Phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm trong rừng ở Bình Thuận

Viện Sinh thái học miền Nam phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Lòng Sông - Đá Bạc đã lắp đặt bẫy ảnh và ghi nhận nhiều hình ảnh phục vụ nghiên cứu.

Bẫy ảnh đã phát hiện, ghi nhận 24 loài động vật (15 loài thú và 9 loài chim) gồm: khỉ đuôi lợn, chà vá chân đen, mang đỏ, heo rừng, sơn dương, mèo rừng, chồn bạc má, cầy vòi hương, sóc vằn lưng, sóc bụng đỏ, sóc bay trâu, nhím, đồi, nhen, tê tê java, công, gà rừng, đa đa, trảu đầu hung, chèo bẻo rừng, chích chòe lửa, khướu khoang cổ, khướu mào trắng và chim cú muỗi đuôi dài.

Trong đó có 5 loài nguy cấp, quý hiếm thuộc sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) cần được bảo vệ nghiêm ngặt là: chà vá chân đen, tê tê java, công, sơn dương và khỉ đuôi lợn.

Một con khỉ đuôi lợn trong rừng Lòng Sông - Đá Bạc

Một con khỉ đuôi lợn trong rừng Lòng Sông - Đá Bạc

Viện Sinh thái học miền Nam đã phối hợp chặt chẽ với BQL RPH Lòng Sông – Đá Bạc triển khai hoạt động thực địa lắp đặt bẫy ảnh thu số liệu tại lâm phận BQL RPH Lòng Sông – Đá Bạc từ tháng 3- 5/2022.

Sau đó dữ liệu được thu hồi để tiến hành kiểm kê, định danh và phân tích bằng các phương pháp thống kê hiện đại. Để đảm bảo tính đại diện, các điểm bẫy ảnh được thiết lập theo ô lưới ngoài hiện trường ở sinh cảnh rừng khộp rụng lá.

Cá thể Mang đỏ Muntiacus vaginalis

Cá thể Mang đỏ Muntiacus vaginalis

Hệ thống bẫy ảnh được lắp đặt tại rừng phòng hộ Lòng Sông - Đá Bạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã ghi nhận sự xuất hiện của 24 loài thú và chim hoang dã, khẳng định sự phong phú và độc đáo của hệ sinh thái trong khu vực này. Với diện tích khoảng 27.700 ha, rừng phòng hộ Lòng Sông - Đá Bạc là một khu vực có giá trị sinh thái cao, bao gồm các kiểu rừng khộp, rừng hỗn giao tre nứa, rừng thường xanh nửa rụng lá và thường xanh, trải dài trên địa hình núi cao.

Việc ghi nhận sự đa dạng sinh học này cho thấy tầm quan trọng của việc bảo tồn và giám sát chặt chẽ khu vực rừng phòng hộ này. Viện Sinh thái học Miền Nam đã đề xuất tăng cường các hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng, cùng với xây dựng kế hoạch giám sát đa dạng sinh học định kỳ. Những biện pháp này sẽ giúp cập nhật và đánh giá kịp thời hiện trạng của rừng, cung cấp thông tin cần thiết để bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững.

Cá thể chà vá chân đen Pygathrix nigripes

Cá thể chà vá chân đen Pygathrix nigripes

Bên cạnh đó, sự tham gia của người dân địa phương trong việc bảo vệ rừng thông qua chính sách hộ nhận khoán cũng đóng góp quan trọng vào công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá này.

Thiên Phúc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phat-hien-nhieu-loai-dong-vat-quy-hiem-trong-rung-o-binh-thuan-post522048.html