Phát hiện loài cá mập tiền sử có hàm răng quái dị
Các nhà cổ sinh vật học tìm thấy hóa thạch 370 triệu năm tuổi của một loài cá mập săn mồi sở hữu hàm răng có thể xoay chuyển.
Mô phỏng loài cá mập tiền sử Ferromirum oukherbouchi. Ảnh: Christian Klug.
Theo báo cáo trên tạp chí Communications Biology trong tháng 11, các nhà cổ sinh vật học do nghiên cứu sinh tiến sĩ Linda Frey từ Đại học Zurich của Thụy Sĩ dẫn đầu đã tìm thấy bộ xương hóa thạch của sinh vật tại một vùng biển cổ đại ở Maroc và đặt tên cho nó là Ferromirum oukherbouchi.
Loài cá mập sống trong Đại Cổ Sinh này chỉ dài khoảng 33 cm và có mõm ngắn hình tam giác, nhưng lại sở hữu đôi mắt to bất thường, chiếm tới 30% tổng chiều dài của vỏ não. Tuy nhiên, điều thực sự biến F. oukherbouchi trở nên “quái dị” nằm ở cấu trúc hàm và vị trí răng nó.
Trong khi hầu hết các loài cá mập mọc răng mới để thay thế răng cũ bị mòn, F. oukherbouchi mọc liên tiếp những chiếc răng mới ở phía trong hàm, bên cạnh răng cũ. Khi miệng đóng, những chiếc răng này xoay vào bên trong (hướng về phía lưỡi), nhưng khi mở miệng, phần sụn ở phía sau xương hàm sẽ uốn cong để những chiếc răng mới xoay lên trên, cho phép cá mập cắn con mồi bằng nhiều răng nhất có thể.
Vì bộ hàm hóa thạch được bảo quản rất tốt nên các nhà nghiên cứu có thể quét nó bằng phương pháp chụp cắt lớp vi tính, sau đó dựng mô hình kỹ thuật số dưới dạng 3D để tiến hành các thử nghiệm cơ học.
Frey nhấn mạnh sự kết hợp giữa chuyển động của hàm và vị trí răng ở F. oukherbouchi là đặc điểm độc nhất vô nhị, chưa từng được quan sát thấy ở bất kỳ loài cá nào khác. Khám phá mới bởi vậy là một mảnh ghép tiến hóa quan trọng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự phát triển răng của các loài cá mập hiện đại.
Theo Đoàn Dương/VNE (Live Science )