.

Đánh giá về tính chất, đặc điểm và giá trị của di tích, TS. Lê Đình Phụng, chuyên gia nghiên cứu Khảo cổ học Champa, Viện Khảo cổ học khi khảo sát thực địa, cho rằng: Tháp đôi Liễu Cốc được xây thuần nhất bằng chất liệu gạch, kỹ thuật mài chập khối liên kết với nhau không thấy mạch vữa liên kết, kích thước lòng hẹp vuông, tường dày, có khả năng kiến trúc này xuất hiện kỹ thuật giật cấp tạo nên bộ mái nóc tháp tương tự như tháp Mỹ Sơn C7. Chính vì thế, có khả năng nhóm tháp Liễu Cốc được xây dựng vào cuối thế kỷ VIII hoặc đầu thế kỷ IX, nằm trong giai đoạn chuyển tiếp của kỹ thuật xây dựng đền tháp Champa…

Thay mặt những người công tác làm chuyên môn, ông Nguyễn Ngọc Chất kiến nghị cần tiếp tục mở rộng diện tích nghiên cứu, khai quật khảo cổ di tích Tháp Đôi Liễu Cốc để xác định rõ quy mô, kết cấu nguyên gốc, tính chất, đặc điểm, niên đại của di tích. Từ đó làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, xây dựng hồ sơ thuyết minh di tích đúng với giá trị vốn có của nó. Cần nghiên cứu gia cố hệ thống tường tháp, tránh xuống cấp, đổ vỡ...; ở phần nền dưới cần lấp đất lát lại nền sân tháp, chỉ để lộ phần đế tháp và tường tháp…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng, cần tiếp tục mở rộng khai quật di tích Tháp đôi Liễu Cốc với phạm vi lớn hơn, song song với đó là có giải pháp cụ thể để bảo vệ di tích. Lãnh đạo Sở VH-TT tỉnh cho biết sẽ kiến nghị với UBND tỉnh tiếp tục mở rộng khảo cổ giai đoạn 2 di tích này trước mùa mưa năm nay.

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/phat-hien-hon-4-800-tieu-ban-trong-thap-doi-lieu-coc-ngan-nam-tuoi-i735741/