Báo Sông Bé: Nơi chắp cánh cho tôi vào nghề
Có thâm niên gần 30 năm trong nghiệp viết lách, đã từng được vinh danh ở những giải thưởng cao quý của nghề báo như Búa liềm vàng, Giải báo chí quốc gia… nhưng không lúc nào tôi quên 'cái nôi' đã dìu dắt, hướng dẫn, tạo 'cú hích' để một cộng tác viên như tôi trở thành nhà báo.
Từ nhỏ, tôi đã mê nghề báo. Tôi luôn ước ao có một cái máy ảnh, được tung tẩy đi đó đi đây, chụp những bức ảnh đẹp của quê hương, viết những câu chuyện nhân văn xảy ra nơi vùng quê mình đang sống. Tôi luôn ngưỡng mộ các anh chị nhà báo và nghĩ rằng, họ là những người “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Phải là những người có năng khiếu, giỏi văn và học đúng chuyên ngành mới được tuyển vào làm báo chí. Vì vậy, chưa bao giờ tôi có ý định lấn sân vào nghề viết lách. Thế nhưng “nghề chọn người”, từ một anh bộ đội tôi trở thành cộng tác viên Báo Sông Bé rồi phấn đấu thành nhà báo chuyên nghiệp như hiện nay. Mỗi khi có dịp nói chuyện nghề, tôi đều “khoe” với đồng nghiệp và nhiều người: Khởi đầu nghề viết của tôi là từ Báo Sông Bé.

Tác giả trong một lần tác nghiệp tại biên giới tỉnh Long An
Thời điểm năm 1994-1996, tôi là trợ lý tuyên huấn Bộ đội biên phòng tỉnh Sông Bé nên gần như những đoàn báo chí lên công tác ở các đồn biên phòng, tôi đều được phân công tháp tùng. Vì đam mê nghề báo nên mỗi chuyến đi như thế, tôi đều để ý quan sát cách các anh chị phóng viên tác nghiệp. Từ chỗ khai thác tư liệu, hỏi chuyện, tiếp xúc với nhân vật, chụp ảnh... Tiếp theo là đọc kỹ các tin, bài của từng phóng viên sau mỗi chuyến đi. Từ chỗ tự học như vậy, tôi mạnh dạn tập viết tin. Còn nhớ lần đầu tiên viết tin, vì chưa có nghiệp vụ nên tôi viết dài cả trang giấy A4. Gửi đi rồi hồi hộp chờ cả tuần (lúc đó phải gửi theo đường bưu điện chứ chưa có internet như bây giờ). Có lẽ biết tôi là tay viết mới nên ban biên tập đã sửa lại rất nhiều để tin được đăng báo.
Lần đầu tiên thấy tin được đăng, thấy tên mình được in trang trọng ở phần tác giả, tôi mừng lắm. Suốt mấy ngày liền, cứ lấy tờ báo có đăng tin của mình ra đọc rồi tủm tỉm cười. So sánh với bản thảo, tôi thấy tin đã được biên tập lại ngắn gọn, súc tích hơn rất nhiều. Rút kinh nghiệm từ cái tin ban đầu, tôi mạnh dạn viết những tin khác liên quan đến các mặt công tác như bảo vệ biên giới, chống buôn lậu và huấn luyện, xây dựng cơ quan của các đơn vị thuộc Bộ đội biên phòng Sông Bé… Sau khi đã làm quen với thể loại tin, tôi mạnh dạn tập viết bài ngắn, rồi bài dài. Những lần được mời dự họp mặt cộng tác viên, tôi mừng lắm vì đây là cơ hội để được tiếp xúc với các anh chị phóng viên, được dịp học hỏi kinh nghiệm viết báo. Lúc đó, từ Lộc Ninh xuống Bình Dương chỉ 80-90km nhưng xe cộ đi lại rất khó khăn. Mỗi lần xuống Báo Sông Bé (lúc đó trụ sở ở đường Bạch Đằng), tôi thường lấy cớ đi 2 ngày để có nhiều thời gian lân la học hỏi kinh nghiệm của các anh chị phóng viên như Xuân Lộc, Duy Thanh, Đoàn Như Viên…
Và mỗi khi có dịp được đi gặp mặt cộng tác viên Báo Sông Bé, tôi thường lấy cớ để ở lại Bình Dương rồi lân la ra thăm nhà chú Bảy Yểng và chú Hoàng Lâm (lúc đó là Phó Tổng biên tập Báo Sông Bé) hoặc các anh chị phóng viên để nghe các chú, các anh chị tâm sự về nghề báo. Tuy chỉ là cộng tác viên nhưng tôi luôn được các bậc tiền bối và gia đình đón tiếp ân cần, chân tình như người nhà. Chính những tình cảm gần gũi ấy đã tiếp thêm cho tôi động lực gắn bó hơn với nghề làm báo.
Từ kiến thức tự học qua những lần đưa nhà báo đi cơ sở, họp mặt cộng tác viên, rồi “nghề dạy nghề”, bài viết của tôi ngày càng chắc tay, tỷ lệ tin, bài, được đăng nhiều hơn. Cùng với viết báo, tôi còn quay video, làm phóng sự, tự viết lời bình gửi cộng tác với Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé. Vừa làm báo viết, báo nói kiêm cả báo hình, nhưng lúc nào tôi cũng hăng say với công việc. Tôi vui vì những gian khổ, vất vả và không kém phần hiểm nguy của bộ đội biên phòng trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới được lan tỏa ngày càng nhiều trên phương tiện thông tin đại chúng.

Tác giả (bìa phải) trong một lần tác nghiệp tại biên giới tỉnh Điện Biên
Vì hăng say cộng tác, nhiệt tình với bài vở nên năm 1995, tôi được Báo Sông Bé ký hợp đồng, trả 300 ngàn đồng/tháng (tiền trách nhiệm dành cho cộng tác viên tích cực). Cùng đợt đó, còn có các cộng tác viên như Tiến Bình (sau này là Trưởng phòng Phóng viên Báo Bình Phước), Cao Anh Khuyến (Đồng Phú), Tuấn Đắc, Dũng Nhân (Lộc Ninh)… Số tiền này thời điểm đó rất lớn, hơn nửa tháng lương trung úy, sĩ quan của tôi. Được trả nhuận bút, lại có thêm tiền trách nhiệm hằng tháng nên tôi càng hăng say với nghề tay trái. Số lần đi cơ sở càng tăng, tin bài càng nhiều, lực viết của tôi ngày càng được nâng lên.
Trưởng thành từ cộng tác viên Báo Sông Bé, năm 1996, tôi được điều về làm phóng viên Báo Biên phòng và gắn bó với nghề báo cho đến nay. Hôm liên hoan chia tay tôi chuyển về đơn vị mới, có đại diện Ban Biên tập, rất đông các anh chị cán bộ, phóng viên Báo Sông Bé lên dự, chung vui... Sau này tách tỉnh, các anh chị phóng viên đã từng dìu dắt, truyền đạt kỹ năng viết báo cho tôi cũng chia về Báo Bình Dương và Báo Bình Phước. Vì chuyên viết về mảng biên phòng nên thời gian đầu, tôi có viết một số bài cộng tác với Báo Bình Phước… Và mỗi lần đi công tác trên Bình Phước hay Bình Dương, tôi đều tìm gặp, trò chuyện với các anh chị - những “người thầy” đã nâng bước tôi vào nghề báo.
Gần 30 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ những bài học đầu tiên về nghề báo do chính các anh chị phóng viên Báo Sông Bé ngày đó truyền dạy. Rằng báo chí là một nghề vất vả nhưng vinh quang. Đã làm báo thì phải đam mê, sáng tạo và biết dấn thân. Muốn xây dựng được thương hiệu của mình trong lòng bạn đọc, mỗi nhà báo phải không ngừng hoàn thiện, bổ sung kiến thức cũng như các kỹ năng nghề nghiệp.
Từ những bài học đầu đời về nghề báo qua lời dạy của các anh chị ở Báo Sông Bé và lòng nhiệt huyết, yêu nghề, tôi đã có mặt, tác nghiệp ở hầu hết bản làng biên giới trên cả nước, từ miền Nam đến các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc, Trường Sa. Bởi đi nhiều, có thêm kiến thức về những nơi mình tới, có thêm những người bạn mới nên với tôi, ngày nào cũng là ngày mới. Và tác phẩm của tôi lúc nào cũng có những sự kiện mới, những chi tiết thú vị để phụng sự bạn đọc. Điều đó càng làm tôi thêm yêu nghề báo mà mình đã chọn và sống với nghề suốt 30 năm qua.
Qua bài viết này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, sự trân quý những tình cảm thân thương, sự giúp đỡ vô tư mà các anh chị phóng viên Báo Sông Bé lúc đó đã dành cho một người “ngoại đạo” với nghề báo như tôi. Và tự đáy lòng, tôi không bao giờ quên “cái nôi” đã góp phần tạo nên “cú hích” cho sự trưởng thành của tôi hôm nay.